Theo nhà phân tích Tyler Rogoway, Không quân Mỹ có một đội đặc nhiệm an ninh tinh nhuệ ít ai biết đến.
Lực lượng này được gọi là Phoenix Raven, được huấn luyện để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, đó là bảo vệ máy bay và kíp lái trước các cuộc tấn công của đối phương trên mặt đất, tại những khu vực nguy hiểm.
Trên thực tế, Phoenix Raven là tên chương trình do Bộ Tư lệnh Không vận Mỹ (AMC) tiến hành vào năm 1997 để đào tạo một lực lượng đặc biệt, chuyên bảo vệ máy bay tại các khu vực có nhiều mối đe dọa hoặc có các mối đe dọa chưa xác định.
Trong tình huống nguy hiểm, Phoenix Raven có thể trở thành “lá chắn” duy nhất ngăn các mối đe dọa tấn công cỗ máy khổng lồ, đắt đỏ của nước Mỹ.
Phoenix Raven có nhiệm vụ bảo vệ máy bay Mỹ trước các mối đe dọa.
Phoenix Raven hoạt động theo các nhóm nhỏ, thường mỗi nhóm dưới 6 người và phối hợp trực tiếp với phi hành đoàn đang thực hiện nhiệm vụ.
Sự phối hợp này có thể là cung cấp thông tin tình báo về các mối đe dọa trong khu vực, lên kế hoạch hạ cánh tại một địa điểm cụ thể và tính toán xem làm thế nào để di chuyển hàng hóa nhạy cảm thật nhanh khi đến nơi.
Nói cách khác là họ phải lên kế hoạch cho các tình huống bất ngờ.
Hiện chỉ có khoảng 200 thành viên Phoenix đang hoạt động chính, dù trong lực lượng Không quân dự bị và Vệ binh Quốc gia Mỹ cũng có một số lính Phoenix để hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ không vận trên khắp thế giới.
Đây là số lượng tương đối khiêm tốn khi chia nhỏ về các đơn vị quân sự của Mỹ. Trong bối cảnh hiện nay, lực lượng an ninh như Phoenix trở nên vô cùng cần thiết, nhất là khi cuộc chiến khủng bố toàn cầu đã bùng nổ.
Đặc nhiệm Phoenix Raven trên máy bay vận tải C-17A Globemaster III
Hiện nay, Phoenix Raven hoạt động tại Iraq, Afghanistan, châu Phi, Nam Mỹ và nhiều khu vực mà quân đội Mỹ đặt chân tới. Bên cạnh đó, Phoenix cũng hỗ trợ một số nhiệm vụ tối mật.
Chương trình huấn luyện Phoenix Raven do Trung tâm Không quân Viễn chinh của Mỹ tiến hành tại căn cứ liên hợp McGuire-Dix-Lakehurst, bang New Jersey.
Khóa huấn luyện khắc nghiệt kéo dài 3 tuần, mỗi ngày 12 tiếng, với các khoa mục như nhận thức giao thoa văn hóa, kỹ năng khảo sát sân bay, nhận biết chất nổ, tìm kiếm máy bay, kỹ năng tự vệ tay không…
Phoenix Raven được đào tạo nhiều kỹ năng tác chiến.
Nội dung huấn luyện bao gồm cả các bài tập lý thuyết và thực hành để rèn luyện kỹ năng chống khủng bố/bảo vệ lực lượng, đảm bảo an ninh cho các hệ thống vũ khí…
Một khi trở thành Phoenix Raven, các học viên có cơ hội tham gia nhiều khóa huấn luyện nâng cao.
Sau vụ tấn công ngày 11/9, Không quân Mỹ lo ngại rằng máy bay của họ có thể bị không tặc tấn công khi quá cảnh tại các sân bay nước ngoài.
Vì thế, họ sử dụng Phoenix Raven như lực lượng ngăn chặn không tặc - tấn công có khả năng giải cứu máy bay. Các Phoenix Raven được học kỹ thuật chiến đấu cận chiến từ Cục cảnh sát hàng không Mỹ và một số cơ quan khác như Đội giải cứu con tin FBI.
Ngoài nhiệm vụ hỗ trợ thông thường, Phoenix Raven còn hộ tống một số máy bay chở VIP của Mỹ tới các khu vực mà an ninh không thực sự được đảm bảo.
Phoenix Raven có thể được triển khai để bảo vệ máy bay chở Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ (E-4B, C-17) và thậm chí chuyên cơ Tổng thống Mỹ Air Force One trước các mối đe dọa trên mặt đất.