6 hải quân mạnh nhất thế giới: Nga tự nhận mình đứng... bét

Quang Huy |

Tờ Topwar (Nga) ngày 23/12 đăng tải "Bảng xếp hạng những lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới", dựa trên cơ sở phân tích và tổng hợp các thông tin công khai.

Tiêu chí đánh giá chủ yếu là số lượng các tàu chiến với những tính năng và khả năng đặc biệt mà chúng mang lại cho các hạm đội của mình.

Khi xây dựng bảng xếp hạng, nhóm chuyên gia còn tính đến các lực lượng khác nhau của hạm đội (ví dụ như không lực), cũng như những tiêu chí khó có thể đánh giá được (như kinh nghiệm chiến đấu và chất lượng huấn luyện chiến đấu).

Song, các chuyên gia không tính đến những tàu chiến loại nhỏ (xuồng máy, tàu hộ vệ) và các loại tàu được chế tạo từ những năm 60-70 thế kỷ trước, bởi tính năng của chúng không mang lại nhiều ý nghĩa trong một đội tàu chiến hiện đại.

6. Hải quân Nga

"Quá khứ hào hùng và tương lai vô định" là những gì người ta nói về Hải quân Nga.

Trong tổng số 50 tàu chiến được cam kết bàn giao đúng thời hạn (đến năm 2020), Hải quân Nga mới chỉ nhận được khoảng 20 tàu. Trong đó, chỉ có duy nhất một chiếc tàu hạng nhất (tuần dương hạm, tàu khu trục hoặc hàng không mẫu hạm).

Đã hơn 10 năm qua, Nga vẫn chưa tìm ra ý tưởng mới để chế tạo khinh hạm.

Song, trong những năm gần đây, những gì Nga làm được cũng không phải là ít. Một chiếc tàu ngầm nguyên tử đa năng và 3 chiếc tàu ngầm nguyên tử chiến lược đã được đưa vào sử dụng.


Tàu chiến Nga trình diễn trong Ngày Hải quân.

Tàu chiến Nga trình diễn trong Ngày Hải quân.

Không lực của Hải quân Nga đã được cải tiến từng bước (tiếp nhận máy bay chiến đấu đa năng Su-30MK, IL-38H cải tiến). Các tên lửa hành trình Kalibr đã được bàn giao.

Các tàu ngầm lớp Varshavyanka (lớp Kilo, mệnh danh là "Hố đen đại dương) đang được cải tiến. Cộng thêm vào đó là những nguồn vũ khí dự trữ từ thời Liên Xô để lại.

Nhìn chung, với tất cả những gì được liệt kê, Nga nắm chắc vị trí thứ 6 trong số những lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới.

5. Hải quân Ấn Độ

Người Ấn Độ chỉ mất 1 thập kỷ để biến những thứ mục nát thành một trong những lực lượng hải quân hùng mạnh nhất và hiện đại nhất trên thế giới.

Chỉ tính riêng từ Nga, Ấn Độ đã nhận 1 chiếc tàu sân bay hiện đại dài 300m, các khinh hạm tên lửa và 1 chiếc tàu ngầm nguyên tử đa năng “Chakra” (tên cũ là K-152 “Nerpa”).


Chiến hạm INS Ranvir thuộc lớp Rajput của Ấn Độ phóng tên lửa hành trình BrahMos

Chiến hạm INS Ranvir thuộc lớp Rajput của Ấn Độ phóng tên lửa hành trình BrahMos

Trên cơ sở tên lửa “Onyx” của Nga, Ấn Độ và Nga đã hợp tác chế tạo và đưa vào sử dụng tên lửa hành trình và chống hạm “BrahMos” đạt tới tốc độ 2,8 Mach.

Bên cạnh đó, New Delhi còn đặt mua nhiều vũ khí Mỹ, các hệ thống radar và hệ thống phòng không trên biển của Isarel...

Nước này còn tự nghiên cứu chế tạo tàu ngầm, tàu khu trục và tàu sân bay.

4. Hải quân Trung Quốc

Từ đầu thế kỷ 21, Hải quân Trung Quốc đã bổ sung vào hàng ngũ 1 chiếc tàu sân bay hạng năng mang tên “Liêu Ninh” (tên cũ là “Varyag”), 4 chiếc tàu đổ bộ đa năng, 20 khu trục hạm và nhiều tàu chiến khác trang bị tên lửa.


Có tốc độ tăng trưởng mạnh nhưng Hải quân Trung Quốc chỉ đứng vị trí thứ 4.

Có tốc độ tăng trưởng mạnh nhưng Hải quân Trung Quốc chỉ đứng vị trí thứ 4.

Tại sao với tốc độ tăng cường lực lượng hải quân ấn tượng như vậy mà Trung Quốc chỉ xếp ở vị trí thứ 4? Theo Topwar, đó là bởi họ không tự đưa ra một ý tưởng chế tạo nào của riêng mình.

Các mẫu vũ khí của hải quân Trung Quốc đều được cho là sao chép lại của Nga và các nước phương Tây. Và tất nhiên, vũ khí "made in China" hoàn toàn thua kém về tính năng so với nguyên mẫu.

Cuối cùng, do hải quân Trung Quốc hoàn toàn thiếu kinh nghiệm chiến đấu nên vị trí thứ 4 là xứng đáng.

3. Hải quân Nhật Bản

Bất chấp hàng loạt các hạn chế (ví dụ như cấm các tên lửa hành trình tầm xa và chế tạo tàu ngầm nguyên tử), Hải quân Nhật Bản vẫn có bản sắc của riêng mình trong số các lực lượng hải quân khác.

Hệ thống chiến đấu hiệu quả tại những vùng biển nước nông và nước sâu được tính toán đến từng chi tiết và hết sức cân bằng.


Tàu sân bay chở trực thăng lớp Izumo của Nhật Bản.

Tàu sân bay chở trực thăng lớp Izumo của Nhật Bản.

Nhật Bản là đất nước thứ 3 trên thế giới (ngoài Mỹ và Trung Quốc) có khả năng chế tạo hàng loạt các tàu khu trục hạng nhất.

Năm 2015, Hải quân Nhật Bản có 3 tàu sân bay trực thăng (Nhật gọi là tàu khu trục chở trực thăng) và 24 tàu khu trục tên lửa hiện đại.

Hạm đội tàu ngầm Nhật Bản gồm 17 chiếc tàu ngầm diezel – điện. Lực lượng không quân hải quân sở hữu 100 máy bay tuần tra và săn ngầm.

Bên cạnh đó, tinh thần chiến đấu và yêu nước của các thủy thủ Nhật Bản cũng được đánh giá cao.

2. Hải quân Hoàng gia Anh

Hải quân Anh có kinh nghiệm hải chiến ở cự ly 12.000 km xa bờ. Theo Topwar, các thủy thủ của Anh là những người đầu tiên (duy nhất) có thể đánh chặn tên lửa đối hạm trong thực chiến.


Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth trong buổi lễ đặt tên hồi tháng 7/2014.

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth trong buổi lễ đặt tên hồi tháng 7/2014.

Hải quân Anh hiện sở hữu 1 tàu mang trực thăng, 6 khu trục hạm phòng không, 10 tàu ngầm nguyên tử, 13 khinh hạm tên lửa đa nhiệm và 12 tàu hỗ trợ như các tàu đổ bộ mang trực thăng, các tàu tiếp nhiên liệu, tàu cung cấp các nhu cầu thiết yếu.

Hải quân của Hoàng gia Anh hiện đại dù không lớn nhưng tinh nhuệ.

Trong vòng 5-10 năm tới, Hải quân Anh sẽ đón thêm 2 chiếc tàu sân bay lớn (lớp Queen Elizabeth, lượng giãn nước hơn 60.000 tấn), 5 tàu ngầm nguyên tử lớp Astute và 8 chiến hạm được đóng theo chương trình "Tàu chiến toàn cầu".

1. Hải quân Mỹ

Hải quân Mỹ có nhiều tàu chiến hơn tất cả các nước cộng lại. 10 tàu sân bay nguyên tử và 9 tàu mang trực thăng, 72 tàu ngầm nguyên tử, 85 tàu tuần dương và khu trục, hơn 3.000 đơn vị thiết bị kỹ thuật hàng không.


Hải quân Mỹ vẫn giữ ngôi vị số 1 thế giới.

Hải quân Mỹ vẫn giữ ngôi vị số 1 thế giới.

Thêm một sự khác biệt lớn đó là đa số các tàu chiến của Mỹ là "độc nhất vô nhị" trên thế giới: Các sân bay nổi hoành tráng, hệ thống “Aegis”, máy bay không người lái tuần thám biển, tàu tác chiến cận bờ LCS, tàu ngầm mang tên lửa hành trình.

Khi xây dựng bảng xếp hạng, nhóm chuyên gia đã loại bỏ lực lượng hạt nhân chiến lược của hải quân.

Đó là lực lượng tinh nhuệ nhưng khả năng ứng dụng thấp. Lực lượng này gìn giữ chủ quyền của đất nước nhưng không mang lại bất cứ lợi thế nào trong các cuộc xung đột quốc tế vì bị hạn chế bởi các hiệp ước giải trừ quân bị.

Có 6 quốc gia sở hữu các tàu ngầm mang tên lửa chiến lược nhưng trong thực tế, chỉ có Nga và Mỹ sở hữu các lực lượng hạt nhân đúng nghĩa.

Chỉ có người Nga và người Mỹ có đủ khả năng để thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân: Phóng đồng loạt hàng trăm đầu đạn mà không một hệ thống phòng thủ tên lửa nào có thể cản được.

Cuối cùng, cũng chỉ có Nga và Mỹ có đủ các loại vũ khí phục vụ chiến tranh hạt nhân.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại