Kỳ 1: Tàu ngầm Trung Quốc rình mò mà 'khua chiêng gõ mõ'

Hà Dũng |

(Soha.vn) - Sau một thời gian dài chỉ neo ở cảng và chạy loanh quanh gần bờ, gần đây tàu ngầm Trung Quốc đã đi rình mò vùng biển của Nhật Bản, Ấn Độ... Tuy nhiên vì quá ồn ào nên chúng liên tục bị phát hiện. Điều đó cho thấy công nghệ tàu ngầm của Trung Quốc vẫn rất lạc hậu.

Những năm qua Trung Quốc liên tục trình làng những vũ khí khủng do chính TQ nghiên cứu và chế tạo. Tuy nhiên phương Tây lại dành nhiều sự nghi ngờ và coi thường cho “những niềm tự hào” này. Chúng ta hãy xem thực hư phương Tây nói về “những con hổ giấy” này như thế nào?


Nằm im và loanh quanh gần bờ

Phóng viên  David Axe của tờ Wired (Mỹ), trích dẫn lời chuyên gia Hải quân Mỹ cho rằng từ năm 2007, các tàu ngầm Trung Quốc chỉ tuần tra một vài tuần trong năm. Từ trước năm 2005, không có một tàu ngầm nào của Trung Quốc tuần tra dưới biển. Trong nhiều năm, phần lớn các tàu ngầm của Trung Quốc vẫn nằm tại các căn cứ hải quân để sửa chữa, khắc phục các vấn đề về máy móc và thiếu một đội ngũ chuyên môn kỹ thuật cần thiết.

Vì vậy mà hệ thống sonar, các máy bay do thám, các tàu giám sát và tàu ngầm của Hải quân Mỹ có ít cơ hội để đánh giá khả năng hoạt động dưới biển của chúng. Sự im ắng từ năm 2009 trở về trước khiến Mỹ buộc phải đánh giá tàu ngầm Trung Quốc bằng các dự đoán.

	Tàu ngầm Trung Quốc thường xuyên neo đậu và chỉ loanh quanh gần bờ

Tàu ngầm Trung Quốc thường xuyên neo đậu và chỉ loanh quanh gần bờ

Khua chiêng gõ mõ khi ra đại dương

Hiện nay tàu ngầm Trung Quốc được triển khai tuần tra nhiều hơn trên bờ biển gần Philippines, Nhật Bản. Gần đây, truyền thông Nhật Bản liên tục đưa tin về sự xuất hiện của tàu ngầm lớp Yuan của Trung Quốc tại các vùng biển tiếp giáp giữa hai nước.

Theo ông Sumihiko Kawamura, cựu Tư lệnh Liên đội Không quân săn tàu ngầm của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, Trung Quốc hiện vẫn chưa đạt được công nghệ “tàng hình” cho tàu ngầm và “khi hoạt động, tàu ngầm của Trung Quốc phát ra tiếng động như khua chiêng gõ mõ.”

Còn tờ Wired (Mỹ)  đăng bài của phóng viên David Axe dẫn lời một chuyên gia Hải quân Mỹ cho rằng:

Trong suốt cuộc chiến tranh lạnh, Hải quân Mỹ luôn bố trí các tàu ngầm của mình ở cách nhau 25 dặm, và tạo thành một mạng lưới tàu ngầm dày đặc để phát hiện các tàu ngầm của Liên Xô.

Với việc chế tạo ra các loại tàu ngầm diesel thế hệ mới nhất và chạy rất “êm” của Nga vào những năm 1990, người Mỹ cho rằng việc bố trí các tàu ngầm như trước không khả thi nữa.

Nhưng giờ đây họ đã khám phá ra rằng các tàu ngầm made in China thậm chí còn “ồn hơn” cả tàu ngầm đã 20 năm tuổi của Nga.

Hải quân Mỹ đã thấy yên tâm hơn vì công nghệ tàu ngầm của họ vẫn giữ khoảng cách với Trung Quốc ngay cả sau khi Trung Quốc tăng cường số lượng tàu ngầm mới trong thời gian gần đây. Các hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc trở nên thường xuyên hơn, phạm vi rộng hơn và ồn ào hơn. Chuyên gia Hải quân Mỹ kết luận.

	Hệ thống Sonar SURTASS LFA

Hệ thống Sonar SURTASS LFA

Hệ thống phao thủy âm nhận tín hiệu và truyền cho máy bay, vệ tinh cảnh báo
Hệ thống phao thủy âm nhận tín hiệu và truyền cho máy bay, vệ tinh cảnh báo

Trang điện tử lewis.armscontrolwonk.com đăng tải bài viết của Hans Kristensen  tựa đề: Tàu ngầm hạt nhân ồn ào của Trung Quốc, dựa trên một tài liệu của văn phòng tình báo hải quân mang tên Hải quân Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA): Một hải quân hiện đại theo đặc điểm Trung Quốc.

Bài viết nghiên cứu độ ồn của các tàu ngầm Nga và Trung Quốc được Hải quân Mỹ thu thập và nhận xét rằng tàu ngầm Trung Quốc ồn ào hơn cả những chiếc tàu ngầm thế hệ cũ của Nga.

	Biểu đồ sắp xếp mức độ ồn, tàu ngầm Trung Quốc còn ồn hơn các tàu ngầm cũ của Nga

Biểu đồ sắp xếp mức độ ồn, tàu ngầm Trung Quốc còn ồn hơn các tàu ngầm cũ của Nga

	Đồ thị cho thấy mức độ ồn của tàu ngầm Trung Quốc tương đương với công nghệ những năm 1960 của Mỹ, 1980 của Nga

Đồ thị cho thấy mức độ ồn của tàu ngầm Trung Quốc tương đương với công nghệ những năm 1960 của Mỹ, 1980 của Nga

	Đồ thị đánh giá mức độ ồn theo từng nước

Đồ thị đánh giá mức độ ồn theo từng nước

Biểu đồ về đánh giá mức độ tiếng ồn cho thấy rằng chiếc Type 093 phát ra tiếng ồn gần bằng tàu Victor III chưa cải tiến của Nga được phát triển từ 30 năm trước. Còn so với các loại hiện nay của Nga và Mỹ thì khoảng cách là quá xa.

Nghiên cứu chỉ ra độ ồn của tàu ngầm lớp 093 hay còn gọi là lớp Tống là 130-150 dB (đề-xi Ben). Đối với lớp Kim thì độ ồn lớn hơn tầm 140-160 dB. Đối với độ ồn này, nghiên cứu đánh giá chỉ tương đương với công nghệ những năm 1960 của Mỹ.

Công nghệ quá lạc hậu và cũ kỹ

Ngày 23/4, trang mạng quân sự “Strategy Page” Mỹ có bài viết nói rằng hiện nay Trung Quốc đã tự chế tạo được 2 thế hệ tàu ngầm hạt nhân:

Thế hệ tàu ngầm hạt nhân chiến lược (SSBN) thứ nhất được ra đời từ những năm 1980 thuộc lớp 092 còn gọi là lớp Hạ sản xuất 1 chiếc nhưng nó có quá nhiều vấn đề nên chỉ được dùng để phục vụ công tác huấn luyện trong những vùng biển gần bờ.

Thế hệ thứ ba lớp 094 còn gọi là lớp Tấn đáng ra phải được đưa vào sử dụng từ 4 năm trước nhưng các cuộc thử nghiệm liên tiếp thất bại nên giờ này hải quân Trung Quốc đành phải xếp chúng vào dạng “dự án treo”.

Các tàu ngầm hiện hoạt động thuộc lớp 093 còn gọi là lớp Tống, bị giới công nghệ quốc phòng thế giới vạch mặt là “quá giống những chiếc tàu ngầm Victor III lớp SSN đã có hơn 30 năm tuổi của hải quân Nga”.

	Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 092 lớp Hạ chỉ dùng để huấn luyện

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 092 lớp Hạ chỉ dùng để huấn luyện

	Tàu ngầm hạt nhân chiến lược type 093 lớp Tống đang hoạt động có công nghệ tương đương những năm 1980 của Nga

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược type 093 lớp Tống đang hoạt động có công nghệ tương đương những năm 1980 của Nga

	Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 94 lớp Tấn, liên tiếp thất bại trong thử nghiệm, dự án hiện đang bị treo

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 94 lớp Tấn, liên tiếp thất bại trong thử nghiệm, dự án hiện đang bị treo

Chỉ cần nhìn qua, người ta cũng thấy chiếc tàu ngầm lớp 093 của Trung Quốc chẳng qua chỉ là chiếc Victor III có gắn thêm khoang phóng tên lửa”, một chuyên gia về tàu ngầm của Mỹ phát biểu.

Bước sang thế hệ SSBN lớp 094, thiết kế của tàu ngầm Trung Quốc vẫn gần như không có gì thay đổi nhiều và đặc biệt là thiết kế dựa trên tàu ngầm lớp SSN (hạt nhân chiến thuật)  có trang bị thêm khoang phóng tên lửa là một “thủ thuật” mà Mỹ đã sử dụng từ những năm 1950 khi họ sản xuất những chiếc SSBN đầu tiên.

Vậy mà phải đến năm 2006, chiếc SSBN lớp 093 đầu tiên của Trung Quốc mới chính thức được đưa vào hoạt động và SSBN lớp 094 chỉ khác là có kích thước lớn hơn với lượng giãn nước lên tới 9.000 tấn.

Hối hả phát triển SSBN lớp 094 và tên lửa JL-2 với dự tính là có thể nhắm tới các mục tiêu trên đất Mỹ sẽ giúp cho Trung Quốc trở nên tự tin hơn khi “nói chuyện phải quấy” với nước này. Nhưng đến nay, sau khi những chiếc SSBN lớp 094 đã đi vào phục vụ được 3 năm, chúng vẫn phải hoạt động chay (không mang theo tên lửa hạt nhân).

Một bài viết trên trang đánh giá quốc phòng Kanwa có trụ sở tại Canada cho biết tàu ngầm Trung Quốc không 'đủ tuổi' để so sánh với hàng Nga, Mỹ. Theo đó, thiết kế khoang chứa tên lửa của loại 094 rất thô, so với loại tàu ngầm tên lửa mới nhất của Nga là 955 thì khu chứa tên lửa của 094 quá to cao.

Các chuyên gia quân sự và những người thiết kế tàu ngầm của Nga cho biết, điều này sẽ làm cho 094 rất dễ bị phát hiện khi làm nhiệm vụ. Ngoài ra, tàu ngầm 094 của hải quân Trung Quốc cũng là kẻ khá ồn ào do những thiết kế chưa hợp lí về khí động học gây ra hiện tượng cản nước.

Tự thiết kế chế tạo thì chắc chắn còn rất lâu tàu ngầm Trung Quốc mới đuổi kịp công nghệ của Nga, Mỹ. Phải chăng Trung Quốc sẽ tìm cách đánh cắp hoặc lịch sự hơn là mua lại công nghệ từ các nước khác?

Mời các bạn đón đọc kỳ 2: Trung Quốc bị phương Tây dắt mũi vì mù tịt công nghệ tàu ngầm.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại