Thứ vũ khí đáng sợ có thể “nhấn chìm” Hải quân Mỹ

Hải Vy |

Chiếc tàu ngầm diesel, với chi phí sản xuất rẻ hơn nhiều tàu ngầm hạt nhân, đã “đánh chìm” nhiều tàu ngầm tấn công nhanh, tàu khu trục, khinh hạm, tàu tuần dương của Hải quân Mỹ.

Trong bài viết trên tạp chí National Interest (Mỹ), nhà phân tích Harry J. Kazianis cho biết, trong số các lực lượng đang tuần tra khắp các đại dương trên thế giới, không có lực lượng nào mạnh hơn Hải quân Mỹ.

Tất cả các tàu ngầm hạt nhân tấn công, tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo, tàu sân bay, tàu chiến mặt nước… của Mỹ đều được vận hành bởi đội ngũ thủy thủ và chuyên gia chuyên nghiệp nhất trên thế giới.

Trên lý thuyết, chúng không có đối thủ khi so sánh 1-chọi-1 với các tàu của Nga, Trung Quốc, Iran hay bất cứ thế lực thách thức nào khác.

Tuy nhiên, do những tiến bộ công nghệ trên các loại tàu ngầm diesel-điện hiện đại, có khả năng hoạt động êm ái hơn, Washington sẽ cần điều chỉnh chiến thuật của mình nếu định đối đầu với bất cứ quốc gia nào có trong tay những vũ khí chiến tranh ngày càng tinh vi này.

Sự đáng sợ của tàu ngầm diesel-điện “siêu tàng hình”

Trên thực tế, mối đe dọa từ phía các tàu ngầm diesel “siêu tàng hình” trên khắp thế giới đã hiện hữu trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, những chiếc tàu mới sẽ được trang bị các vũ khí chống tàu tiên tiến và kết hợp với hệ thống đẩy không khí độc lập (AIP).

Điều đó khiến chúng gần như không thể bị phát hiện trong lòng đại dương.

Những điều xảy ra trong thời gian gần đây đã cho thấy quá rõ những thách thức mà Mỹ và các lực lượng hải quân khác đang phải đối mặt trước các loại tàu ngầm "tàng hình”, được vũ trang hạng nặng.

Từ năm 2005, Hải quân Mỹ đã nhận ra thách thức trước mắt, họ tìm tới bạn bè và đồng minh để được trợ giúp.

Trong năm đó, HMS Gotland – một chiếc tàu ngầm AIP hiện đại của Hải quân Thụy Điển, đã được điều đến California suốt 1 năm để tham gia huấn luyện cùng tàu chiến Mỹ.

Mục đích là nhằm kiểm tra những tác động mà loại tàu như Gotland có thể gây ra với nhóm tác chiến tàu sân bay và các tàu chiến quan trọng khác của Mỹ.


Tàu ngầm Gotland đã trở thành nỗi khiếp sợ của tàu sân bay Mỹ trong cuộc tập trận.

Tàu ngầm Gotland đã trở thành "nỗi khiếp sợ" của tàu sân bay Mỹ trong cuộc tập trận.

Kết quả là chiếc tàu ngầm, với chi phí sản xuất rẻ hơn nhiều so với các tàu ngầm hạt nhân tấn công tiêu chuẩn Mỹ, đã “đánh chìm” nhiều tàu ngầm hạt nhân tấn công nhanh, tàu khu trục, khinh hạm, tàu tuần dương của Mỹ.

Thậm chí, nó còn tiến được vào “vùng báo động đỏ”, vượt qua lớp phòng thủ chống ngầm cuối cùng của nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ.

Trong một cuộc tập trận quy mô lớn với tàu sân bay USS Ronald Reagan mới toanh của Mỹ, chiếc tàu ngầm bé nhỏ của Thụy Điển đã tiến hành nhiều đợt tấn công và rút lui chớp nhoáng nhằm vào con tàu khổng lồ này.

Hải quân Mỹ đã phải thừa nhận rằng chiếc tàu ngầm Thụy Điển êm ái tới mức các cảm biến của họ không thể phát hiện nổi.

Cũng may đó chỉ là những cuộc tập trận để các lực lượng tác chiến Hải quân Mỹ hiểu rõ về mối đe dọa mà họ phải đối mặt.


Tàu ngầm lớp Song của Trung Quốc

Tàu ngầm lớp Song của Trung Quốc

Tình huống chạm trán thực sự đã xảy ra với Hải quân Mỹ vào năm 2006.

Khi đó, một tàu ngầm tấn công lớp Song của Trung Quốc đã bám đuôi tàu sân bay USS Kitty Hawk của Mỹ ở biển Hoa Đông, gần Okinawa mà không bị phát hiện.

Đáng chú ý là, tàu ngầm lớp Song này được chế tạo dựa trên một phần công nghệ Nga, Phương Tây và không tiên tiến như tàu ngầm Gotland, chẳng hạn như tàu ngầm lớp Song không có hệ thống AIP.

Mặc dù hoạt động theo dõi như vậy không phải hiếm khi xảy ra nhưng tàu ngầm Trung Quốc đã “gây sốc” cho Hải quân Mỹ khi nó nổi lên cách tàu sân bay Kitty Hawk chỉ vài km, trong tầm bắn của ngư lôi tàu ngầm.

Các quan chức Mỹ sau đó xác nhận rằng tàu ngầm Trung Quốc đã không bị phát hiện khi nó tiếp cận gần tàu sân bay và các tàu hộ tống của Hải quân Mỹ.

“Sát thủ” đến từ Nga

Đối với Washington, mối đe dọa hiện nay là Nga đang tăng cường phát triển các loại tàu tương tự, thậm chí còn nguy hiểm hơn.

“Khả năng tàng hình của tàu ngầm diesel-điện lớp Lada vượt xa những tàu ngầm tiền nhiệm” – Giám đốc điều hành nhà máy đóng tàu Admiraty Alexander Buzakov khẳng định trước báo giới.

Theo ông Buzakov, những chiếc tàu mới thậm chí có khả năng tàng hình cao hơn các tàu ngầm Kilo – một trong những lớp tàu diesel-điện êm ái nhất trên thế giới, được mệnh danh là “hố đen đại dương” do có khả năng “biến mất” trước các hệ thống sonar.

Những chiếc tàu Lada duy trì được khả năng ít bị phát hiện là do các kĩ sư Nga đã áp dụng công nghệ tránh phản xạ âm thanh thế hệ mới.


Tàu ngầm lớp Lada của Nga được khẳng định yên tĩnh hơn cả tàu ngầm Kilo

Tàu ngầm lớp Lada của Nga được khẳng định yên tĩnh hơn cả tàu ngầm Kilo

Ngoài ra, trong quá trình thiết kế và chế tạo tàu ngầm mới, đội ngũ phát triển của Nga đã thu thập được nhiều dữ liệu có giá trị, cho phép họ cải tiến cả các tàu ngầm lớp Kilo.

Các tàu ngầm lớp Lada được thiết kế để bảo vệ bờ biển trước mối đe dọa từ tàu mặt nước và tàu ngầm của đối phương. Chúng cũng có thể thực hiện các nhiệm vụ do thám, tình báo, trinh sát và đóng vai trò như một tàu mẹ cho lực lượng đặc nhiệm.

Với hệ thống đẩy không khí độc lập mới, tàu ngầm Lada có thể duy trì hoạt động dưới nước tới 25 ngày.

Về vũ khí, Lada là lớp tàu ngầm phi hạt nhân đầu tiên trên thế giới được trang bị các ống phóng chuyên dụng để bắn tên lửa hành trình.

Giới thiệu tàu ngầm lớp Lada/ Nguồn: Military Today (Amur là phiên bản xuất khẩu của tàu ngầm đề án 677 lớp Lada)

Vậy Hải quân Mỹ nên làm gì trước thách thức này? Họ nên bắt đầu bằng cách đầu tư nhiều hơn vào tác chiến chống ngầm.

Các phương pháp phát hiện tàu ngầm mới có thể sẽ hứu ích, dù chúng cũng có thể được đối phương sử dụng để chống lại chính tàu ngầm Mỹ.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà phân tích Harry J. Kazianis.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại