Đế chế Ốttôman nuốt biển và bài học cho Trung Quốc

Thổ Nhĩ Kỳ có đường bờ biển với Địa Trung Hải dài cũng xấp xỉ như của Trung Quốc với Biển Đông. Vào thế kỷ XVI, Thổ Nhĩ Kỳ của thời Đế chế Ốttôman hùng mạnh tuyên bố chủ quyền toàn bộ Địa Trung Hải cho đến eo biển Gibraltar. Theo đó, các nước quanh Địa Trung Hải như Croatia, Italia, Pháp, Tây Ban Nha, Maroc, Angieri, Tuynidi… muốn “bước chân xuống biển” thì phải được phép của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuyên bố của Trung Quốc theo kiểu Thổ

Ngày nay, trong thế kỷ XXI Trung Quốc trỗi dậy, họ tuyên bố chủ quyền gần trọn Biển Đông đến sát eo biển Malacca như bản đồ “đường lưỡi bò” họ đã công bố. Tại sao Trung Quốc lại ngang ngược bất chấp đến vậy?

Thứ nhất vì địa chiến lược Biển Đông.

Về địa kinh tế, Biển Đông chứa một nguồn năng lượng, tài nguyên khổng lồ chưa khai thác đảm bảo cho tương lai phát triển lâu dài của nền kinh tế Trung Quốc

Về địa quân sự, chiếm được Biển Đông, Trung Quốc khống chế toàn bộ tuyến đường hàng hải từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương trong đó có eo biển Malacca. Toàn bộ lực lượng Hải quân của Philipines, Việt Nam, Malaisia, Indonesia… trở thành lực lượng “thủy quân”, ra biển là phải được phép của Trung Quốc.

Biển Đông là nơi dể cho tàu ngầm Trung Quốc hoạt động mà không bị Mỹ, Nhật Bản theo dõi chặt chẽ, đẩy hoạt động của Hải quân Mỹ ra xa khu vực.

Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ
Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ

Về địa chính trị, đây là một đòn giáng chí mạng vào Mỹ (nếu như có cả Biển Đông), đẩy Mỹ ra khỏi khu vực ĐNA, vai trò của Mỹ được thay thế bằng Trung Quốc, các quốc gia trong khu vực sẽ đi theo quỹ đạo của Trung Quốc, chiến lược châu Á-TBD của Mỹ sẽ thất bại và ý tưởng “chia nửa Thái Bình Dương" với Mỹ sẽ thành hiện thực.

Khi đó Đài Loan như quả đã chín mùi tự rụng vào bị Đại lục, còn Nhật Bản sẽ như thế nào khi các tuyến đường hàng hải trên Biển Đông bị Trung Quốc phong tỏa, khống chế? Nga sẽ như thế nào nếu như các hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam bị Trung Quốc coi như bất hợp pháp vì trong chủ quyền của họ? và Mỹ, liệu có nhường một khu vực có địa chiến lược cực kỳ quan trọng như vậy cho Trung Quốc?

Thứ hai là Trung Quốc có tư tưởng cậy mạnh.

Khi yếu thì dù ham muốn mấy, Trung Quốc phải “giấu mình chờ thời” thôi, nhưng khi mạnh lên thì Trung Quốc bất chấp dù Biển Đông là của hơn 300 triệu cư dân của nhiều quốc gia nhỏ quanh đó làm ăn sinh sống lâu đời, dù Trung Quốc đã ký vào UNCLOS…vẫn đòi chiếm trọn.

Cậy mạnh là bản chất của bá quyền, bành trướng. Biểu hiện của cậy mạnh là hung hăng, ngang ngược bất chấp, hay đe dọa sử dụng vũ lực.

Từ năm 2010 trở lại đây, khi Trung Quốc cho rằng mình đã mạnh thì họ đã đang gây hấn với hầu hết các quốc gia trên Biển Đông với tuyên bố biến Biển Đông thành “ao nhà” hết sức ngang ngược, thách thức tất cả theo kiểu hoặc nó là của Trung Quốc hoặc là phải đánh nhau với Trung Quốc.

Trên biển Hoa Đông, Trung Quốc đang đe dọa Nhật Bản, đẩy tranh chấp Quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư lên cao, có lúc thế giới phải thót tim.

Những điều Trung Quốc chưa lường hết

Không gian địa chính trị khu vực châu Á-TBD thay đổi nhanh chóng gây bất lợi cho Trung Quốc.

Điều khiến các quốc gia khu vực cảnh giác, lo ngại là sự trỗi dậy của Trung Quốc kéo theo hàng năm chi phí cho quốc phòng tăng nhịp độ 2 con số.

Sự tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc vượt ra ngoài phạm vi phòng thủ cùng với những hành động, tuyên bố chủ quyền hung hăng, bất chấp khiến cho các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc buộc cũng phải tăng chi phí quân sự để bảo vệ chủ quyền của mình.

Việc tăng cường lực lượng dồn dập của Philipines, việc chuẩn bị lực lượng có trọng tâm, trọng điểm của Việt Nam, Indonesia…để sẵn sàng bảo vệ chủ quyền, đặc biệt là Nhật Bản, Trung Quốc đã tạo ra một kẻ thù hùng mạnh mà không thể khống chế, đánh bại được nó…khiến cho Trung Quốc phải lo lắng, suy nghĩ cẩn trọng.

Năm 2012, Mỹ đã đánh giá lại địa chính trị thế giới bằng “chiến lược châu Á-TBD”. Và, trong bối cảnh đó, khu vực châu Á-TBD, trừ Trung Quốc, phản đối chiến lược của Mỹ, khi bỗng dưng dồn 60% lực lượng Hải quân vào khu vực đang nóng lên vì tranh chấp này.

Một cuộc chiến địa chính trị tại châu Á-TBD đã diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc và không khó để nhận thấy “ván cờ” địa chính trị này Trung Quốc đã bị Mỹ “chiếu rút”. Mỹ rút chiếu, Trung Quốc mất Myanmar, Mỹ rút chiếu, Philipines trước “cửa nhà” Trung Quốc đầy quân và tàu chiến Mỹ và chưa biết chừng, Mỹ rút chiếu thì Bắc Triều Tiên không còn là vùng đệm của Trung Quốc nữa…

Ngay một tướng võ biền của Mỹ cũng nhận ra rằng “Trung Quốc đã đẩy bạn bè, láng giềng của mình vể phía Mỹ” thì tại sao những nhà chính trị đầy mưu lược Trung Quốc không nhận ra? Tại sao Trung Quốc không nhận ra rằng với địa chiến lược Biển Đông như trên thì “đa phương hóa Biển Đông” là điều tất yếu sẽ xảy ra, ít nhất Nhật Bản và Mỹ sẽ không ngồi nhìn Trung Quốc muốn làm gì thì làm.

Thời nào cũng tồn tại “cá lớn nuốt cá bé”, cậy mạnh, nhưng Trung Quốc đã mạnh chưa mà đã cậy vào mạnh hòng chia nửa TBD?

Trong 5 nước là Ủy viên thường trực HĐBA thì có nước nào đang phải đi mua vũ khí như Trung Quốc? Không có, họ chỉ bán. Nhật Bản tuy không là Ủy viên HĐBA nhưng cũng không thèm mua vũ khí của ai (họ chỉ hợp tác sản xuất với Mỹ) và nếu cho họ xuất khẩu vũ khí thì chỉ có Nga, Mỹ may ra mới cạnh tranh nổi.

Trung Quốc cậy giàu có, tự hào là một trung tâm kinh tế, có GDP thứ 2 thế giới vượt Nhật Bản ư?

Ông Hứu Nhất Lực, bình luận viên hàng đầu của kênh chứng khoán, CCTV có một đánh giá thú vị: Nền kinh tế thế giới chưa thoát khỏi sự ràng buộc vào đồng USD thì Trung Quốc vẫn tiếp tục ở vị thế… người làm thuê của Mỹ.

Trung Quốc dùng vàng bạc thật để tạo ra sản phẩm, mang đi xuất khẩu và đổi lại những “tờ giấy lộn” (USD) được in ấn tinh xảo của Mỹ… Vậy, một người làm thuê nhiều tiền (USD) liệu có truất quyền ông chủ được không?

Đến lúc này có lẽ Trung Quốc đã kiểm chứng được rất nhiều vấn đề và đã bớt “cao giọng”.

Cục diện địa chính trị châu Á-TBD

Xu hướng xung đột.

Nhìn tổng thể đó là sự đối đầu giữa Trung Quốc với Mỹ và đồng minh ở châu Á-TBD, trong đó 3 điểm nóng dễ dẫn đến xung đột, tranh chấp là giữa Trung Quốc với Nhật Bản, Philipines và Việt Nam.

Bất cứ một cuộc xung đột quy mô nào, Trung Quốc, một quốc gia đang trỗi dậy, đang đấu tranh thoát khỏi sự bao vây, kiềm chế của Mỹ đều khiến Trung Quốc bị tổn thương, yếu hơn trước Mỹ và các đối thủ khác. Bất kỳ kết quả diễn tiến ra sao thì Mỹ vẫn thắng và Mỹ thì luôn được lợi.

Xu hướng hợp tác hòa bình.

Tuy có nhiều nhân tố xung đột nhưng các nhân tố hợp tác phát triển đan xen nhau. Nếu sự tranh chấp của Trung Quốc với các nước được giải quyết hòa bình trên cơ sở UNCLOS thì khu vực châu Á-TBD - trọng tâm địa chính trị toàn cầu, sẽ hòa bình, ổn định, phồn vinh và ngược lại sẽ khiến cho thế giới chiến tranh, rối ren, nghèo đói…Đương nhiên hòa bình, trong bất kỳ tình huống nào cũng là ý tưởng hay và tốt đẹp.

Trở lại với tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ đòi chủ quyền toàn bộ Địa Trung Hải trong thế kỷ XVI. Không cam chịu phải xin phép Hải quân Thổ khi “đặt chân xuống biển”, các nước quanh Địa Trung Hải liên minh với nhau, giáng cho Hạm đội của Thổ ngạo mạn một thất bại đau đớn tại Lepante vào năm 1570.

Lịch sử không lặp lại, nhưng chân lý “Biển Trời không phải của riêng ai” thì không bao giờ thay đổi.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại