Các máy bay Su-30SM của Nga triển khai ở Syria làm nhiệm vụ hộ tống các máy bay ném bom và bảo vệ căn cứ chỉ dùng tên lửa R-27 trong khi họ có loại R-77 hiện đại hơn.
Điều này không phải là do Nga coi thường không quân Mỹ - Nato hay Thổ Nhĩ Kỳ mà do các yếu tố về đặc điểm chiến dịch tại Syria và ý đồ chính trị của nước Nga.
Đây là chiến dịch tấn công vào lực lượng IS và một số nhóm nổi dậy cực đoan tại Syria. Chiến dịch ném bom ở Syria khả năng sử dụng tên lửa không đối không tầm trung-xa như R-77 là cực nhỏ.
Nhưng ngược lại, đây là cơ hội để Nga thể hiện các loại vũ khí hiện đại nhất của mình như bom thông minh KAB-250, KAB-500, tên lửa dẫn bằng laser Kh-29L, bom phá hầm ngầm BETAB-500...
Chúng đều là các vũ khí không đối đất , còn với tên lửa không đối không , cơ hội được thể hiện là cực kỳ thấp. IS và các nhóm nổi dậy không có không quân, do đó không có uy hiếp từ trên không với các máy bay Nga.
Nguy cơ lớn nhất với máy bay Nga là các máy bay của Mỹ- Nato- Thổ Nhĩ Kỳ trên không phận Syria hay vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy vậy, khả năng xảy ra không chiến giữa các tiêm kích 2 bên là rất nhỏ. Mỹ- Nga cùng thực hiện các chiến dịch không kích ở Syria, 2 bên không hợp tác với nhau nhưng cũng có cơ chế liên lạc thông báo cho nhau để tránh va chạm trên không.
2 cường quốc quân sự này đều hiểu nếu xảy ra chiến tranh hậu quả sẽ vô cùng to lớn, phi công cả 2 bên đều rất thận trọng khi quyết định tấn công, thường chỉ tấn công khi thấy nguy cơ bị đối thủ tấn công trước sau khi cảnh báo.
Vụ máy bay Su-24 bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi xuất phát từ một phần chủ quan của Nga khi cho máy bay cường kích Su-24 đơn độc hoạt động gần biên giới Thổ , nếu có máy bay tiêm kích hộ tống, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không dám manh động.
Sau khi thấy sự giận dữ và trừng phạt của Nga, chắc chắn Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải cân nhắc rất kỹ trước khi hành động.Xung đột trên không nếu xảy ra chủ yếu là ở tầm gần, Nga đã có tên lửa tầm ngắn R73 đảm nhận.
Ngoài ra với việc Nga triển khai hệ thống phòng không S-300 và S-400 tại Syria ,bao trùm không phận Syria , các nước sẽ không dám liều lĩnh tấn công máy bay Nga.
Ý đồ chính trị: chiến dịch ném bom Syria của cả Mỹ và Nga đều là nhằm vào IS trong khi lực lượng này không có không quân nên tên lửa không đối không là nhắm vào máy bay của các nước khác.
R-77 ưu điểm hơn R-27 ở tầm xa (120 km so với 80 km), radar tích cực hiện đại hơn nên lợi thế khi tấn công chủ động.
Việc Nga trang bị R-27 mà không dùng R-77 vừa có tính răn đe Nga sẵn sàng đáp trả khi bị tấn công vừa thể hiện thông điệp với thế giới nước Nga chỉ tự vệ trước máy bay đối phương mà không có ý định tấn công trước.
Chiến dịch của Nga chỉ nhằm vào IS mà không nhằm vào các nước khác.
Ngoài ra theo Tạp chí National Interest, các phi cơ chiến đấu của Nga ở Syria đều được trang bị tên lửa R-27 thay vì loại R-77 hiện đại hơn.
Rất có thể không quân Nga quyết định đầu tư vào các phi cơ chiến đấu hơn các loại vũ khí phù hợp để trang bị cho các máy bay mới, một điều thường thấy ở nhiều nước trên thế giới.