Mua HQ-9 Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ tự đánh sập hệ thống phòng không của mình?

Gói thầu mua sắm các hệ thống tên lửa phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ đã gây ra những tranh cãi kịch liệt trong nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ và nội khối NATO. Nguyên nhân chính chỉ vì HQ-9 của Trung Quốc đang chiếm ưu thế một cách đáng ngờ.

HQ-9 chiếm ưu thế một cách đáng ngờ

Trang mạng Tổng hợp Công nghiệp quốc phòng Nga cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ rất mong muốn mua được hệ thống phòng không HQ-9 của Trung Quốc, nhằm nâng cao năng lực phòng không của nước mình. Tuy nhiên, thương vụ này đang đe dọa phá vỡ mối quan hệ bền vững giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước thành viên NATO, vì họ không muốn cho hệ thống phòng không Trung Quốc tích hợp vào hệ thống phòng không theo tiêu chuẩn của khối này.

Bài viết còn cho biết, mục đích gọi thầu của Thổ Nhĩ Kỳ là để nâng cao khả năng phòng không cho đất nước, trước mối đe dọa từ các phương tiện tấn công từ trên không, nhưng ngoài yếu tố không tương thích trên, việc mua sắm HQ-9 có thể mang lại những hệ lụy khôn lường cho khả năng phòng không Thổ Nhĩ Kỳ, vì HQ-9 không hề được kiểm nghiệm tính năng thực tế.

Trang mạng Defence News của Mỹ từng viện dẫn tuyên bố của 1 quan chức quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ là Chính phủ nước này đã đưa ra kết luận cuối cùng: Kiến nghị hơp tác của Trung Quốc đưa ra xét về góc độ kỹ thuật là có thể chấp nhận được, không chỉ giúp Thổ Nhĩ Kỳ nắm được các công nghệ tương ứng mà còn có giá rẻ hơn rất nhiều, so với phương án đề xuất của các nước khác.

Vị quan chức này cũng cho biết, hiện nay các quyết định có liên quan đến hợp đồng mua bán này và hiệp định hợp tác với Trung Quốc vẫn đang chờ Bộ trưởng quốc phòng Ismet Yilmaz và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phê duyệt chính thức.

Mua HQ-9 Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ tự đánh sập hệ thống phòng không của mình?
Hệ thống phòng không HQ-9 của Trung Quốc

Tham gia đấu thầu bao gồm 4 công ty với các sản phẩm sau: Hệ thống tên lửa phòng không Aster-30 SAMP/T của Công ty tên lửa phòng không châu Âu (EUROSAM); hệ thống tên lửa phòng không “Patriot” do công ty Lockheed Martin và công ty Raytheon Mỹ hợp tác phát triển; hệ thống tên lửa phòng không S-300 của công ty xuất khẩu sản phẩm quốc phòng Nga Rosoboronexport và cuối cùng là hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 (Hồng Kỳ-9) của Công ty xuất nhập khẩu cơ giới chính xác Trung Quốc (CPMIEC).

Một số chuyên gia kỹ thuật quân sự cho biết, không hiểu HQ-9 của Trung Quốc sử dụng những công nghệ nào, khả năng đánh chặn ra sao mà họ có thể bỏ thầu với mức giá quá thấp, dưới 3 tỷ USD như vậy? Với mức giá như vậy, Các công ty của của Mỹ và châu Âu sẽ lỗ to chứ không thể hoàn vốn, đừng nói là có lãi, nếu muốn thắng thầu thì phải chấp nhận lỗ.

Nguyên nhân chính xuất phát từ vấn đề chính trị?

Lý do chủ yếu mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra là mua sản phẩm của Trung Quốc sẽ góp phần nâng cao trình độ nền công nghệ quốc phòng nước mình. Trong khi các đối tác phương Tây không muốn chia sẻ công nghệ, không đáp ứng yêu cầu cấp giấy phép sản xuất trong nước cho Thổ Nhĩ Kỳ thì Trung Quốc sẵn sàng làm điều đó. Thế nhưng trên thực tế không phải như vậy, tất cả các công ty trên đều hứa sẽ dành cho Thổ Nhĩ Kỳ những ưu đãi đặc biệt theo ý của Ankara.

Mua HQ-9 Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ tự đánh sập hệ thống phòng không của mình?
Hệ thống phòng không S-300 của Nga

Công ty Raytheon của Mỹ tuyên bố sẽ dành một phần lớn phân ngạch sản xuất Patriot-3 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Lãnh đạo dự án này của Raytheon là ông Robert cho biết: “Nếu như Thổ Nhĩ Kỳ lựa chọn Patriot-3, khoảng 2 tỷ USD giá trị hợp đồng, tương đương với gần 80% số tên lửa sẽ được chuyển giao cho phía Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất”.

Còn EUROSAM quay lại Thổ Nhĩ Kỳ lần này với tiêu chí nhấn mạnh về hợp tác phát triển kỹ thuật chứ không phải là hợp tác sản xuất. Người phát ngôn của công ty này cho biết: “Hiện nay, mục đích chủ yếu của chúng tôi là tìm thấy ở Thổ Nhĩ Kỳ một đối tác để hợp tác làm ăn chân chính, có thể là một công ty cỡ lớn hoặc ít nhất là từ tầm trung trở lên”.

Người phát ngôn của EUROSAM còn có một phát ngôn đầy ẩn ý: “Công ty tên lửa phòng không châu Âu (EUROSAM) là một liên doanh cực mạnh, bao gồm 2 công ty hàng đầu châu Âu là Thales của Pháp và MBDA của Italia. Về sau, liên doanh này có thể sẽ bao gồm thêm 1 công ty của Thổ Nhĩ Kỳ”.

Còn Nga sẵn sàng tham gia gói thầu này bằng một sản phẩm liên doanh giữa họ với Thổ Nhĩ Kỳ dựa trên hệ thống phòng không Antey-2500 (phiên bản xuất khẩu của hệ thống phòng không S-300). Công ty xuất khẩu quốc phòng Nga Rosoboronexport cũng đã đề xuất khả năng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cùng hợp tác để phát triển và đưa hệ thống phòng không liên doanh của họ xuất khẩu ra thị trường các nước thứ 3 trên thế giới.

Mua HQ-9 Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ tự đánh sập hệ thống phòng không của mình?
Hệ thống phòng không Patriot-3 của Mỹ

Như vậy không hề có chuyện là các công ty Nga, Mỹ và châu Âu không đáp ứng các đòi hỏi của Thổ Nhĩ Kỳ. Defence News cho biết, xét đến vấn đề gần đây người Thổ đã đạt được địa vị “đối tác đối thoại” của Tổ chức hợp tác an ninh Thượng Hải (SCO), thì lí do ký kết một hợp đồng giao dịch vũ khí lớn với Trung Quốc sẽ làm tăng vị thế địa - chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Tổ chức này là hợp lý nhất.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tự tay đánh sập hệ thống phòng không nước mình?

Rất nhiều chuyên gia quân sự phương Tây đã đưa ra lời khuyên với Thổ Nhĩ Kỳ là hệ thống phòng không HQ-9 và S-300 của Trung Quốc và Nga không tương thích với hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa theo chuẩn Mỹ và NATO. NATO sẽ phải điều chỉnh lại một số tham số bảo mật kết nối mạng chia sẻ thông tin của các hệ thống Patriot hiện có của Thổ Nhĩ Kỳ.

Hơn nữa, họ cũng phải cung cấp các tham số cho Nga hoặc Trung Quốc để cho phép S-300 và HQ-9 tham gia vào hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa Thổ Nhĩ Kỳ, dẫn đến NATO không thể bảo mật các thông tin của mình, đe dọa trực tiếp đến khả năng che chắn của lá chắn phòng thủ tên lửa Mỹ và NATO triển khai ở châu Âu. Đó là chưa tính đến những hệ lụy xấu đến vấn đề ngoại giao nội khối NATO.

Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, để tích hợp 1 hệ thống phòng không Trung Quốc hoặc liên doanh Trung Quốc - Thổ Nhĩ Kỳ vào hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa của NATO là vấn đề không hề đơn giản. Nếu Ankara cứ nhất định mua HQ-9 của Trung Quốc họ sẽ tự làm suy yếu tổng thể hệ thống phòng không nước mình.

Mua HQ-9 Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ tự đánh sập hệ thống phòng không của mình?
Hệ thống phòng không Aster-30 SAMP/T của công ty tên lửa phòng không châu Âu (EUROSAM)

Kết luận này còn xuất phát từ 1 nguyên nhân quan trọng khác là chúng không thể sử dụng chung các hệ thống radar dự cảnh do NATO chế tạo, sử dụng phổ biến trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Kể cả trường hợp người Thổ tự chế tạo hoặc mua hệ thống radar dự cảnh từ Trung Quốc thì cũng cần nhiều thời gian. Hơn nữa, với 1 hệ thống phòng không “lộ cộ” sẽ không phát huy được hết năng lực phòng không tổng thể.

Một quan chức quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tại Istanbul cho biết, kế hoạch thiết kế một hệ thống phòng thủ tên lửa (bao gồm cả giám sát không gian) mà Thổ Nhĩ Kỳ đang theo đuổi là vô cùng lớn và không có tính khả thi. Hơn nữa, hệ thống phòng không HQ-9 của Trung Quốc là phiên bản “nhái” của hệ thống phòng không S-300 của Nga, tính năng chưa hề được kiểm chứng thực tiễn.

Ông bày tỏ thái độ nghi ngại về khả năng phòng không và đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm xa của HQ-9 và khẳng định, vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ định dựa vào Trung Quốc để nâng cao năng lực phòng không và khả năng sản xuất quốc phòng là rủi ro vô cùng lớn, thậm chí nó có thể dẫn đến hệ quả là Thổ Nhĩ Kỳ tự làm suy yếu hệ thống phòng không nước mình.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại