Thậm chí xe tăng có thể chịu tổn thất nặng nề trước các loại vũ khí chống tăng cá nhân gọn nhẹ, dễ cơ động... ngày càng phát triển và trở nên thông dụng.
Thực tế đã chứng minh
Nhận định này đã được thực tế trong các cuộc chiến tranh gần đây chứng minh là hoàn toàn chính xác.
Trong chiến tranh Việt Nam, trận đầu tiên sử dụng xe tăng tiến công đô thị là trận tiến công TX Bình Long (An Lộc) năm 1972 trong khuôn khổ chiến dịch Nguyễn Huệ tại miền Đông Nam Bộ.
Trận đánh không những không thành công mà tăng thiết giáp (TTG) còn bị tổn thất khá nặng nề. Sau 4 lần phối thuộc cho bộ binh (BB) tiến công vào thị xã, gần 80% số xe tăng tham chiến đã bị địch bắn cháy, bắn hỏng.
Ngay cả trận đánh cuối cùng vào Sài Gòn ngày 30.4.1975 trong chiến dịch Hồ Chí Minh, mặc dù lúc này quân Mỹ đã không còn hiện diện tại miền Nam và thế lực của VNCH đã suy yếu nhiều song cuộc chiến cũng không dễ dàng gì.
Trên hướng đông, một trận chiến đấu ác liệt đã diễn ra ngay đầu cầu Sài Gòn. Lữ đoàn 203 đã cháy 4 xe ở đây. Sau khi vào nội đô, đến gần cầu Thị Nghè thêm 1 xe số hiệu 866 trúng đạn.
Còn tại hướng tây, Lữ đoàn 273 Quân đoàn 3 đã bị bắn cháy 2 xe tại Ngã tư Bảy Hiền. Đến Lăng Cha Cả thêm 5 xe nữa bị bắn cháy, bắn hỏng.
Trên thế giới cũng vậy! Trong cuộc chiến tranh Chechnya lần thứ nhất, quân đội Nga cũng đã phải hứng chịu những tổn thất nặng nề về TTG khi tiến công vào thủ phủ Grozny tháng 12.1994.
Tại đây đã có hơn 200 xe TTG của quân Nga bị loại khỏi vòng chiến đấu, trong đó có 62 xe tăng thuộc loại tương đối hiện đại lúc bấy giờ (T72M và T80).
Xác một chiếc xe tăng T-80 của Nga tại Grozny.
Những ví dụ thực tế trên cho thấy tác chiến xe tăng tại địa bàn đô thị không dễ dàng chút nào!
Vì sao lại như vậy?
Sở dĩ tác chiến xe tăng ở đô thị gặp nhiều khó khăn do các nguyên nhân chính sau:
Đô thị là nơi tập trung cao độ các khối kiến trúc lớn, các nhà cao tầng... có kết cấu vững chắc, mật độ cao nên hạn chế hiệu quả của hỏa lực chuẩn bị.
Bên cạnh đó, ở đó lại có nhiều vị trí thuận lợi để đối phương lợi dụng bố trí các toán chiến đấu cơ động như ngõ hẻm, ban công nhà cao tầng, tầng hầm các tòa nhà v.v...
Từ những vị trí này, với những loại vũ khí chống tăng cá nhân gọn nhẹ như M72, RPG các loại có thể dễ dàng bắn vào những điểm hiểm yếu của xe tăng như sườn xe, nóc xe, cửa lái xe...
Đó thường là những điểm có giáp thép mỏng lại không được bọc giáp phản ứng nổ. Đồng thời, các toán chiến đấu này cũng dễ dàng khống chế, tiêu diệt lực lượng bộ binh tùng thiết, chia cắt giữa bộ binh với xe tăng.
Thực tế chiến đấu ở Bình Long là một minh chứng rất cụ thể cho trường hợp này. Trong quá trình đột phá chọc thủng lớp vỏ cứng ở ngoại ô, hầu hết bộ binh đã bị thương vong bởi bom pháo cũng như hỏa lực bắn thẳng.
Khả năng phòng vệ yếu kém của xe tăng M1A1M Abram, khi liên tiếp bị đốn hạ ở Iraq bằng tên lửa chống tăng và súng phóng lựu do Nga, Trung Quốc sản xuất.
Vì vậy, khi vào nội đô hầu như trên tất cả các hướng chỉ còn các xe tăng “đơn thương độc mã” không có bộ binh đi cùng.
Lính VNCH sau lúc đầu hốt hoảng đã lấy lại được tinh thần và phục kích trong các ngõ hẻm, trên ban công nhà tầng dùng M72 bắn vào xe tăng ở khoảng cách rất gần nên hiệu suất rất cao.
Đường sá trong đô thị thường thẳng, nhiều điểm giao cắt nhưng cũng hẹp nên xe tăng khó triển khai đội hình chiến đấu tối ưu, thường chỉ sử dụng được đội hình hàng dọc. Với đội hình này xe tăng rất khó phát huy hỏa lực diệt mục tiêu cũng như chi viện hỏa lực cho nhau.
Đây là tình huống thường gặp trong tác chiến ở đô thị. Thậm chí ở Grôzny có đoàn xe của quân Nga bị phiến quân bắn cháy xe đi đầu và đi cuối, thực hiện “chặn đầu, khóa đuôi” rồi lần lượt bắn hạ các xe còn lại, tiêu diệt gọn cả đoàn xe trên một đoạn đường phố.
Tầm quan sát của các thành viên xe tăng nhìn chung là hạn chế, khó phát hiện được đối phương ẩn nấp trong các ngõ hẻm, trong các tầng cao v.v... Khi phát hiện được thì cũng khó tiêu diệt vì góc bắn của pháo và súng máy không thể nhắm tới.
Từ những bài học thực tế trên, các nhà quân sự cũng đã đề ra những giải pháp cần thiết để sử dụng hiệu quả nhất lực lượng xe tăng nói riêng và TTG nói chung, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất tổn thất khi tác chiến ở đô thị.
Trung đoàn BBCG 102 - Sư đoàn 308.
Điểm mấu chốt của các giải pháp này là “Tăng cường tai mắt cho xe tăng. Không để xe tăng bị bất ngờ”. Cụ thể là:
Hiệp đồng chặt chẽ giữa xe tăng với BB, lấy BB làm tai mắt và lực lượng bảo vệ ở cự ly gần cho xe tăng. Nhiệm vụ của lực lượng BB (hoặc BBCG) tùng thiết xe tăng là phải kịp thời phát hiện các toán diệt tăng cơ động và tiêu diệt chúng.
Những trường hợp cần thiết thậm chí phải dừng xe lại cho BB vượt lên trước làm nhiệm vụ “tảo thanh” rồi xe tăng mới tiếp tục tiến.
Tăng cường tác chiến liên hợp giữa nhiều lực lượng, nhiều quân binh chủng như pháo phòng không, máy bay trực thăng... để nhanh chóng phát hiện và tiêu diệt những đối tượng nguy hiểm đối với xe tăng.
Về phía xe tăng cũng cần nghiên cứu tăng cường khả năng quan sát cho các thành viên, đồng thời tăng cường khả năng bảo vệ sườn xe, nóc xe bằng các biện pháp khác nhau.