Tên lửa phòng không Vityaz mạnh gấp 3 lần S-300

Theo RIA Novosti, Tổ hợp chế tạo Almaz-Antey đã lần đầu tiên giới thiệu nguyên mẫu của tổ hợp tên lửa phòng không tiên tiến Vityaz. Nguyên mẫu tổ hợp Vityaz được giới thiệu trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới nhà máy Obukhov ở Saint Petersburg.

Giám đốc tổ hợp Almaz-Antey cho biết, ngay trong năm 2013, tổ hợp Vityaz sẽ được chuyển giao cho Bộ Quốc phòng Nga để thử nghiệm. Dự kiến, Vityaz trong tương lai sẽ thay thế các tổ hợp tên lửa phòng không S-300.

Vityaz là tổ hợp tên lửa phòng không tự hành tầm trung. Toàn bộ các thành phần của tổ hợp như: Bệ phóng, trạm chỉ huy và hệ thống radar đều được đặt trên khung gầm xe vận tải chuyên dụng BAZ.

Theo lời giới thiệu của nhà sản xuất, Vityaz sẽ có khả năng tác chiến mạnh gấp 3 lần so với S-300 với 12 kênh điều khiển tên lửa so với 4 trên S-300.

Mô hình của tổ hợp tên lửa Vityaz
Mô hình của tổ hợp tên lửa Vityaz

Theo thiết kế, Vityaz sẽ trang bị radar mảng pha, có khả năng theo dõi 40 mục tiêu cùng và dẫn bắn tên lửa tiêu diệt đồng thời 8 mục tiêu. Tuy nhiên vẫn chưa rõ loại đạn tên lửa phát triển cho Vityaz.

Một tổ hợp chiến đấu của Vityaz bao gồm một trạm điều khiển bắn, có trang bị radar cảnh giới và bắt bám máy bay hay tên lửa địch; ba xe phóng tên lửa và các xe tiếp đạn.

Các tên lửa được đặt thành cụm gồm ba lớp, mỗi lớp bốn ống phóng thẳng đứng hoặc cụm 2 lớp, mỗi lớp gồm 5 ống phóng trên khung xe tải vượt địa hình. Tính ra, tổng số tên lửa sẵn sàng chiến đấu của mỗi tổ hợp Vityaz được trang bị 30 - 144 tên lửa có khả năng sẵn sàng bắn.

Tương tự như tên lửa phòng không tầm xa S-300 và S-400, Vityaz cũng sử dụng phương pháp phóng “nguội” để bắn tên lửa, tức là sử dụng khí nén để đẩy tên lửa ra khỏi ống phóng đến độ cao 30m, sau đó động cơ chính của tên lửa mới bắt đầu khởi động.

Phương pháp này tuy cần một cơ cấu phóng phụ và khó thiết kế cho các tên lửa cỡ nhỏ nhưng nó có độ an toàn rất cao, giúp bảo vệ bộ ống phóng và các tên lửa còn lại nếu không may một tên lửa bị phóng hỏng.

Các xe phóng tên lửa và xe chỉ huy đều liên lạc với nhau qua hệ thống datalink giúp chúng có khả năng chia sẻ mục tiêu với nhau cũng như với các hệ thống phòng không khác.

Thêm một điểm giống nhau nữa giữa Vityaz và S-400, đó là chúng sử dụng hai loại tên lửa khác nhau để đối phó với các mục tiêu ở tầm xa khác nhau trong cùng một loại ống phóng.

Một ống phóng của Vityaz có thể chứa 1 tên lửa tầm trung 9M96E/E2 hay 4 tên lửa tầm ngắn 9M100 (ống phóng tên lửa S-400 có thể chứa 1 tên lửa tầm siêu xa 40N6 hoặc 1 tên lửa tầm xa 48N6 hoặc 4 tên lửa tầm trung 9M96E/E2).

Hệ thống Vityaz sử dụng radar mảng pha băng sóng X MFMTR có khả năng theo dõi 40 mục tiêu cùng lúc và tấn công cùng lúc 8 mục tiêu với hai tên lửa tấn công mỗi mục tiêu nhằm chắc chắn khả năng tiêu diệt.

Radar X MFMTR có cấu tạo gồm một ăng ten mảng pha gắn trên nóc xe điều khiển, có tốc độ quay 60 vòng/phút và rất khó bị làm nhiễu và dò tìm tấn công bởi tên lửa diệt radar của địch.

Bộ Quốc phòng Nga mới đây công bố, tới năm 2020, quân đội Nga sẽ mua không dưới 30 tổ hợp Vityaz. Chúng cùng với S-400 và S-500 sẽ là một thành phần trong hệ thống phòng không-vũ trụ của Nga.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại