Hải quân Nga: 2 dự án tham vọng đưa gã khổng lồ trở lại

Hải Vy |

Hải quân Nga đang hướng tới mục tiêu đủ khả năng tự đóng tàu sân bay và tàu đổ bộ vào năm 2019.

Trong bài viết trên tạp chí National Interest (Mỹ), nhà phân tích Dave Majumdar cho biết:

Trải qua nhiều thập kỷ nỗ lực cải tổ ngành công nghiệp đóng tàu sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, Nga đang nhắm tới mục tiêu khôi phục một khả năng quan trọng: Moscow muốn có đủ khả năng tự đóng tàu sân bay và tàu đổ bộ ngay trong năm 2019.

Moscow hiện chỉ có 1 tàu sân bay duy nhất chạy bằng năng lượng thông thường. Con tàu mang tên Admiral Kuznetsov, được chế tạo tại nhà máy đóng tàu Nikolayev ở Ukraine.

Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, Nga không còn nắm quyền kiểm soát các cơ sở đóng tàu này. Vì vậy, Moscow phải cải tổ lại ngành công nghiệp đóng tàu trong nước.


Tàu sân bay hiện tại của Nga, chiếc Đô đốc Kuznetsov. Ảnh: Hải quân Nga

Tàu sân bay hiện tại của Nga, chiếc Đô đốc Kuznetsov. Ảnh: Hải quân Nga

Chủ tịch Tập đoàn Đóng tàu Thống nhất (USC), Alexey Rakhmanov tuyên bố:

"Chúng tôi sẽ chuẩn bị sẵn sàng để bắt đầu chế tạo các tàu sân bay trực thăng và tàu sân bay.

Nếu chúng tôi có đủ các công nghệ để chế tạo tàu sân bay, hy vọng công việc (đóng tàu sân bay) sẽ bắt đầu vào năm 2019".

Mặc dù ông Rakhmanov không tiết lộ tàu sân bay mới của Nga sẽ được đóng tại đâu nhưng nhiều khả năng đó sẽ là nhà máy đóng tàu Sevmash ở Severodvinsk.

Sevmash là nhà máy đóng tàu duy nhất tại Nga có kinh nghiệm chế tạo tàu sân bay. Đây là đơn vị đã sửa chữa và nâng cấp tàu sân bay Admiral Gorshkov (lớp Kiev) thành tàu sân bay Vikramaditya cho Ấn Độ.

Các thông tin trước đó cho biết Nga đang chuẩn bị đóng chiếc tàu sân bay đầu tiên thời hậu Liên Xô, sớm nhất là vào năm 2025.

Ước tính Moscow sẽ mất gần 10 năm để hoàn thiện con tàu khổng lồ này.


Mô hình tàu sân bay đề án 23000E Shtorm. Ảnh: IHS Janes.

Mô hình tàu sân bay đề án 23000E Shtorm. Ảnh: IHS Jane's.

Năm ngoái, Trung tâm nghiên cứu Krylov và Viện thiết kế Nevskoye của Nga đã giới thiệu một mô hình tàu sân bay với lượng giãn nước 100.000 tấn, được gọi là đề án 23000E Shtorm.

Đây sẽ là tàu sân bay hạt nhân, có thể mang tới 90 máy bay. Các ước tính khả quan cho rằng con tàu sẽ có chi phí 5,6 tỷ USD nhưng cũng có thể sẽ gấp đôi con số này, thậm chí nhiều hơn.

Cùng với công tác thiết kế tàu mới, Nga đã bắt đầu phát triển máy phóng điện từ (EMALS) trên tàu sân bay, tương tự như hệ thống trên hàng không mẫu hạm Gerald R. Ford-class (CVN-78) của Hải quân Mỹ.

Một nguyên mẫu EMALS của Nga đang được thử nghiệm tại Viện khí động học Trung tương (TsAGI) tại sân bay Zhukovsky, ngoại ô Moscow.

Ngoài ra, các thành phần trong hệ thống đẩy bằng năng lượng hạt nhân dành cho tàu sân bay sẽ được Nga thử nghiệm trên các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Lider (lượng giãn nước 18.000 tấn).

Song có vẻ dù được thử nghiệm trên tàu có kích cỡ lớn như Lider nhưng hệ thống đẩy này vẫn chưa đủ mạnh để trang bị cho tàu sân bay.

Bên cạnh kế hoạch đóng tàu sân bay thế hệ mới, Nga còn hy vọng có thể chế tạo các tàu tấn công đổ bộ để thay thế 2 chiếc Mistral mà nước này đặt mua từ Pháp.

Sau khi thương vụ giữa 2 nước đổ vỡ, Moscow muốn tìm kiếm giải pháp thay thế từ ngành công nghiệp đóng tàu nội địa.

Hiện chưa rõ khi nào hay Nga liệu có xúc tiến kế hoạch đóng tàu đổ bộ hay không.

Song, những thông tin được tiết lộ đến nay cho biết Moscow muốn có một con tàu có khả năng mang 12 trực thăng và 450 lính thủy đánh bộ. Con tàu có thể sẽ có lượng giãn nước 16.000 tấn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại