AR(ZR)-260T - Đối thủ của Buk-M2 tại Việt Nam?

Hải Dương |

Theo Bộ Quốc phòng Ukraine, hệ thống phòng không tầm trung AR(ZR)-260T sử dụng tên lửa R-27 (AA-10 Alamo) sẽ sớm được hoàn thiện.

AR(ZR)-260T là một hệ thống tên lửa phòng không tầm trung của Ukraine, nó nằm trong xu thế đang rất thịnh hành trên thế giới đó là trang bị tên lửa không đối không cho tổ hợp phòng không mặt đất.

Tổ hợp sử dụng biến thể sửa đổi từ tên lửa R-27 (tên định danh NATO AA-10 Alamo) làm vũ khí chính, đây là loại tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn được trang bị rất phổ biến cho các máy bay chiến đấu do Liên Xô - Nga sản xuất.


Biến thể đất đối không của tên lửa R-27 với động cơ khởi tốc lắp ở đuôi

Biến thể đất đối không của tên lửa R-27 với động cơ khởi tốc lắp ở đuôi

Tên lửa mới được Nhà máy Artem có trụ sở gần thủ đô Kiev cải tiến, nó bổ sung một động cơ khởi tốc mới để phù hợp hơn cho việc triển khai từ dưới mặt đất, tầm bắn của phiên bản R-27 này ước tính vào khoảng trên 55 km.

Tên lửa R-27 mới vẫn có 3 loại đầu dò truyền thống gồm: dẫn bằng hồng ngoại, radar chủ động và radar thụ động.

Việc phát triển hệ thống dẫn đường sẽ do Radionix tiến hành, đây cũng là một trong những công ty quốc phòng chuyên sản xuất các hệ thống radar và tác chiến điện tử của Ukraine.

Với ưu thế như nhỏ gọn (trọng lượng 253 kg, chỉ bằng hơn 1/3 con số 720 kg của 9M317), tầm bắn xa (55 km so với 50 km), giá thành rẻ, linh hoạt trong cơ chế dẫn đường, tên lửa R-27 lại đang có sẵn trong biên chế của nhiều quân đội tạo thuận tiện cho công tác hậu cần...

Do vậy, hệ thống tên lửa phòng không tầm trung AR(ZR)-260T được đánh giá sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm với Buk-M2 của Nga trên thị trường vũ khí quốc tế.


Xe nạp đạn kiêm chấp hành phóng của tổ hợp tên lửa phòng không Buk-M2

Xe nạp đạn kiêm chấp hành phóng của tổ hợp tên lửa phòng không Buk-M2

Tuy nhiên tổ hợp Buk-M2 với tên lửa 9M317 vẫn có một số điểm vượt trội nhất định như đầu đạn rất lớn (70 kg so với 39 kg), bảo đảm chắc chắn tiêu diệt được máy bay ném bom chiến lược hay máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không (AWACS) chỉ với 1 phát bắn.

Bên cạnh đó do đường kính thân lớn hơn nên tên lửa 9M317 cũng mang được đầu dò có công suất mạnh hơn, hạn chế bị gây nhiễu bởi các phương tiện tác chiến điện tử của đối phương.

Quan trọng nhất, Buk là một tổ hợp đã trải qua thực chiến và lập được nhiều chiến công đáng kể, trong khi AR(ZR)-260T hiện vẫn còn đang nằm trên giấy.

Nhưng nếu trong tương lai AR(ZR)-260T chứng tỏ được năng lực của mình, Việt Nam hoàn toàn có thể tính đến khả năng mua sắm hệ thống tên lửa phòng không tầm trung này để phối hợp cùng SPYPER-SR sắp vào biên chế, hoặc để thay thế cho Pechora-2TM.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại