Theo truyền thông TQ cho biết nước này bắt đầu quan tâm tới dự án thiết kế máy bay chiến đấu Sea Gripen của Thụy Điển sau khi theo dõi đoạn băng giới thiệu sản phẩm này có thể hạ gục được máy bay chiến đấu Su-35 cũng như F-22.
Dù đoạn clip quảng cáo giới thiệu có phần “nói quá“ hơn so với thực tế, nhưng rõ ràng khả năng chiến đấu của Sea Gripen là điều không phải bàn cãi, và để đa dạng hóa trang bị máy bay cho Liêu Ninh, TQ rõ ràng cần một loại máy bay có khả năng “đối kháng“ được cả với máy bay của Nga và Mỹ.
Theo báo cáo từ công ty thiết kế Saab (Thụy Điển) thì kết thúc giai đoạn đầu chương trình phát triển Sea Gripen, có thể kết luận rằng, mẫu máy bay Gripen NG sẽ không phải thay đổi quá nhiều để trở thành một mẫu tiêm kích trên hạm thực thụ.
Một số thay đổi chính sẽ nằm ở phần khung gầm; lắp móc hãm đà, hệ thống ly hợp càng trước với giá trượt của máy phóng trên tàu sân bay. Ngoài ra, vỏ máy bay và một số bộ phận quan trọng của biến thể tiêm kích trên hạm mới cũng sẽ có thêm một lớp phủ đặc biệt nhằm bảo vệ máy bay trước tác động của nước biển.
Theo các chuyên gia, tiêm kích Sea Gripen dự kiến sẽ có hai biến thể: cất cánh từ tàu sân bay với máy phóng và cất cánh từ đường băng ngắn.
Phía TQ thực sự tỏ ra quan tâm tới loại máy bay có thể cất cánh nhờ máy phóng để có thể ngay lập tức trang bị cho Liêu Ninh.
Lô đầu tiên của dòng sản phẩm này sẽ được cung cấp cho khách hàng sớm nhất là vào năm 2018. Các biến thể tiêm kích mới sẽ có thể được triển khai trên các tàu sân bay có lượng choán nước đạt 25.000 tấn.
Nhiều quốc gia trên thế giới tỏ ra rất quan tâm tới dự án phát triển máy bay Sea Gripen. Trong đó, phải kể đến một số các khách hàng tiềm năng như Brazil và Ấn Độ. Đặc biệt, trong năm 2009, Ấn Độ đã công bố mở thầu mua 16 tiêm kích trên hạm (con số này có thể được tăng lên đến 40 chiếc) và Saab cũng đã nộp đơn dự thầu.
Theo nhiều chuyên gia nhận định đây mới thực sự là lý do khiến Bắc Kinh bày tỏ sự quan tâm tới loại máy bay chiến đấu có thể biên chế trên tàu sân bay này.
Bởi trên thực tế trước đây TQ chưa bao giờ quan tâm tới JAS 39 Gripen (loại máy bay sẽ được nâng cấp thành chiến cơ trang bị cho tàu sân bay), thậm chí Bắc Kinh còn khẳng định J-10 của nước này hoàn toàn có thể “nuốt sống“ JAS 39 Gripen.
Thế nhưng ngay lập tức Bắc Kinh đã xoay 180 độ khi JAS 39 Gripen sẽ được nâng cấp thành phiên bản Sea Gripen. Không rõ Bắc Kinh sẽ làm cách nào để hiện thực hóa mong muốn của mình, nhưng vào thời điểm hiện tại nếu muốn sở hữu Sea Gripen thì Bắc Kinh phải đợi xếp hàng sau New Delhi.
Và điều này chính là “vết gợn“ trong suy nghĩ của Bắc Kinh, và cũng là mấu chốt chính cho việc TQ có thực sự mong muốn Sea Gripen giống như truyền thông nước này phân tích hay không?