Tàu sân bay Principe de Asturias của Tây Ban Nha là cái tên được nhắc tới nhiều trong vài ngày qua trên nhiều trang mạng của TQ. Việc Manila muốn sở hữu tàu sân bay nhằm tăng sức mạnh “kháng cự“ lại Bắc Kinh là điều mà TQ ái ngại.
Trên thực tế lo ngại này của Bắc Kinh không phải không có cơ sở khi có nhiều nguồn tin cho rằng Philippines đang nỗ lực tiếp cận lực lượng hải quân TBN để tìm hiểu và đàm phán mua lại tàu sân bay cũ của nước này.
Tờ japnamil của Nhật phân tích, Hải quân Philippines quan tâm đến việc mua tàu sân bay Principe de Asturias của Tây Ban Nha nhằm đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc.
Nguồn tin này cũng cho biết, hiện tại tàu sân bay Principe de Asturias neo tại căn cứ Ferrol để tiến hành thủ tục thanh lý và đồng thời tiếp tục nhiệm vụ tháo dỡ các hệ thống vũ khí. Trong trường hợp có “khách hàng“ muốn mua lại tàu sân bay này thì TBN sẽ tiến hành đại tu chiếc tàu này theo những nhu cầu mới của nước mua trước khi chuyển giao.
Trên thực tế không chỉ có duy nhất Philippines quan tâm tới chiếc tầu sân bay này, bởi nhiều quốc gia khác ở Châu Á cũng đang có những tính toán để sở hữu một chiếc tàu sân bay nhằm nâng cao uy lực biển của mình.
Thế nhưng, hiện Manila đang nổi lên là cái tên được xem như sáng giá nhất cho thương vụ này. Theo nguồn tin thì một đại diện quân đội Philippines đã khẳng định, nước này sẽ sớm sở hữu tàu sân bay để “cụ thể“ hóa sức mạnh biển của mình, đồng thời tạo thế răn đe đối với kẻ thù.
Nếu Manila thành công trong thương vụ này thì họ sẽ là quốc gia thứ 2 tại ĐNÁ sở hữu tàu sân bay sau Thái Lan. Và theo thiết kế thì chiếc tàu sân bay hạng nhẹ Principe de Asturias cũng có thiết kế gần với thiết kế của chiếc tàu sân bay Chakri Naruebet của Thái Lan.
Trên thực tế việc TBN quyết định bán tàu sân bay hạng nhẹ Principe de Asturias là nhằm bảo đảm cho việc xuất hiện của chiếc tàu sân bay mới trong tương lai trong dự án Buque de Proyeccíon Estratégica. Theo đó, hải quân TBN sẽ có chiếc tàu mới với ượng rẽ nước 25,000–30,000 tấnvà nó sẽ mang tối đa 30 Matador AV-8B+, F-35 hay một nhóm hỗn hợp cả hai loại máy bay trên cùng với hệ thống chiến đấu dựa trên radar ba chiều hiện đại.
Do không muốn sở hữu cùng lúc 2 chiếc tàu sân bay có nhiều điểm giống nhau đồng thời chi phí bỏ ra để duy hoạt động của chúng không hề nhỏ nên quân đội TBN mới đi tới quyết định bán tàu sân bay Principe de Asturias, dù là bán tháo nhưng theo nhiều chuyên gia giá để Principe de Asturias “ra đi“ cũng không hề dễ thở đối với bất kỳ quốc gia nào. Trong ảnh là cảnh chiếc sân bay hạng nhẹ Principe de Asturias xuất hiện cùng chiếc tàu trong dự án đóng mới tàu sân bay của TBN với bí số L61.
Trước thông tin Philippines đang nhòm ngó tàu sân bay hạng nhẹ Principe de Asturias, tờ chinamil đã có bài phân tích đồng thời khẳng định việc xuất hiện chiếc tàu này trên biển Đông cũng không khiến Bắc Kinh phải lo lắng quá nhiều, bởi so sánh thiết kế và tính năng thì Liêu Ninh hoàn toàn vượt mặt Principe de Asturias.
Thêm một lý do nữa khiến báo chí TQ không đánh giá cao sức mạnh tàu sân bay của Philippines đó là việc nước này sẽ không có đủ biên chế cho đội tàu hộ tống mặt nước cũng như lực lượng ngầm đủ mạnh, đó còn chưa kể tới việc Manila sẽ trang bị máy bay gì cho Principe de Asturias trong trường hợp không đủ tiền mua lại toàn bộ máy bay chiến đấu đang được quân đội TBN biên chế.
Nhiều chuyên gia quân sự tại Úc, Nhật,... cũng có chung nhận định này khi nhớ lại những hợp đồng vũ khí giữa Mỹ và Philippines khi quốc gia ĐNÁ này thường chỉ mua được “cái xác“ của những chiếc tàu chiến hiện đại, nhưng thực tế sức mạnh chiến đấu của nó không hơn máy những tàu chiến ven bờ khác.
Nhưng dẫu sao thông tin Manila muốn sở hữu tàu sân bay cũng chứng tỏ quốc gia này luôn kiên quyết trước những hành động lấn chiếm của TQ trên biển, và rõ ràng ở một chừng mực nhất định Philippines đang tỏ ra đúng đắn trên con đường “chống“ Bắc Kinh của mình.