Tại sao Mỹ nên dùng chiến đấu cơ thế hệ năm để hạ S-300?

Tuân Việt |

(Soha.vn) - Mất 5 phút để triển khai, tiêu diệt 10 mục tiêu trong cự ly 100 dặm, S-300 thật sự quá khó để bị tiêu diệt.

Web-site trực tuyến của tạp chí nổi tiếng Forbes hôm thứ Hai ngày 03 tháng 6 năm 2013 đã đăng tải một bài phân tích của ông Loren Thompson, chuyên gia quân sự thuộc Học viện Lexington (Mỹ) về cuộc chiến của Mỹ ở Syria. Bài viết mang tên “Tại sao Mỹ cần máy bay chiến đấu thế hệ năm trong cuộc chiên tại Syria” (War In Syria Highlights Why U.S. Needs Fifth-Gen Fighters).

Mỹ và đồng minh có thể áp đặt một vùng cấm bay trên Syria, như họ đã làm trong cuộc chiến tranh ở Libya và Iraq. Hiện tại, Không quân Mỹ và các đồng minh đang được trang bị các máy bay chiến đấu thế hệ trước, mà các tên lửa phòng không của Syria có thể bị bắn hạ trong các cuộc không kích.


	Hệ thống tên lửa S-300.

Hệ thống tên lửa S-300.

Lo ngại này được loại bỏ khi mà Lầu Năm Góc trong mười năm qua trong cuộc chiến với phong trào Taliban, lực lượng không được trang bị các hệ thống phòng không và không quân đủ uy lực để bắn hạ máy bay Mỹ. Tuy nhiên, bây giờ, trọng tâm của kế hoạch quân sự cần phải thay đổi và di chuyển theo hướng khác, đó là những nước được trang bị hệ thống phòng không, không quân mạnh mẽ hơn chẳng hạn như Trung Quốc, Iran, Bắc Triều Tiên và Syria.

Máy bay chiến đấu tiền tuyến siêu âm là phương tiện chính để đè bẹp hệ thống phòng không của đối phương. Hoa Kỳ và các đồng minh của mình có thể bị thiệt hại nặng ở Syria nếu nước này sớm nhận được hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến S-300 của Nga. Các hệ thống này được thiết kế để chống lại các phương tiện chiến đấu chiến thuật trên không truyền thống của phương Tây. Tuần trước, một chuyên gia Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế trong một cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh Tự do cho rằng các thiết bị tác chiến điện tử là khó để có thể “trung hòa” được S-300.


	Máy bay chiến đấu thế hệ năm của Mỹ F-22.

Máy bay chiến đấu thế hệ năm của Mỹ F-22.

Trong cuộc chiến chống lại Syria sẽ rất khó khăn để sử dụng máy bay hoặc tên lửa hành trình để tiêu diệt các các tên lửa phòng không di động, những “con rồng lửa” có thể “tóm gọn” chúng. S-300 là một hệ thống vũ khí có tính cơ động cao, triển khai chiến đấu chỉ mất có năm phút, có thể theo dõi 100 mục tiêu cùng một lúc và tiêu diệt 10 mục tiêu ở khoảng cách một trăm dặm.

Do đó, cần phải sử dụng loại máy bay chiến đấu có khả năng sống sót cao để có thể chống lại S-300. Và theo chuyên gia Loren Thompson, chỉ có máy bay chiến đấu thế hệ năm mới có thể “cáng đáng” được nhiệm vụ khó khăn này.

Trong nhiều năm, máy bay chiến đấu của Mỹ đã được áp dụng các công nghệ mới, chẳng hạn như bom thông minh và hệ thống kiểm soát bay kỹ thuật số. Các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm có khả năng chiến đấu tiên tiến, công nghệ tàng hình cho phép chúng rất khó lộ diện trước radar đối phượng, ngoài ra động cơ và vật liệu mới giúp cho máy bay có khả năng cơ động cực cao. Đặc biệt, hệ thống cảm biến tiên tiến cho phép các phi công nhận biết và xử lý các tình huống một cách toàn diện.


	Chiến đấu cơ trên hạm F-18 Supper Hornet của hải quân Hoa Kỳ.

Chiến đấu cơ trên hạm F-18 Supper Hornet của hải quân Hoa Kỳ.

Theo Loren Thompson, Phi công của các máy bay chiến đấu thế hệ năm có thể “nhìn thấy” đối phương, nhưng ngược lại, đối phương không thể “nhìn thấy” các máy bay này. Ngay cả khi kẻ thù tìm thấy chúng, thì với độ bộc lộ radar vô cùng nhỏ thì đối phương cũng khó có thể tiêu diệt chúng bằng các loại tên lửa. Do đó, công nghệ tàng hình tiên tiến kết hợp với hệ thống vũ khí có độ chính xác cao và khả năng nhận thức tình huống ở mức độ cao sẽ là chìa khóa giúp Mỹ có thể ngăn chặn được hệ thống phòng không của đối phương trong một vài ngày.

Tuy nhiên, hiện trong trang bị của Không quân Mỹ chỉ có các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-22 (185 chiếc) có khả năng sẵn sàng chiến đấu. Còn các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35, có chi phí ít hơn thì vẫn đang trong quá trình thử nghiệm.

Theo kế hoạch, F-35 sẽ được trang bị cho Thủy quân lục chiến Mỹ trong tháng 12/2015, tiếp theo là lực lượng Không quân trong tháng 12/2016 và Hải quân vào tháng 2/2019.

Mặc dù không có khả năng cơ động cao như F-22, nhưng F-35 lại được trang bị hệ thống điện tử hiện đại hơn so với người tiền nhiệm. Vấn đề là F-35 không đi vào hoạt động cho đến năm 2015, nếu như cần thiết phải sớm loại bỏ các hệ thống phòng không của Syria trong thời gian tới. Nhiều khả năng công việc nặng nề này sẽ phải được hoàn thành bởi các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư.


	Tàng hình cơ F-35B đã thử nghiệm thành công cất cánh thẳng đứng.

Tàng hình cơ F-35B đã thử nghiệm thành công cất cánh thẳng đứng.

Trong bài viết của mình, Loren cũng đã đưa ra hai thông tin, một tin tốt và một tin xấu. Tin tốt là Syria sẽ không thể có được S-300 của Nga vào cuối năm nay. Tin xấu là các công nghệ phòng thủ tiên tiến chẳng bao lâu nữa sẽ xuất hiện ở những nước bạn bè với Syria bởi nguồn cung từ Nga hoặc Trung Quốc sẽ có thể sao chép nó và gửi đến các nước như Bắc Triều Tiên.

Quân đội Mỹ, đặc biệt là Hải quân, đã có nhiều nỗ lực đáng kể để làm cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư có khả năng đối phó với các hệ thống phòng không hiện đại. Ví dụ, máy bay chiến đấu trên hạm F/A-18 Super Hornet được trang bị một số công nghệ tàng hình, trong đó kết hợp với hệ thống tác chiến điện tử hiện đai có thể đối phó với các mối đe dọa hiện nay. Nhưng, thật không may, không có cách nào để biến những máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư thành máy bay thế hệ thứ năm về khả năng tàng hình.

Một số chuyên gia quân sự cho rằng Hoa Kỳ nên mua thêm các máy bay chiến đấu F-22 đã ngừng sản xuất theo quyết định của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates trong năm 2009. Tuy nhiên, khả năng cần phải xem xét lại bởi sẽ quá lãng phí nếu chỉ mua vài trăm máy bay. Vì vậy, hiện tại chỉ có hai lựa chọn – một là chỉ mua F-35 và hai là trang bị hỗn hợp các máy bay chiến đấu gồm cả máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư và thứ năm.

Trong ngắn hạn, các máy bay thế hệ cũ sẽ có giá cả phải chăng hơn, nhưng chúng lại thiếu một số tính năng chính của F-35.  Vấn đề là ở những nơi như Syria, chúng có thể bị tổn thất nặng nề. Chi phí của F-35 sẽ không tăng cho đến khi việc sản xuất được đẩy mạnh, và thậm chí là có thể giảm đi. Theo Loren, nếu đặt yếu tố hiệu quả chiến đấu lên hàng đầu, thì đó là lý do tại sao ba lực lượng quân đội Mỹ (Không quân, Hải quân, Thủy quân Lục chiến) và hàng chục đối tác nước ngoài  khác đã xác định F-35 là máy bay chiến đấu tương lai.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại