Mỹ triển khai Không quân khắp châu Á để làm gì?

Không quân Mỹ đang bắt đầu một đợt triển khai lực lượng trên rất nhiều khu vực trọng yếu ở châu Á – Thái Bình Dương như: Thái Lan, Ấn Độ, Singapore, Australia… bằng những mẫu tiêm kích chủ lực và hiện đại nhất. Nhìn vào sự bố trí này, ai cũng biết, mục tiêu của Mỹ là nhằm “quây kín” Trung Quốc.

Mỹ triển khai Không quân khắp châu Á để làm gì?
 

Với nhiều người, cái gọi là chiến lược “Trục châu Á” mà Nhà Trắng quảng bá suốt thời gian qua vẫn chỉ là “hữu danh vô thực”, đặc biệt là trong bối cảnh những đốm lửa ở Trung Đông lại đang bùng lên dữ dội. Nhưng với Không quân Mỹ, châu Á – Thái Bình Dương đang là điểm “tụ hội” hứa hẹn sẽ rất náo nhiệt trong thời gian tới. Một loạt các lực lượng Không quân Mỹ vừa nhận được lệnh triển khai đến châu Á với mục tiêu “quây kín” Trung Quốc giống như những gì họ từng làm để bao vây Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh Lạnh.

Mặc dù vậy, các quan chức quân đội Mỹ vẫn một mực phủ nhận những hành động của họ là để kiềm chế Trung Quốc và lý giải rằng họ vẫn đang hợp tác với Trung Quốc cũng như các quốc gia Thái Bình Dương khác để “duy trì sự ổn định ở khu vực”. Những rõ ràng, những gì họ đang làm chưa từng có tiền lệ và khiến Trung Quốc phải lo lắng.

Trong một bữa sáng với các phóng viên ở Washington hôn 29/7, tướng 4 sao Herbert "Hawk" Carlisle – Tư lệnh lực lượng Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương cho biết, Không quân nước này sẽ triển khai một loạt tiêm kích chiến đấu, máy bay tiếp dầu và trong tương lai có thể là cả máy bay ném bom hạng nặng ở Australia. Những chiếc tiêm kích hiện đại sẽ có mặt tại Căn cứ Không quân Hoàng gia ở Darwin (nơi lính thủy quân lục chiến Mỹ đã triển khai khá đông đúc) vào đầu năm tới trước khi chính thức chuyển về căn cứ ở Tindal.

Cũng theo tướng Carlisle, đây mới chỉ là bước khởi đầu cho một cuộc vận động mở rộng sự hiện diện ở châu Á – Thái Bình Dương của Không quân Mỹ. Cùng với việc triển khai ở Australian, Mỹ sẽ gửi máy bay của mình sang căn cứ không quân Đông Changi ở Singapore, căn cứ Korat ở Thái Lan, một căn cứ chưa rõ tên ở Ấn Độ và có thể là các căn cứ Kubi Point và Puerto Princesa ở Philippines cũng như một số sân bay quân sự ở Indonesia và Malaysia.

Tất cả những sự triển khai lực lượng này sẽ giúp cho Không quân Mỹ phát triển một mạng lưới căn cứ trong khu vực, qua đó tăng cường quan hệ với các đồng minh cùng sử dụng khí tài Mỹ. "Một trong những nguyên lý chính trong chiến lược của chúng tôi là mở rộng sự tham gia và khả năng tương tác, hội nhập với đồng minh và đối tác quân sự của mình ", tướng Carlisle nói.

"Châu Á là khu vực duy nhất trên thế giới ngân sách quốc phòng vẫn gia tăng", vị tướng Mỹ nói với hàm ý cho rằng chính vì thế mà quân đội Mỹ phải tăng cường sự hiện diện và xây dựng mạng lưới đồng minh với các quốc gia “chủ yếu sử dụng vũ khí Mỹ”.

"Chúng tôi tập trận cùng nhau, huấn luyện cùng nhau, xây dựng năng lực quân sự cùng nhau và đặc biệt là chúng tôi đã rất quen thuộc với môi trường châu Á”, ông Carlisle nói và hứa hẹn rằng những sự hợp tác như vậy sẽ “mang lại lợi ích to lớn”.

Mỹ triển khai Không quân khắp châu Á để làm gì?
F-22 Reaptor

Tướng Carlisle cũng lý giải thêm rằng quân đội Mỹ không có kế hoạch triển khai một lực lượng quân sự lớn ở Đông Nam Á để chuẩn bị cho một sự “dừng chân lâu dài” trong khu vực này. Thay vào đó, Mỹ sẽ tăng mạnh lực lượng ở các căn cứ Bắc Thái Bình Dương thông qua sự hiện diện luân  phiên của các đơn vị không quân.

"Chúng tôi sẽ không lập thêm bất cứ một căn cứ quân sự nào nữa ở Thái Bình Dương để hỗ trợ cho sự tăng cường hiện diện của Không quân”, viên tướng này khẳng định.

Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Không quân Mỹ đã “ghi điểm” khi được cho là đã góp công lớn vào việc chặn đứng ý định “xâm lăng châu Âu” của quân đội Xô viết và hiện tại Mỹ cũng muốn lặp lại thành công này ở châu Á thông qua các căn cứ đồn trú cố định ở bắc Thái Bình Dương và các sân bay ở Đông Nam Á.

Hiện tại, Không quân Mỹ có 9 căn cứ chính nằm rải rác khắp Thái Bình Dương, từ Alaska và Hawaii đến Guam, Nhật Bản, và Hàn Quốc. Thông qua mạng lưới căn cứ này, Mỹ chỉ cần điều động máy bay đóng quân luân phiên cùng với một lực lượng khá đông đóng cố định đủ để tạo thành một “sức mạnh răn đe” rất lớn.

"Hướng di chuyển trong tương lai của chúng tôi là phía Nam và phía Đông với sự hiện diện luân phiên", Carlisle nói. "Những thiết bị hiện đại và mạnh mẽ nhất sẽ được triển khai đến Thái Bình Dương".

Điều này có nghĩa là Không quân Mỹ sẽ gửi một số lượng lớn tiêm kích F-22 “Chim ăn thịt”, F-35 “Sấm sét”, và máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 lợi hại nhất của họ. Cũng theo tướng Carlisle, Thái Bình Dương sẽ là khu vực căn cứ nước ngoài đầu tiên của Mỹ được triển khai F-35 – mẫu tiêm kích đa năng tàng hình thế hệ 5 của quân đội Mỹ.

Mỹ triển khai Không quân khắp châu Á để làm gì?
Tàu tác chiến gần bờ (LCS) của hải quân Mỹ đã bắt đầu được triển khai ở Singapore.

Hiện nay, Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ đã bắt đầu “xoay trục sang Châu Á”. Với Hải quân, Mỹ đã bắt dầu tăng cường lực lượng ở căn cứ ven biển ở Singapore và Thủy quân lục chiến đã đến Úc. Trong khi đó, Thủy quân lục chiến cũng đang tân trang lại một số sân bay cũ từ thời Chiến tranh thế giới 2 trên các đảo ở Thái Bình Dương. Những sân bay này sẽ là dải xương sống, là chỗ dựa cho các lực lượng Mỹ trong trường hợp cơ sở chính của họ là mục tiêu của tên lửa đạn đạo của Trung Quốc.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại