Thông tin Tokyo cung cấp tàu tuần tiễu cho Manila đã lan truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cách đây gần 1 năm, nhưng Chính phủ Nhật Bản một mực phủ nhận. Tháng 12 năm ngoái, Chính phủ Philippines chính thức đệ trình yêu cầu này đến Nhật Bản, hy vọng nước này sẽ cung cấp cho mình 10 tàu tuần tiễu loại 40m. Dự tính, chi phí đóng 1 chiếc tàu loại này vào khoảng hơn 1 tỷ yên Nhật.
Sau khi lên nắm quyền, tháng 5 năm nay, Thủ tướng Shinzo Abe đã cử một đoàn kiểm tra và các chuyên gia thuộc Cơ quan Hợp tác Quốc tế (JICA) sang Philippines điều tra, nghiên cứu. Dự kiến trước tháng 8, đoàn kiểm tra này sẽ hoàn tất quá trình xem xét nhu cầu trang bị và thảo luận các biện pháp giúp đỡ Philippines huấn luyện thủy thủ và bồi dưỡng nhân viên kỹ thuật.
Trong cuộc hội đàm ngày 22/05, ngoại trưởng Nhật và Philippines đã xác nhận 2 bên sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch để ngay trong năm nay có thể bàn giao tàu. Ngoại trưởng Fumio Kishida biểu thị, Nhật hy vọng có thể nhanh chóng nâng cao thực lực tác chiến của lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines.
Theo tin cho biết, 10 tàu tuần tiễu này được Nhật Bản cung cấp cho Philippines theo phương thức viện trợ phát triển của Chính phủ (Viện trợ không hoàn lại - ODA). Tháng 4 năm ngoái, tại hội nghị hiệp thương quốc phòng và ngoại giao tổ chức tại Washington, Mỹ và Nhật đã xác định sẽ sử dụng nguồn vốn đầu tư của chính phủ Nhật Bản để cũng cấp tàu tuần tiễu cho các quốc gia châu Á và Philippines chính là nước đầu tiên được nhận quy chế này.
Nếu như được gia cố vỏ thép, tàu tuần tiễu sẽ trở thành một chiến hạm thực thụ. Chính vì vậy, Bắc Kinh đã cho rằng Tokyo cung cấp loại tàu này cho Philippines là vi phạm “3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí” do chính tay họ soạn thảo tháng 4/1967, đặc biệt là nguyên tắc Nhật sẽ không xuất khẩu vũ khí sát thương cho bất cứ quốc gia nào.
Ngày 01/06/2006, Chính phủ của Thủ tướng Koizumi quyết định nới lỏng việc thực hiện 3 nguyên tắc này, sử dụng nguồn vốn ODA cung cấp cho Indonesia 3 tàu tuần tiễu có vũ trang. Đây là lần đầu tiên Tokyo sử dụng nguồn vốn viện trợ của Chính phủ để cung cấp vũ khí cho một nước khác.
Đối mặt với những chất vấn của dư luận trong nước, Chánh văn phòng nội các Nhật lúc đó chính là Thủ tướng đương nhiệm Shinzo Abe đã tuyên bố, Nhật cung cấp vũ khí để Indonesia chống hải tặc, bảo vệ các tuyến đường giao thông trên biển. Hành động này là hợp pháp, không vi phạm “3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí”.
Tiếp theo đó, tháng 12/2012, Chính phủ Nhật lại một lần nữa “lách” qua khe hở của 3 nguyên tắc này để cung cấp tàu tuần tiễu cho Philippines, với lí do cung cấp tàu tuần tra để nước này sử dụng cho các “hoạt động chung quốc tế”.