3 thách thức lớn với bệnh nhân ung thư trong đại dịch Covid-19

Ngọc Anh |

Theo chuyên gia, bệnh nhân ung thư là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất trong dịch Covid-19. Trong thời điểm dịch bệnh, bác sĩ đã ghi nhận một số chuyện đáng tiếc của bệnh nhân ung thư.

Bệnh chuyển sang giai đoạn cuối

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến – Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết các bác sĩ của bệnh viện này đã tiếp nhận một bệnh nhân tuổi khoảng 60 mang một cái bụng như bụng bầu, khệ nệ.

Khi bác sĩ hỏi bệnh sử bệnh khởi phát bao lâu, tại sao không đến sớm mà để bụng to như thế? Bệnh nhân trả lời: Phát hiện bụng to dần 3 tháng nay lúc đầu còn nhỏ sờ thấy khối u trên bụng nhưng không đau và không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt hằng ngày nên không quan tâm vì nhà rất nghèo và vùng nông thôn xa xôi nên không đi khám.

Trong vài tuần gần đây bụng to nhanh và đau ngày càng mệt và khó thở, hàng xóm quyên góp được một số tiền khuyên nên đi thành phố điều trị. Tuy nhiên bệnh nhân lại do dự vì dịch Covid-19. 

3 thách thức lớn với bệnh nhân ung thư trong đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Hình ảnh ở BV K Trung Ương

Vài ngày nay bụng căng trướng không thở nổi tưởng như sắp chết tới nơi, mọi người bàn bạc đành quyết định thuê xe du lịch. Với số tiền ít ỏi được hàng xóm cho mà phải thuê xe đi, thuê phòng trọ cho người nhà nuôi vì bệnh viện không cho ăn nằm ở công viên bệnh viện để nuôi bệnh. Cộng thêm tiền chi phí điều trị khiến cho bệnh nhân muốn bỏ về nhưng vì bệnh quá nặng nên phải nhập viện.

Sau khi khám, bệnh nhân được chẩn đoán ung thư buồng trứng với dịch ổ bụng rất nhiều chèn ép khó thở phải mổ gấp.

Theo bác sĩ Tiến, đây là một trường hợp thường gặp của khoa điều trị ung thư. Vấn đề muốn nói ra là bệnh ung thư xảy ra trong cơn đại dịch của thế kỷ, với mức độ lan tràn khủng khiếp, tỉ lệ lây nhiễm cực cao và tử vong cực lớn.

Thách thức với bệnh nhân ung thư

Như vậy người bệnh ung thư bị ảnh hưởng thế nào trong cơn đại dịch, theo bác sĩ Tiến:

Thứ nhất, ảnh hưởng đến khám và điều trị cũng như lịch hẹn tái khám vì lệnh cách ly đi lại, mặc dù bệnh nhân hoàn toàn có thể đi lại khám chữa bệnh được nhưng nỗi sợ lây nhiễm cho bản thân và gia đình lúc nào cũng thường trực, với người nghèo thì việc tự túc di chuyển, chỗ ăn ở nuôi bệnh... luôn là khó khăn.

Thứ hai, ảnh hưởng đến phác đồ điều trị: khi điều trị bệnh ung thư phải dùng nhiều phác đồ điều trị như mổ- hóa- xạ- miễn dịch... thời gian điều trị kéo dài có thể vài tháng trời mới hoàn tất, trong thời gian này người bệnh ra về thường xuyên hơn, chính vì ngại dịch bệnh nên nhiều bệnh nhân không theo lịch hẹn hay bỏ điều trị làm phá hủy toàn bộ kế hoạch điều trị bệnh ung thư.

3 thách thức lớn với bệnh nhân ung thư trong đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

BS Nguyễn Văn Tiến

Thứ ba, ảnh hưởng đến tỉ lệ nhiễm bệnh và tỉ lệ tử vong cao với nhiều lý do: Do tiếp xúc với môi trường bệnh viện, do chịu tác động của các vũ khí điều trị cực mạnh làm suy giảm hệ thống để kháng miễn dịch không thể chống chọi nếu không may bị nhiễm virus.

Bác sĩ Tiến cho biết, chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân ung thư trong lúc khủng hoảng dịch bệnh này là một thách thức giữa một bên là nguy cơ tử vong do ung thư và một bên là cái chết do virus và khả năng tử vong cao hơn do bệnh Covid-19 trên người suy giảm miễn dịch trong đó có bệnh nhân ung thư.

Từ đầu mùa dịch đến giờ, có rất nhiều bệnh nhân và cả các bác sĩ ung thư đã hỏi bác sĩ nên làm như thế nào? "Đây cũng là trăn trở của tôi và các đồng nghiệp, vừa lo cho bệnh nhân ung thư vừa thiếu các bằng chứng khoa học cần thiết vì chủng virus còn quá mới mẻ"- bác sĩ Tiến tâm sự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại