Theo tạp chí The Diplomat, hiện các tập đoàn châu Âu đang tăng cường năng lực quốc phòng cho nhiều nước châu Á, đặc biệt ở các lĩnh vực quan trọng như quân sự không gian, vũ khí chiến lược và hệ thống hải quân... Tháng trước, Anh đã ký một thỏa thuận với Nhật để tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh.
Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết với thỏa thuận này, Anh và Nhật sẽ hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và sản xuất các thiết bị quốc phòng. Các quan chức Anh tiết lộ các dự án của hai nước bao gồm việc phát triển năng lực chống các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học, sinh học, hạt nhân... Giới quan sát nhận định đây là bằng chứng rõ nhất cho thấy vai trò của châu Âu trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng châu Á.
Bán vũ khí qua... hợp tác
Các chuyên gia cho biết có một số thay đổi giúp các công ty vũ khí châu Âu có lợi thế cạnh tranh tại châu Á. Thứ nhất, một số quốc gia châu Á muốn tăng cường khả năng tự sản xuất vũ khí nên đi theo phương thức hợp tác. Thứ hai, các nước châu Á lo ngại Mỹ không cung cấp những loại vũ khí bị coi là nhạy cảm và chiến lược nên muốn đa dạng nguồn cung.
Tại châu Á, máy bay tiếp nhiên liệu hiện đại nhất thế giới Airbus A330 MRTT của Tập đoàn Airbus Military đang trở nên phổ biến. Airbus A330 MRTT có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ quân sự khác nhau, từ tiếp nhiên liệu đến vận chuyển máy bay chiến đấu. Hiện Úc có năm chiếc Airbus A330 MRTT và Ấn Độ cũng đã quyết định mua loại máy bay này.
Một quan chức không lực Úc cho biết: “Máy bay Airbus A330 MRTT có thể chở sáu máy bay chiến đấu từ Úc đến Mỹ một cách dễ dàng. Thời gian bay và dỡ hàng của nó nhanh gấp hai lần máy bay KC-10A Extender của không quân Mỹ”.
Một sản phẩm mới nữa của Airbus Military sắp có mặt tại châu Á là máy bay vận tải quân sự A400M. Malaysia là quốc gia châu Á đầu tiên sẽ mua bốn chiếc A400M để bổ sung cho đội máy bay vận tải C-130 Hercules. Nhà phân tích M. Ghazemy Mahmud của tờ Asian Defense Journal cho biết A400M có khả năng chở các loại thiết bị quân sự quá khổ và có thể đậu ở nhiều loại sân bay khác nhau.
Airbus Military cũng đang thực hiện chương trình nâng cấp máy bay vận tải quân sự C-212 cho Indonesia theo chương trình hợp tác dài hạn với đối tác Indonesia PT DI. Hợp tác song phương là cách Airbus Military cạnh tranh với đối thủ châu Âu khác là Eurocopter vốn đã bán rất nhiều máy bay trực thăng quân sự cho các nước châu Á.
Trang bị vũ khí cho máy bay Mỹ
Tạp chí quốc phòng IHS Jane’s cho biết châu Âu còn tăng cường xuất khẩu vũ khí sang châu Á theo phương thức trang bị hệ thống vũ khí cho máy bay chiến đấu Mỹ xuất khẩu. Mới đây Hàn Quốc đã quyết định mua tên lửa xuyên phá boongke Taurus của Hãng Taurus Systems (Đức - Thụy Điển) để trang bị các máy bay chiến đấu F-15K. Nguyên do là Mỹ không muốn bán loại tên lửa chiến lược JASSM cho Hàn Quốc. Loại tên lửa Taurus mang đầu đạn nặng 480kg, có khả năng xuyên qua 6m bêtông.
Tương tự, các nhà sản xuất châu Âu đã chuẩn bị sẵn một số hệ thống vũ khí cho loại máy bay chiến đấu siêu hiện đại F-35 mà các khách hàng châu Á mua từ Hãng Lockheed Martin của Mỹ. Ví dụ, tên lửa tầm xa NSM của Hãng Kongsberg Defense & Aerospace (Na Uy) đã có mặt trên máy bay F-35. Loại tên lửa này nặng hơn 400kg, có khả năng tàng hình và định vị tối tân.
Tập đoàn châu Âu MBDA Systems cũng kỳ vọng vào dự án phát triển tên lửa tầm xa Meteor trang bị cho máy bay F-35, Eurofighter, Rafale, Gripen và nhiều loại máy bay hiện đại khác. Thỏa thuận giữa Anh và Nhật đã nhắc đến việc trang bị tên lửa Meteor cho đội máy bay chiến đấu của Nhật, bao gồm máy bay F-35.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!