Mỹ dùng chiêu trò gì để mua được tên lửa S-300 của Nga?

Đại tá Trần Danh Bảng |

Tờ Defence News (Tin tức quốc phòng) của Mỹ có một ngày bội thu, vì lượng báo in tăng đột biến. Đó là 16/04/1995 khi đưa tin “ Mỹ chuẩn bị nhận tổ hợp tên lửa S-300 của Nga”.

LTS: Vào thời điểm cuối năm 2015, đầu năm 2016, báo chí đưa tin dày đặc, rằng Nga bán dòng tên lửa phòng không S-300 tối tân cho I-ran.

Luồng tin ăn khách này khiến cho Mỹ và NATO bồn chồn lo lắng. Họ ráo riết tìm mọi cách làm rõ chi tiết các thương vụ này và tìm mọi cách để đối phó.

Tên lửa S-300 có tính năng rất tốt, điều này có thể chứng minh được, khi nhớ lại sự kiện cách đây gần 25 năm, nước Mỹ đã tìm mọi cách để mua bằng được một  “bộ” tên lửa S-300.

Những tình tiết bất ngờ và hấp dẫn của thương vụ này đã được Đại tá Trần Danh Bảng hé lộ qua 2 bài viết đặc sắc. Xin trân trọng được giới thiệu cùng bạn đọc.

Bài 1: Vì sao Mỹ quyết mua bằng được tên lửa phòng không S-300V của Nga?

Bài 2: Mỹ dùng chiêu trò gì để mua được tên lửa S-300 của Nga?

Nga đã bán S-300!

Lý sự của Tổng công trình sư S-300 rất chắc. Ông kể, tôi nói với Chính phủ, các anh phải tin tưởng các nhà khoa học, cha đẻ của các Tổ hợp vũ khí. Chúng tôi biết rõ đồ do mình làm ra, “nên bán cái nào, cái gì bán được, cái nào không được bán”.

Tôi đích thân 3 lần đến gặp Kosoxin cựu Thủ tướng thứ nhất, phụ trách các vấn đề quân sự trình bày ý định xin bán “nó”. Nói thì nhanh, mãi tới mùa hè 1994, cuối cùng vẫn phải là Tổng thống En-xin. Tổng thống quyết. Bán!

Tờ Defence News (Tin tức quốc phòng) của Mỹ có một ngày bội thu, vì lượng báo in tăng đột biến. Đó là 16 tháng 4 năm 1995, khi đưa tin “ Mỹ chuẩn bị nhận tổ hợp tên lửa S-300 của Nga”.

Bài viết có đoạn: “Có tên lửa S-300 từ “cựu thù”, người Mỹ sẽ nghiên cứu, săm soi, phân tích đến từng “giẻ xương”, một trong những vũ khí hiện đại nhất của nước Nga.

Điều này kín đến phút chót, Công ty xuất khẩu Nga Rosoboronexport không công bố giá bán. Nhưng tin lại rò rỉ từ Quốc hội Mỹ, giá 1 tổ hợp S-300 phải trả cho Nga lên đến 290 triệu USD! Sau lại có tin, chỉ có 120 triệu USD đến được nước Nga.


Tổ hợp tên lửa S-300VM của Nga.

Tổ hợp tên lửa S-300VM của Nga.

Các phòng thiết kế và nhà máy sản xuất S-300 chỉ được nhận vỏn vẹn 40 triệu USD. Những người thạo tin thầm thì, các công ty “lái súng” và môi giới đã “cưa đôi” nhiều khoản béo bở, dưới danh nghĩa tiền thưởng.

Đại tá, nhà báo Victo Baranhet viết trong cuốn “Bí mật Bộ tổng tham mưu” rằng: Tin dữ, đến nỗi cơ quan điều tra Nga FSB đã phải ra tay… Nhưng các kết quả điều tra lại hướng tiến gần đến chân tường “nhà trắng” và Kremli.

Điều tra chững lại, “bùn được đánh sang ao” nói như ngạn ngữ phương Đông.

Mỹ muốn có S-300 “tươi” vừa xuất xưởng. Để ăn chắc, Mỹ rất cần chuyển trước radar định vị và đài dẫn bắn, ở đó có các thuật toán điều khiển tối quan trọng.

Có những ý kiến ngờ vực, nào là đài nọ “độ” lại, đài kia không nguyên bản chắp vá, nào xe phóng kéo từ trường bắn Kasputin và Ashuluk về đại tu… Nhưng rồi Mỹ khẳng định, hàng xuất xưởng thực sự.

Người Mỹ hân hoan, “bỏ tiền tươi, rước hàng độc” về , họ chẻ ra từng thứ, “làm thịt” pha từng khối máy, mạch điện đến từng linh kiện. Nỗi niềm vui chẳng được bao lâu.

Tin độc do DIA báo từ Moscow về, giữa lúc các nhà khoa học quân sự Mỹ đang lên sơ đồ nguyên lý chế tạo, mổ xẻ công nghệ. Tin nóng đến “ngửa người”: “Trong thời gian rất ngắn, Almaz-Antey đã cho ra phiên bản Tổ hợp S-300 mới coóng, có tên S-300PMU”.


Tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU2 Favorit của Nga.

Tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU2 Favorit của Nga.

Lại thế này nữa: Thuật toán và nguyên lý điều khiển của nó khác hẳn về chất so với S-300V! Phiên bản S-300PMU mới, năng lực của radar được tăng cường rất cao, có thể theo dõi đến 300 mục tiêu.

So với đời đầu chỉ đạt 100 mục tiêu theo dõi và ngắm bắn chỉ 12 tốp cùng lúc! Loại tên lửa này có khả năng đánh chặn tất cả mục tiêu trên không (máy bay, trực thăng, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo) ở mọi độ cao trong điều kiện bị đối phương chế áp điện tử mạnh.

Cho phép đánh chặn mọi loại mục tiêu bay với tốc độ lên đến 2.800 m một giây! S-300PMU lại thực hiện phóng nguội giai đoạn đầu với rất nhiều ưu điểm, trong đó có khả năng bắn xa hơn.

Từ tiền lệ đau đớn

Trước bối cảnh khối Đông Âu, Liên Xô sau gần 10 năm suy sụp. Mỹ không dừng lại ở đó. Nhiều chiến dịch săm soi, "khảo cổ" công nghệ quân sự được tiếp tục tiến hành ở nhiều nước để làm sao có S-300PMU.

Có kết quả nhất định: Chiến tích đầu tiên là Mỹ có trong tay Tổ hợp radar Iskra (Tia lửa), ở Zaporozhye (Ukraine) có khả năng phát hiện và định vị máy bay và tên lửa hành trình từ rất xa.

Sau năm 1999, chẳng biết làm thế nào mà DIA còn có một số bộ phận của S-300PMU "kiếm được" ở Belarus. Các tướng lĩnh hàng đầu và chỉ huy Lực lượng phòng không - không quân (PVO) của Nga đau lắm.

Nhưng họ cũng an ủi phần nào, vì hệ thống radar hiện đại kết cấu kiểu chân đế, gắn với cabin điều khiển, cho phép điều khiển cả đạn có đầu hạt nhân, may mà vẫn giữ được, chưa bị bán!

Người Mỹ vẫn tỏ ra bền bỉ, đeo bám các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, như Kazaktan, Belarus, Ukraine…Tại đó, như trên trường bắn Sarasagan (Kazaktan), vẫn còn rải rác khí tài S-300PMU.

Việc mua, hay đổi với nước ngoài Minxco và Ama-Ata không hề báo cho Nga biết. Trước đó, để phòng ngừa, các bên và Nga đã cẩn thận kẹp chì, rồi hàn chặt tất cả các cửa của cabin, kể cả cửa thông gió của khí tài.

Đến khi các nước tới kéo các "xe" này từ bãi thử về một nơi, tháo kẹp chì và mối hàn, thì ác thay, các khối máy quý hiếm đã "không cánh mà bay".

Hóa ra, có kẻ nào đó đã khôn ngoan dùng mỏ hàn "tháo từ đáy". Có dư luận cho rằng, linh kiện của Nga có nhiều vật liệu bằng vàng thật, bằng bạch kim. Dân "đào vàng" thính mũi nghe theo các kỹ thuật viên lương thấp trong quân đội đã bảo nhau chôm, chỉa.

Đến lúc này Belarus ngậm ngùi chia cho Kazaktan chút tiền an ủi, rồi kéo máy "được chia" về công ty AGAT sửa chữa, nâng cấp. Từ đây sinh ra một giới "cò" linh kiện quý hiếm. Họ mua chui từ các nhà máy của Nga, những linh kiện, chi tiết với giá rất rẻ.

Có tin DIA đặt giá cho "ai đó", nếu khôi phục được S-300PMU, thì họ sẽ trả tới 190 triệu USD! Một cục tiền hấp dẫn.

Người Nga biết phải làm gì trước. Lập tức khối máy 13-YUG, một tổ hợp thuật toán, là trung tâm thần kinh tinh túy của S-300PMU, đặt hàng sản xuất ở Levob được đặc nhiệm Nga bảo vệ nghiêm ngặt suốt hành trình về tới Moscow, họ mới yên tâm.

Nga lý giải, mất bộ phận này, toàn bộ S-300PMU của Nga bị phơi bày. Nga cẩn thận không thừa.

Nhưng có tin Ucraina đã sản xuất được khối máy 13-YUG, bán cho Belarus với mác dán "made in Ukraine". Tình báo Nga khẳng định, Minxk thực sự đã có khối máy này.

Chẳng bao lâu, 1 container chứa 13-YUG  bí mật được chở tới căn cứ Hantexvile của Mỹ tại Canada. Thế là sau khi mất bao công sức, người Mỹ đã có S-300PMU.

Điều đau đớn lớn nhất cho nền công nghiệp quốc phòng Nga khi đó là, do sợ lộ, Nga không đăng ký bản quyền S-300PMU.

Mỹ khôn ngoan hơn, làm việc đăng ký "phát minh", "sáng chế", đến tận chi tiết từng "con ốc", loại khí tài tương tự tính năng như S-300PMU. Đến cuối thập kỷ 90, Nga định triển lãm dòng S-300PMU2, thì ngớ người ra, tên thánh của nó bị người ta làm ô uế.

Mỹ đã có chứng nhận sáng chế nó từ 1997? Thế là bằng cách đăng ký bản quyền, người Mỹ đã phong tỏa hẳn hướng phát triển loại khí tài danh giá, mà Nga đã bao năm mất nhiều công sức làm ra nó.

Ký sự S-300 bị bán chưa kết thúc. Cũng thời điểm này, ngoài nước Nga là Cộng hòa Séc, thành tố thuộc khối Vacsava trước đây, người Mỹ cũng đã mua được radar thụ động Vera-E.

Sau này việc bán vũ khí Nga chẳng có gì lạ. Có cả chuyện hai tàu sân bay là Minsk và Norovoxisk, chuẩn bị được bán.

Nhưng trên đó còn nguyên các radar định vị không - biển, dưới ngầm, vũ khí chống tàu ngầm "Gió lốc", cùng hàng chục khối, tủ cực mật, còn nguyên kẹp chì.

Chúng chứa các "cốt", các "lệnh" và nhiều cấu trúc độc đáo của công nghiệp quốc phòng. Theo điều lệ tác chiến CCCP (Liên Xô) trước đây, nếu tháo "chúng" để bảo quản, sửa chữa, phải được cấp Bộ Quốc phòng phê chuẩn, nếu xâm phạm nó sẽ bị truy tố…

Nhưng vào thời En-xin, tất cả bị "tát nước theo mưa" cùng các hợp đồng thanh lý ký duyệt từ cấp Chính phủ!


Tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Triumf của Nga.

Tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Triumf của Nga.

Kết

Nước Nga dần tỉnh giấc, chỉ có thể tiến lên, mới giành ưu thế vũ khí. Giờ đây Tập đoàn Almaz-Antey đã phát triển S-300 thành là phiên bản cải tiến với nhiều tính năng mạnh mẽ hơn.

Hệ thống này là S-400 Triumf. Nó được biên chế từ tháng 4/2007. S-400 Triumf có khả năng theo dõi 300 mục tiêu và cùng lúc bắn hạ 36 mục tiêu trong đó.

Đặc biệt, S-400 đủ sức hạ gục những «"tên lửa chiến lược có tầm bắn" tới 3.500 km, gấp gần 4 lần hệ thống Patriot của Mỹ.

S-400 là một tổ hợp tên lửa đa tầm. Nó có thể hạ mục tiêu máy bay ở độ cao 27 km hoặc các mục tiêu tầm thấp, cách mặt đất chỉ từ 5 đến 10 m. Đây là đặc điểm mà không hệ thống tên lửa phòng không cùng thời của bất kỳ quốc gia nào làm được.

Năm 2015, tên lửa S-400 lần đầu tiên đã được điều đi hải ngoại, đó là Sirya, giăng lưới bảo vệ lực lượng Nga tại chiến trường nóng bỏng này.

Hôm nay, có rất nhiều nguồn tin, Nga sẽ bán S-400 cho Trung Quốc, Ấn Độ. Thổ Nhĩ Kỳ cũng từng kỳ vọng đặt mua hệ thống này. Máy bay Su-35 cũng là thứ "có giá" mà Nga có thể bán trong thời gian gần.

Nhớ lại câu chuyện "bán nỏ thần" S-300 của Nga trên đây, nhiều người lo lắng suy luận rằng, phải chăng nước Nga đang khó khăn, do giá dầu giảm, do bị bao vây sát gần từ nhiều phía, nên S-400, Su-35 cũng phải bán?

Chúng ta chỉ có thể tin vào lập luận của các Tổng công trình sư Nga. Họ có lý về những thứ họ làm ra. Tiến xa hơn, về hệ thống phòng thủ không gian-vũ trụ, người Nga đã công bố, họ sẽ có S-500, với nguyên lý và hiệu năng hơn hẳn các tổ hợp đã có.

S-500 được hy vọng như một hệ thống tên lửa phòng không thế hệ mới, sử dụng nguyên tắc giải quyết riêng biệt nhóm nhiệm vụ tiêu diệt các mục tiêu tên lửa đạn đạo và các phương tiện bay các loại.

Nhiệm vụ chính của hệ thống tên lửa là tiêu diệt các đầu đạn tên lửa đạn đạo tầm trung; tự động đánh chặn các tên lửa đạn đạo IRBM với tầm bắn đến 3500 km với tốc độ bay lên đến 5km/s.

Trong trường hợp cần thiết tiêu diệt các đầu đạn tên lửa đạn đạo ở giai đoạn cuối của quỹ đạo đường đạn hoặc trong một giới hạn nhất định, ở giai đoạn giữa.

Những hệ thống vũ khí này có thể bảo vệ các các khu vực dân cư, các thành phố lớn, công trình công nghiệp và các mục tiêu chiến lược đặc biệt quan trọng.

Ngoài ra S-500 cũng có nhiệm vụ tiêu diệt tên lửa hành trình siêu thanh, máy bay và UAV trên độ cao thông thường, tên lửa có tốc độ 5M trở lên.

Ngoài ra, nó có thể bắn hạ vệ tinh quỹ đạo thấp và các phương tiện bay mang vũ khí trên vũ trụ được phóng từ máy bay siêu thanh, các máy bay không người lái siêu âm và các hệ thống phóng vũ khí trên vũ trụ.

Nó là hệ thống phòng không - phòng thủ tên lửa cơ động, được tích hợp vào hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia cũng như tích hợp, chia sẻ thông tin với các tổ hợp TLPK tầm xa và tầm trung, cung cấp thông tin, truyền dữ liệu mục tiêu với các tổ hợp tên lửa tầm gần.

Theo kế hoạch, quá trình phát triển hệ thống S-500 hoàn tất trong năm 2015, năm 2017 hệ thống sẽ được tiến hành thử nghiệm cấp quốc gia. Đến đầu năm 2018, các hệ thống S-500 có thể từng bước được biên chế vào các đơn vị Phòng không và Phòng thủ vũ trụ.

Vật đổi sao rời, nước Nga bây giờ đã khác trước. Tổng thống Putin và các nhà lãnh đạo Nga đang quyết tâm lấy lại hình ảnh nước Nga với sức mạnh "Không cho phép ai coi thường". Chúng ta hãy chờ đợi và chứng kiến vũ khí Nga trong thực chiến.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại