Tạp chí quốc phòng Jane’s Defense Weekly từng đưa tin tháng Sáu năm nay, Không quân Trung Quốc đã nhận bàn giao 15 máy bay ném bom chiến lược H-6K. Những chiếc máy bay này đã hoàn tất các chuyến bay thử nghiệm và thông qua từ tháng 5/2011. Trong vòng 2 năm, đã có tổng cộng 15 chiếc được hoàn thiện. Với một chiếc máy bay ném bom phức tạp như vậy, tốc độ sản xuất ở mức này là bình thường, mặc dù trong tương lai, Trung Quốc có thể tăng tốc độ sản xuất.
Một số nguồn tin cho biết Trung Quốc đã lắp đặt động cơ D-30KP do Nga sản xuất cho một số loại máy bay. Cụ thể, trong năm 2009 và 2011, Trung Quốc và Nga đã ký hợp đồng mua bán 239 đơn vị động cơ này. Một số được sử dụng để thay thế động cơ trên máy bay vận tải IL-76 và trang bị trên máy bay vận tải hạng nặng Y-20 mà Trung Quốc tự sản xuất. Tuy nhiên, loại máy bay chủ lực được trang bị động cơ này là H-6K.
H-6K là máy bay ném bom đầu tiên của Trung Quốc có thể mang theo tên lửa hành trình tầm trung CJ-10K. Một số nhà phân tích cho rằng nó có thể tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương, đầu tiên là Guam và sau đó là Hawaii.
Theo một bài viết đăng tải ngày 19/8 trên website của “Đài tiếng nói nước Nga”, H-6K vượt trội hơn hẳn H-6 (phiên bản nhái Tu-160 của Nga do Trung Quốc phát triển).
H-6K không chỉ được nâng cấp về động cơ. Biến thể cải tiến H-6K có một số điểm khác so với biến thể trước đó gồm: còn sử dụng vật liệu composite ở phần mũi máy bay, đầu máy bay có mái che radar lớn (trước đây là mũi bọc kính), trang bị thêm tổ hợp ngắm quang học ở phía dưới đầu máy bay; cửa hút gió tăng lực động cơ được thiết kế mới, hẹp hơn và ngắn hơn; cánh được thiết kế lại, tăng sải cánh, tăng giá treo; khoang động cơ lớn hơn; bỏ tháp pháo đuôi máy bay và thay vào đó có thể là hệ thống điện tử. Dưới giá treo của H-6K mang theo 6 tên lửa hành trình có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường.
Chuyên gia phân tích chiến lược và kỹ thuật Vasily Kashin của Nga cho rằng một khi Mỹ vì Đài Loan mà xảy ra xung đột địa chính trị với Trung Quốc, các sân bay Đài Loan nằm trong phạm vi tầm ngắm của tên lửa tầm ngắn Trung Quốc có thể dễ dàng bị tấn công. Lực lượng Mỹ sẽ phải dựa vào các sân bay khác tương đối ít về số lượng và nằm cách xa nhau trong quần đảo Thái Bình Dương.
Nếu tầm tấn công của H-6K thực sự xa đến mức như đã nói, các sân bay trên đảo sẽ khó chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình. Lúc này, Mỹ chỉ có thể dựa vào lực lượng không quân trên tàu sân bay. Việc sử dụng các tàu sân bay sẽ có những hạn chế do Trung Quốc có hệ thống tên lửa hành trình ven biển mạnh mẽ và tàu ngầm diesel-điện hiện đại.
Theo các chuyên gia, đến cuối năm 2020, Trung Quốc sẽ tích lũy một số lượng đáng kể các máy bay ném bom H-6K, điều này có thể làm thay đổi cán cân sức mạnh quân sự ở châu Á theo hướng có lợi cho Trung Quốc.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!