Các nhà phân tích quân sự phương Tây cho rằng Hải quân Trung Quốc đang được hiện đại hóa với tốc độ nhanh hơn tất cả các binh chủng khác của quân đội nước này. Khi được trang bị đầy đủ, Liêu Ninh sẽ có thể chứa được tới 50 máy bay phản lực và một số máy bay trực thăng.
Ngoài ra, có vẻ như chắc chắn Trung Quốc đã xác định rằng Hải quân sẽ đóng vai trò then chốt trong các kế hoạch triển khai lực lượng quân sự và bành trướng lãnh thổ trong thập kỷ tới và địa bàn tác chiến chính của lực lượng này sẽ là các vùng biển nằm trong khu vực Thái Bình Dương.
Trong trường hợp đó, kẻ thù tiềm tàng số 1 của lực lượng này chính là hải quân Mỹ. Hiện Mỹ có 11 tàu sân bay khổng lồ đang trấn giữ tại các vùng có tầm quan trọng chiến lược. Anh, Ấn Độ, Brazil, Thái Lan, Tây Ban Nha, Nga và Pháp mỗi nước đều có một tàu sân bay trong khi Italia có tới 2 tàu.
Để thực hiện được chiến lược chiến lược này, ít nhất Trung Quốc phải khắc phục được tình trạng “hổ giấy” của Liêu Ninh tức là phải có một đội ngũ tiêm kích đủ lớn, có khả năng cất cánh và hạ cánh trên tàu sân bay và một đội ngũ kỹ thuật viên có khả năng đảm bảo cho các máy bay chiến đấu có thể hoạt động trong các điều kiện đại dương khác nhau.
Chưa hết, theo các nhà phân tích quân sự quốc tế, nếu Trung Quốc đưa Liêu Ninh ra biển tham chiến bây giờ, nó sẽ nhanh chóng trở thành mục tiêu “tập bắn” cho hải quân các nước khác, kể cả là những nước có tiềm lực hải quân yếu ớt như Philippines bởi con tàu sân bay này chưa có một đội tàu hộ tống, tàu hậu cần và kỹ thuật đủ điều kiện hỗ trợ nó. Tính toán của giới quân sự cho rằng, Trung Quốc cần ít nhất 3 tàu sân bay mới có thể duy trì sự hiện diện thường xuyên trên biển.
Ông Andrew Erickson, chuyên gia thuộc trường Hải quân Mỹ đã từng có lần phát biểu trên tờ Wall Street Journal: “Trung Quốc đã có chiếc tàu sân bay đầu tiên. Đã có những chiếc tiêm kích J-15 đầu tiên có khả năng cất cánh, hạ cánh xuống tàu sân bay.
Nhưng hơn ai hết, chính người Trung Quốc hiểu rằng họ chưa dọa được ai cả. Đó mới chỉ là cây số đầu tiên trong cuộc thi marathon dài 42 km. Người ta có thể thấy ngạc nhiên khi vận động viên này tiến bộ từ con số 0 nhưng thực tế, chính vận động viên đó đang phải lo lắng về việc sẽ chạy 41 km còn lại như thế nào”.
Trung Quốc hiểu điểm yếu của họ và họ cũng đã bắt đầu sửa chữa nó. Ngày 28/8/2012, tại nhà máy Trường Hưng (gần Thượng Hải), Trung Quốc đã cho hạ thủy vỏ chiếc tàu khu trục tên lửa 6.000 tấn lớp Lữ Dương III, thứ 2.
Con tàu này dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng từ năm 2014 chiếc tàu loại này. Lữ Dương III có một số cải tiến quan trọng so với thế hệ trước như: hệ thống phòng không, ngoài radar bắt và theo dõi mục tiêu còn có thêm 32 ống phóng đứng tên lửa phòng không HQ-9B.
Thêm vào đó, các tên lửa phiên bản cho hải quân loại tên lửa hành trình DH 10 có điều khiển nhờ hệ thống định vị không gian Compass của Trung Quốc hiện đã phủ sóng ở khắp châu Á.
Cũng theo nguồn tin từ Đài Loan, vào năm 2020, Trung Quốc sẽ có trong tay một số tàu tác chiến cao giúp cho hải quân nước này có thể trở thành lực lượng mạnh thứ 2 trong vùng, sau Mỹ.
Ngoài ra, còn phải nói đến 60 tàu cao tốc phóng tên lửa lớp Hầu Bắc được trang bị mỗi tàu 8 tên lửa hành trình chống hạm, khoảng 15 chiếc khinh hạm phòng không hiện đại lớp Giang Khải II trang bị tên lửa hải đối không HQ-16 (5 chiếc loại này đang được đóng), 13 chiếc tàu ngầm cổ điển lớp Tống và 8 chiếc khác thuộc lớp Nguyên, hiện đại hơn và êm hơn, được trang bị hệ thống đẩy độc lập kiểu AIP.
Dự kiến, đến năm 2015, Hải quân Trung Quốc sẽ được tăng cường thêm 5 chiếc tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 095 dùng để bảo vệ các tàu sân bay trong tương lai, từ nay đến năm 2020.
Như vậy, Trung Quốc sẽ sở hữu một hạm đội đáng kể mà chỉ có hải quân Nhật Bản và Mỹ là có khả năng đối đầu, với năng lực răn đe đáng kể.