Trước vòng vây săn ngầm: Trung Quốc tuyên bố không chờ chết

Trung Quốc đang bị bao vây bởi hệ thống “sát thủ” tuần tra săn ngầm các nước. Trước tình trạng tàu ngầm Trung Quốc liên tiếp bị phát hiện, các chuyên gia quân sự của nước này đang “hiến kế” để đối phó.

Ngày 13/5, Bộ quốc phòng Nhật Bản tuyên bố phát hiện “tàu ngầm không rõ gốc tích” ở khu vực ở vùng tiếp giáp phía Nam đảo Kume thuộc tỉnh Okinawa. Chỉ sau đó mấy ngày, ngày 19/5, Bộ quốc phòng Nhật Bản lại đưa tin, lại phát hiện ra tàu ngầm “không rõ quốc tịch” ở vùng tiếp giáp phía Nam đảo Minami Daito, tỉnh Okinawa.

Cũng như tuyên bố đưa ngày 13/5, mặc dù Bộ quốc phòng Nhật Bản không nêu trực tiếp quốc tịch của tàu ngầm, nhưng báo chí nước này đã trích lời quan chức chính phủ cho biết, tàu ngầm này bị “nghi ngờ là tàu ngầm Trung Quốc”.

Trước vòng vây săn ngầm: Trung Quốc tuyên bố không chờ chết
Sát thủ săn ngầm P-1 của Nhật được đánh giá có khả năng phát hiện tất cả các tàu ngầm Trung Quốc.

Một điều đáng chú ý là, Bộ quốc phòng Nhật Bản cho biết, hai tàu ngầm này đều đang ở trạng thái hoạt động ngầm dưới nước, bị sát thủ săn tàu ngầm P-3C của Lực lượng tự vệ trên biển nước này phát hiện. Qua đó có thể thấy, khả năng săn ngầm của P-3C quả là danh bất hư truyền.

Thực ra, hiện tại P-3C không còn là “sát thủ vô song” nữa. Máy bay tuần tra săn ngầm thế hệ mới của Mỹ còn lợi hại hơn nhiều. Có nguồn tin cho thấy, tổng số máy bay săn ngầm P-8A của hải quân Mỹ lên tới 117 chiếc. Và Bộ quốc phòng Nhật Bản dự định sẽ mua 70 chiếc để thay thế 80 chiếc P-3C đang phục vụ trong quân sự nhưng đã cũ.

Trước tình hình các sát thủ săn tàu ngầm cũ mới tạo thành vòng vây dày đặc trên biển, tàu ngầm Trung Quốc sẽ đột phá bằng cách nào? Dưới đây là những độc chiêu mà các chuyên gia hải quân Trung Quốc như Trần Hổ, Lý Kiệt hiến kế.

Giao chiến dưới đáy biển

Ông Lý Kiệt cho biết: “Tác chiến chống tàu ngầm có một đặc điểm tương tự như tác chiến trong thành phố là địa hình chiến trường hết sức phức tạp, nhiều biến số”. Ông Lý Kiệt nói, radar dưới nước là các phao sonar đều phải dựa vào âm thanh để thăm dò các vật lạ dưới mặt biển; Phát ra sóng âm, dựa vào âm thanh dội về để định vị thì gọi là sonar chủ động; Nếu không phát ra âm thanh, dựa vào âm thanh để thăm dò đối phương được gọi là sonar bị động.

Ngoài ra, môi trường truyền thủy âm cũng có sự khác biệt rất lớn. Ví dụ, độ sâu càng tăng thì nhiệt độ nước biển, nồng độ muối trong nước biển cũng khác nhau, sẽ xuất hiện tầng thanh diệu, khi sóng âm đi qua tầng này, sẽ xảy ra hiện tượng khúc xạ. Điều này rất dễ khiến bên săn tàu ngầm bị chệch hướng, phán đoán sai vị trí của tàu ngầm đối phương”.

Trước vòng vây săn ngầm: Trung Quốc tuyên bố không chờ chết
Tàu ngầm Type 039G, lớp Tống của hải quân Trung Quốc tại quân cảng.

Đồng thời, ở các hải vực khác nhau, độ sâu của đáy biển, địa hình dưới đáy biển cũng muôn hình vạn trạng, thậm chí cá voi và cá sống theo đàn đều có thể trở thành bình phong để tàu ngầm tránh khỏi sự “truy sát”. Kể cả lực lượng hải quân mạnh như Mỹ cũng không dám vỗ ngực tuyên bố nhất định phát hiện và đánh chìm tàu ngầm của địch trong vùng chiến.

Tất cả những yếu tố này đều là điều kiện có lợi để tàu ngầm Trung Quốc có thể lợi dụng. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi Trung Quốc phải quan trắc, thăm dò các điều kiện thủy văn như hải lưu, nhiệt độ, nồng độ muối, tầng thanh diệu… ở các vùng biển xung quanh, đo đạc địa hình dưới đáy biển.

Không phải dễ dàng để hoàn thành những công việc này, đòi hỏi mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc, thăm dò dần dần ở các vùng biển. Sau khi nắm bắt được các dữ liệu này, lực lượng tàu ngầm Trung Quốc có thể lấy đó làm căn cứ để huấn luyện, nắm bắt mọi kỹ xảo.

Sau khi đã tinh thông chiến thuật, lực lượng chỉ huy tàu chiến có thể dùng trí tuệ của mình để chơi trò “mèo bắt chuột” dưới đáy biển với máy bay săn ngầm các nước.

'Không ngồi đợi chết'

Trần Hổ phân tích, mặc dù máy bay tuần tra săn ngầm cánh cố định có phạm vi thăm dò rộng, nhưng tồn tại một khuyết điểm là chỉ tạo thành mối de dọa lớn đối với tàu ngầm thường quy, nhưng với tàu ngầm hạt nhân thì gần như “bất lực. Đây là điểm then chốt để đối phó với sát thủ săn tàu ngầm.

Nguyên nhân nằm ở phương pháp thăm dò của máy bay săn tàu ngầm vẫn phải dựa vào radar, tìm kiếm các mục tiêu “lộ đầu” trên mặt biển. Phao sonar dùng để thăm dò tàu ngầm dưới mặt nước quá nhỏ, khả năng thăm dò thủy âm của loại phao này không thể sánh với sonar bố trí trên tàu khu trục, tàu hộ tống và các trận địa phao sonar cỡ lớn bố trí dưới đáy biển. Trần Hổ cho biết, trong khi nếu bay ở độ cao thấp, hệ thống phát hiện từ tính lạ ở phần đuôi máy bay săn ngầm chỉ có thể phát hiện ra mục tiêu kim loại trong phạm vi mấy trăm mét. Dựa vào “sát thủ” này để phát hiện ra tàu ngầm đang hoạt động dưới mặt biển thì xác suất sẽ còn thấp hơn nhiều so với trúng giải độc đắc xổ số.

Trước vòng vây săn ngầm: Trung Quốc tuyên bố không chờ chết
Máy bay săn ngầm P-8 cực kỳ tối tân của Mỹ.

Tàu ngầm hạt nhân có một khả năng siêu thường là từ khi xuất cảng đến khi quay về, có thể lặn trong nước vài tháng liền. Đối với loại tàu ngầm này, máy bay săn ngầm cũng bó tay chịu thua.

“Nếu nói tàu ngầm hạt nhân là cá mập thì tàu ngầm thường quy chỉ là cá heo, liên tục phải trồi lên mặt biển để nạp khí. Thông thường nếu hoạt động với tốc độ tĩnh âm 2,3 ngày sẽ phải thò ống thông hơi lên, nạp điện cho pin. Nếu không cả tàu và thuyền viên sẽ chết ngạt” – Trần Hổ nói.

Tuy nhiên, trước máy bay săn ngầm của Nhật Bản và các nước đối thủ, Trung Quốc cũng không thể ngồi đợi chết. Gần 20 năm qua, thế giới nổi lên phong sử dụng công nghệ AIP (động cơ đẩy sử dụng không khí độc lập) với nguyên tắc giúp động cơ tàu ngầm hoạt động dưới nước mà không cần đến ống thông hơi, bao gồm pin nhiên liệu, động cơ Stirling, động cơ tuần hoàn khép kín… có thể kéo dài thời gian lặn dưới nước của tàu ngầm, như tàu ngầm lớp 214 của Đức, tàu ngầm lớp Lada của Nga, tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản, thời gian vận hành liên tục dưới nước có thể lên tới 1 tuần -10 ngày.

Chính vì vậy, Trần Hổ cho rằng để đối phó với máy bay săn ngầm, một mặt cần thúc đẩy sử dụng công nghệ AIP cho tàu ngầm thường quy, nhưng điều quan trọng hơn là phát triển hệ thống tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới.

Đánh sập sân bay, nắm quyền kiểm soát vùng chiến

Trần Hổ phân tích dĩ nhiên xét về căn bản, so với máy bay chiến đấu, máy bay săn ngầm vẫn là nhóm máy bay tốc độ thấp, cộng với việc thể tích lớn, tốc độ khá chậm, rất dễ bị tên lửa hạ gục. Các sát thủ săn ngầm này chỉ có thể thực hiện nhiệm vụ tác chiến trong tình huống nắm được quyền kiểm soát không phận.

Chỉ cần hai bên khai chiến, chiêu độc nhất là “rút củi đáy nồi”, dùng máy bay cảnh báo sớm, máy bay tiếp nhiên liệu để tiếp sức cho máy bay chiến đấu, giành được quyền kiểm soát vùng giao chiến, bắn rơi máy bay săn ngầm đối phương, thậm chí là dùng lực lượng không quân và pháo binh để đánh sập sân bay đối phương, để các “sát thủ” này không còn cơ hội cất cánh.

Ông Trần Hổ cho biết, hiện tại hệ thống chỉ huy thông tin không quân đã bao quát khắp chuỗi đảo đầu tiên (dãy đảo trải dài từ Nhật Bản ở phía Bắc tới Đài Loan và Philippines ở phía Nam), loại máy bay như P-3C rất khó thoát khỏi sự thăm dò của hệ thống này. Chính vì vậy, mặt dù bình thường P-3C hoạt động rất rầm rộ, nhưng khi xảy ra chiến tranh, nếu không nắm được quyền kiểm soát không gian thì e rằng cũng sẽ trở thành “đôi tai của kẻ điếc” – hữu danh vô thực mà thôi.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại