Tại Triển lãm Quốc phòng Hàng hải Quốc tế được tổ chức tại Singapore hồi cuối tháng 5 vừa qua, một quan chức cấp cao của Hải quân Malaysia đã tiết lộ một thông tin khiến nhiều người bất ngờ: Malaysia sẽ mua thêm ít nhất 6 chiếc trực thăng săn ngầm nữa để bổ sung vào đội ngũ 6 chiếc "Super Lynx" hiện có. Điều đáng nói hơn là chính phủ Malaysia đã bật đèn xanh cho kế hoạch này bằng việc thông qua chương trình mua sắm quân sự 2011-2015 nằm trong Kế hoạch 5 năm thứ mười.
Các quan chức Malaysia cho biết, Hải quân nước này đặt mục tiêu ưu tiên là tìm kiếm những mẫu trực thăng do thám hàng hải cỡ trung nhưng có khả năng mạnh mẽ và vì thế họ đã quyết định bỏ qua mọi cuộc đấu thầu các loại máy bay trực thăng thông thường. Nhưng một số nguồn tin cho biết, nước này rất quan tâm đến các mẫu trực thăng MH-60R "Seahawk" (Ó biển) hay AW159 "Wildcat" (Mèo hoang) của các hãng Lockheed - Martin và Sikorsky và Agusta – Westland.
Có cùng ý định như Malaysia, một quan chức Hàn Quốc tiết lộ trên tạp chí Aviation Week rằng, lực lượng hải quân Hàn Quốc cũng đang xem xét tăng cường mẫu trực thăng chống tàu ngầm "Super Lynx" hay MH-60R "Seahawk". Hãng chuyên sản xuất máy bay trực thăng Agusta - Westland cũng đang tham gia dự thầu ở Hàn Quốc và bên cạnh mẫu “Mèo hoang” AW159 hãng này còn giới thiệu cho các quan chức quân sự “xứ kim chi” mẫu trực thăng săn ngầm AW101 "Merlin" với sức mạnh vượt trội hơn và được trang bị 3 động cơ.
Dù rất thèm khát nhưng Malaysia không thể lựa chọn AW101 bởi nó đòi hỏi phải được cất cánh và hạ cánh trên các tàu lớn, không phù hợp với năng lực của hải quân Malaysia và nước này đã buộc phải từ bỏ trong ngậm ngùi.
Một CEO giấu tên “có liên quan” cho biết thêm, Hàn Quốc dự kiến sẽ quyết định trong vòng 2 tháng tới để mua máy bay trực thăng từ nước ngoài, hoặc sản xuất máy bay trực thăng chống ngầm trong nước.
Tập đoàn công nghiệp hàng không vũ trụ Hàn Quốc (Korea Aerospace Industries) cho biết, các công ty của họ đang phát triển mẫu trực thăng "Đại bàng hoàn mỹ" (Perfect Eagle) đa tiện ích dành cho Hải quân cùng với sự hỗ trợ của hãng sản xuất trực thăng Eurocopter. Dự kiến, Perfect Eagle sẽ được đưa vào phục vụ từ năm tới. Tuy nhiên, đối với Korea Aerospace Industries đang gặp phải những thách thức rất lớn để đáp ứng các yêu cầu về tiến độ và chi phí của Hải quân trong khi họ vẫn phải phát triển một máy bay trực thăng có mục đích chung. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng nước này lại bày tỏ ý định muốn mua máy bay trực thăng dò mìn.
Với Indonesia, Bộ Quốc phòng nước này cũng đang tiến hành một chiến dịch “shopping” khá mạnh mẽ. Một quan chức hải quân cho biết, hiện nay hải quân Indonesia có không máy bay trực thăng chống tàu ngầm, nhưng đã sẵn sàng để mua một vài chiếc. Ông cho biết lực lượng hải quân của Indonesia có kế hoạch mua tàu khu trục "Sigma 9113" được trang bị máy bay trực thăng chống tàu ngầm, bảo vệ loại nhẹ.
Cũng trên tờ "Aviation Week", một quan chức hải quân Thái nói, nước này có kế hoạch sản xuất máy bay trực thăng chống tàu ngầm S-70-7. Trong những năm 1990, Thái Lan đã mua 6 máy bay trực thăng, nhưng để tiết kiệm tiền, họ đã không bao giờ mua hệ thống sonar chống tàu ngầm cho các máy bay này.
Giám đốc sản xuất Mark – Jarvis của hãng Lockheed - Martin – hãng chuyên sản xuất mẫu máy bay chống ngầm P-3 "Orion", cho biết, kể từ cuối năm ngoái, đã có khá nhiều thư đề nghị cung cấp thông tin của mẫu máy bay P-3 được gửi đến cho họ.
Ông Jarvis cho biết thêm, mẫu P-3 "Orion" mà Singapore đặt hàng mua có tính năng tương tự như những chiếc P-3C “hàng second-hand” Đài Loan mua lại của Hải quân Mỹ hồi năm 2012.
Theo phân tích của các chuyên gia quân sự quốc tế, động cơ mua sắm vũ khí chống tàu ngầm của các nước châu Á khá đa dạng nhưng họ lại đang gặp nhau ở một nguyên nhân rất chung: Lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc bắt đầu phát triển, và Trung Quốc đã trở nên mạnh mẽ và hiếu chiến hơn trên các vùng biển nên các nước châu Á cho rằng tăng cường khả năng tác chiến chống tàu ngầm của họ là một nhiệm vụ rất cấp bách.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!