Ưu tiên hiện đại hóa lục quân
Trong những năm qua, Quân đội ta đã xác định và ưu tiên hiện đại hóa cho 5 lực lượng gồm: Quân chủng Hải quân; Phòng không Không quân; Trinh sát kỹ thuật; Tác chiến điện tử, và Thông tin liên lạc.
Qua đó, các lực lượng này đã được đầu tư mua sắm nhiều vũ khí trang bị mới, hết sức hiện đại, tạo sự thay đổi cơ bản về chất, đáp ứng được yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tuy nhiên, không vì thế mà lục quân kém được quan tâm, lực lượng này cũng đã được trang bị một số vũ khí mới, chỉ có điều tốc độ hiện đại hóa so với các lực lượng kể trên chắc chắn là không thể nhanh bằng.
Nhưng với định hướng mới, trong nhiệm kỳ tới lục quân sẽ được chú trọng ưu tiên hiện đại hóa cả về con người lẫn vũ khí trang bị.
Tất nhiên, nói đến hiện đại hóa lục quân, người ta thường nghĩ ngay đến pháo binh, xe tăng, bộ binh cơ giới, tên lửa chống tăng,... vì đó là những thứ vũ khí hạng nặng, có vai trò then chốt trong tiến công và phòng thủ của bất kỳ quân đội nào trên thế giới.
Nhưng còn một thành phần khác cũng rất quan trọng trong biên chế tổ chức, góp phần làm nên sức mạnh tổng thể của lục quân, đó là lực lượng phòng không lục quân.
Hiện nay, lực lượng này chủ yếu được trang bị pháo cao xạ và tên lửa vác vai với khả năng chiến đấu tương đối hạn chế ở cự ly ngắn và tầm thấp, "ô che đầu" bảo vệ ở tầm cao và xa hơn phải dựa vào lực lượng của Quân chủng PK-KQ.
Với môi trường chiến tranh hiện đại, việc độc lập tác chiến với sức mạnh tự thân bằng vũ khí trang bị có trong biên chế đóng vai trò quan trọng, liệu đã đến lúc cần trang bị cho lục quân các hệ thống phòng không tầm trung tiên tiến và đâu là ứng viên sáng giá?
Gia đình họ tên lửa Buk, trong đó phiên bản mới nhất là Buk-M3.
Buk-M3 mới nhất của Nga - sự lựa chọn sáng suốt?
Theo BQP Nga, Lực lượng phòng không Lục quân nước này sẽ bắt đầu tiếp nhận các tổ hợp tên lửa phòng không Buk-M3 từ đầu năm nay (2016) nhằm thay thế cho các tổ hợp Buk-M1 đã bắt đầu lỗi thời, không đáp ứng được yêu cầu tác chiến hiện đại.
Tổ hợp tên lửa phòng không đa kênh tầm trung di động bánh xích Buk-M3 được thiết kế cho nhiệm vụ tác chiến trong điều kiện bị chế áp điện tử và hỏa lực mạnh nhằm tiêu diệt các loại phương tiện bay hoạt động nằm trong vùng diệt của tổ hợp.
Nó được coi là sát thủ đối với các loại máy bay chiến thuật, chiến lược, trực thăng vũ trang, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa hàng không, đạn pháo phản lực, bom, cũng như các loại mục tiêu mặt đất và mặt nước có tính năng phản xạ sóng ra đa.
Phục vụ nhiệm vụ phòng không bảo vệ đội hình binh chủng hợp thành cấp liên binh đoàn chiến dịch khi hành quân hay đóng quân dã ngoại, toàn bộ nhóm vũ khí, khí tài chiến đấu của Buk-M3 được gắn trên khung gầm xe bánh xích GM-5969.
Dòng xe này có độ việt dã cao, phù hợp với yêu cầu trang bị của các đơn vị phòng không lục quân khi tác chiến tại các địa bàn có hoặc không có hạ tầng giao thông.
Được phát triển dựa trên tổ hợp Buk-M2, mỗi tổ hợp Buk-M3 cũng gồm có xe chỉ huy, xe bệ phóng chính với radar chiếu xạ mục tiêu và điều khiển tên lửa, xe bệ phóng chấp hành kiêm tiếp đạn, xe radar nhìn vòng, cùng các xe bảo đảm chiến đấu.
Tuy nhiên, Buk-M3 tỏ ra vượt trội so với người tiền nhiệm của nó chính là tầm bắn tăng 25%, toàn bộ đạn tên lửa 9M317M được đặt trong ống phóng kiêm ống bảo quản giúp kéo dài thời gian sẵn sàng chiến đấu 15 năm mà không cần bảo trì thường xuyên.
Đạn tên lửa được đặt trong ống phóng kiêm ông bảo quản, giúp tăng thời gian sẵn sàng chiến đấu lên 15 năm.
Đồng thời mỗi xe phóng tự hành cũng như xe bệ phóng chấp hành kiêm tiếp đạn mang được nhiều tên lửa hơn so với phiên bản Buk-M1/M2.
Tổ hợp có thể theo dõi cùng lúc 36 mục tiêu, tiêu diệt mục tiêu bay với tốc độ tối đa 3.000m/s, ở cự ly xa đến 2,5-70km và độ cao từ 15m tới 35km, xác xuất hạ mục tiêu được công bố đạt 99%, cao hơn nhiều so với tổ hợp tên lửa S-300.
Khối kính ngắm 2 kênh ảnh nhiệt và quang truyền hình cho phép xe phóng có thể độc lập chiến đấu phòng không trong điều kiện đêm tối, khí tượng phức tạp và bị đối phương chế áp điện tử mạnh.
Như vậy Buk-M3 là một lựa chọn tốt cho phòng không lục quân không chỉ của Nga mà còn cả đối với Việt Nam. Tuy nhiên có mấy điểm đáng chú ý dưới đây:
Thứ nhất, mới ra lò nên khách hàng nước ngoài sẽ phải chờ Nga trang bị đủ cho nhu cầu trong nước. Phải đến tận đầu năm 2016 này thì Lục quân Nga mới được tiếp nhận những tổ hợp Buk-M3 đầu tiên và trong vài năm tới sẽ chưa đủ để xuất khẩu.
Thứ hai, giá thành khá đắt, ước tính có thể lên tới cỡ 100 triệu USD/mỗi tổ hợp, có vẻ như hơi quá sức với nguồn ngân sách mua sắm còn đang khá eo hẹp của Quân đội ta tại thời điểm này.
Xe bệ phóng chấp hành kiêm tiếp đạn của Buk-M3 mang được tới 12 đạn thay vì chỉ 8 như Buk-M2.
Bù lại, đích thân Đại sứ Nga tại Việt Nam, ông Konstantin Vasilievich Vnukov đã tuyên bố:
"Sự hợp tác trong lĩnh vực quân sự quốc phòng giữa Nga và Việt Nam đã phát triển trong hàng thập kỉ qua, và không bao giờ có những vấn đề trừng phạt hay cấm vận nào được đề ra cả. Việc các bạn lựa chọn vũ khí nào là quyền quyết định của các bạn.
Tôi vẫn thiên về một tương lai tươi sáng cho sự hiện diện của vũ khí Nga trên thị trường vũ khí Việt Nam".
Do vậy, nếu Việt Nam quyết tâm hiện đại hóa lục quân, trong đó có phòng không thì Buk-M3 hoàn toàn có cơ hội hiện diện ở dải đất hình chữ S trong vòng 5-7 năm tới.
Có trong tay các tổ hợp tên lửa hiện đại này sẽ cho phép các đơn vị binh chủng hợp thành của lục quân tác chiến chủ động hơn, nhất là tăng cường khả năng phòng không tầm trung, hạn chế phụ thuộc vào các đơn vị phòng không của Quân chủng PK-KQ phối thuộc.
Qua đó, giúp rút ngắn thời gian phản ứng, bảo vệ đội hình nếu bị đối phương tập kích bất ngờ khi đang hành quân hay đóng quân dã ngoại.