Hai năm qua, Trung Quốc tăng cường phô trương thanh thế quân sự, đe dọa láng giềng. Tuy nhiên, những người am hiểu quân sự thì “con ngáo ộp” Trung Quốc chưa dọa được ai. Trái lại, trên thế giới có rất nhiều loại vũ khí khiến Trung Quốc phải run sợ. Loạt bài của chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu về các loại vũ khí này.
Kỳ trước chúng ta đã tìm hiểu về tên lửa Kh-35E trên hai tàu tên lửa Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ. Kỳ này chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tàu khác được trang bị Kh-35E trong hải quân Việt Nam hiện nay.
Nếu như trong tác chiến hải quân, những chiếc tàu to lớn thể hiện uy lực ở việc trang bị đồng bộ, có thể tác chiến dài ngày trên biển thì những chiếc tàu nhỏ với khả năng cơ động cao lại đóng vai trò là những đòn đánh nhanh, hiểm.
Hải quân Việt Nam chú trọng phát triển các tàu chiến, tàu phóng tên lửa vừa và nhỏ có tốc độ cực nhanh, tác chiến linh hoạt và hiệu quả với động cơ hiệu suất cao. Những chiếc tàu này như bầy sói bao vây con mồi là những chiếc tàu chiến to lớn và kềnh càng, khó xoay xở của đối phương. Đây là sự kế thừa nghệ thuật quân sự Việt Nam “lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít đánh nhiều”.
Tàu tên lửa lớp Molniya (Project 1241.8)
Năm 2006, hợp đồng xây dựng cho Việt Nam các tàu tên lửa dự án 1241.8 đã được Việt Nam và Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport ký kết. Hợp đồng bao gồm việc cung cấp cho Việt Nam hai tàu tên lửa dự án 1241.8 và xây dựng tại Việt Nam 10 tàu như vậy với sự hỗ trợ của Nga. Tổng giá trị của hợp đồng lên tới 1 tỷ USD.
Hai chiếc tàu tên lửa thuộc dự án 1241.8 đã được hoàn thành và bàn giao cho Hải quân nhân dân Việt Nam trong năm 2007 (hai tàu mang số hiệu HQ-375 và HQ-376).
Tàu HQ-375 và tàu HQ-376 của Hải quân nhân dân Việt Nam
Ngày 13/3/2013 và ngày 2/4/2013, hai chiếc đầu tiên được đóng tại nhà máy đóng tàu Ba Son, ký hiệu M1, M2 đã hạ thủy. Cả hai con tàu đều đã hoàn thành và có mức độ sẵn sàng cao, sẽ được chuyển giao cho Hải quân Việt Nam trong năm nay.
Tàu M1, M2 ở nhà máy đóng tàu Ba Son
Tàu tên lửa Molnya Project 1241.8 được thiết kế để tiêu diệt tất cả các loại tàu chiến, tàu vận tải, cũng như tàu đổ bộ của đối phương. Molnya có lượng giãn nước toàn tải 550 tấn, dài 56,1m, rộng 10,20m, mớm nước (toàn tải) 2,14m, vận tốc 35 hải lý/giờ. Thủy thủ đoàn vận hành tàu khoảng 40 người.
Tuy tàu chỉ có kích cỡ nhỏ, nhưng hỏa lực con tàu đủ sức đánh chìm những chiến hạm lớn hơn nó gấp nhiều lần. Molnya được trang bị hệ thống tên lửa hành trình chống tàu Kh-35 Uran-E với 16 đạn tên lửa được bố trí ở 4 bệ phóng 2 bên sườn tàu. Loại tên lửa này có khả năng đánh chìm chiến hạm có lượng giãn nước cỡ 5.000 tấn.
Bệ phóng trên tàu lớp Molnya
Ngoài hệ thống tên lửa Uran-E, tàu Molnya trang bị một pháo hạm tự động AK-176M cỡ nòng 76,2mm, 2 pháo phòng không cao tốc Ak-630M và 12 tên lửa đối không tầm thấp Igla.
Về thiết bị điện tử, tàu Molnya được trang bị hệ thống radar mạng pha 3 chiều Pozitiv-ME1 trinh sát mục tiêu trên không và trên biển. Radar có một số tính năng gồm: phát hiện mục tiêu có diện tích phản xạ radar 1m2 bay ở độ cao 1km từ cự ly 110km; phát hiện tên lửa chống tàu có diện tích phản xạ radar 0,03m2 bay độ cao 15m ở cự ly 15km; theo dõi 15 mục tiêu đồng thời và khóa 3-5 mục tiêu cùng lúc. Ngoài ra, tàu còn trang bị hệ thống radar trinh sát mặt nước, hệ thống điều khiển hỏa lực (pháo, tên lửa), hệ thống đối phó điện tử…
Với 12 tàu tên lửa Molnya, Hải quân Nhân dân Việt Nam sẽ được tăng cường đáng kể sức mạnh giúp bảo vệ vững chắc biển đảo, nhất là quần đảo Trường Sa.
Tàu tên lửa cỡ nhỏ lớp BPS 500
Đây là loại tàu được Nga thiết kế nhưng khâu sản xuất và lắp ráp được tiến hành tại Việt Nam. Tàu dài 62m, rộng 11m, độ mớm nước 2.5 m, độ giãn nước 517 tấn, tốc độ 32 hải lý/giờ. Theo các thông tin khác nhau thì hiện nay Việt Nam có 2 tàu thuộc lớp này mang số hiệu HQ-381, HQ-383. Tuy nhiên, các hình ảnh về tàu HQ-383 rất ít khi thấy xuất hiện.
Tàu HQ-381 của Hải quân nhân dân Việt Nam
Hệ thống vũ khí trên tàu bao gồm: 8 Kh-35 Uran-E, 1 khẩu 76,2 ly/59cal DP, 1 khẩu AA 30 ly AK-630 , 2 khẩu MG 12,7 ly , ống phóng ngư lôi cùng hỏa tiễn chống tàu ngầm RBU-120.
BPS 500 được trang bị radar Positiv-E/Cross Dome có thể định vị trên không và dưới biển và hệ thống phóng mồi bẫy 2 PK.
Hệ thống vũ khí trên tàu HQ-381
Việc trang bị những tàu tên lửa cỡ nhỏ là một hướng đi sáng tạo của Việt Nam. Cùng một chi phí sản xuất chế tạo thay vì một chiến hạm cỡ lớn Việt Nam có được nhiều tàu tên lửa có thể đảm nhận được nhiệm vụ cùng lúc tại nhiều địa điểm khác nhau.
Những tàu chiến này có khả năng xoay xở nhanh, có thể bí mật áp sát, rồi đồng loạt tấn công các tàu chiến lớn hơn từ nhiều hướng khác nhau. Trong trường hợp này hỏa lực của các tàu lớn cồng kềnh rất khó để phát huy hết hiệu quả.
Lịch sử quân sự Việt Nam đã cho thấy phương châm lấy nhỏ đánh lớn, sáng tạo, bí mật, bất ngờ đã làm nên chiến thắng của Việt Nam trước nhiều kẻ thù hùng hậu hơn nhiều. Chiến tranh du kích Việt Nam đã trở thành thương hiệu trên toàn thế giới. Ngày nay khoa học kỹ thuật phát triển nhưng nghệ thuật quân sự độc đáo này vẫn có thể tích hợp vào bản thân nó những vũ khí hết sức hiện đại.
Mời các bạn đón đọc kỳ 8: Chiến tranh du kích Việt Nam với vũ khí siêu ngụy trang hiện đại