Song, theo vị quan chức Mỹ giấu tên, động thái trên của Mỹ là nhằm tăng cường năng lực quân sự, sau khi Mỹ rút thêm quân khỏi khu vực chứ không liên quan tới vụ việc một nhà khoa học quân sự hàng đầu của Iran vừa mới qua đời sau một vụ ám sát ở ngoại ô thủ đô Tehran.
CNN dẫn lời quan chức Lầu Năm góc giấu tên cho biết hôm 27/11, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz dẫn đầu là tàu sân bay USS Nimitz được một số tàu khu trục tên lửa dẫn đường hộ tống sẽ sớm nối lại hoạt động ở vịnh Péc-xích.
Nhóm tác chiến tàu sân bay sẽ “hỗ trợ chiến đấu và bảo vệ trên không khi các binh sĩ Mỹ rút quân khỏi Iraq và Afghanistan” cho tới giữa tháng 1/2021 theo lệnh của Tổng thống Donald Trump.
Dàn chiến đấu cơ hoạt động trên tàu sân bay USS Nimitz của hải quân Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Cũng theo vị quan chức Mỹ, quyết định điều động nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz tới vịnh Péc-xích được đưa ra trước thời điểm có thông tin nhà khoa học Iran Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát vào sáng ngày 27/11. Nói cách khác, việc tàu sân bay USS Nimitz được điều động tới vịnh Péc-xích không có liên quan tới cái chết của nhà khoa học Iran.
Song cũng theo quan chức Mỹ, sự xuất hiện của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz sẽ gửi đi “thông điệp về khả năng ngăn chặn tăng cường” của Mỹ đối với Iran, quốc gia đã thề sẽ có hành động đáp trả “khốc liệt” đối với thủ phạm gây ra cái chết của ông Fakhrizadeh.
Ông Fakhrizadeh lâu nay bị giới tình báo phương Tây nghi ngờ là người đứng đầu chương trình phát triển bom hạt nhân của Iran. Cái chết của ông này có thể làm gia tăng thêm căng thẳng giữa Mỹ và Iran trong những tuần cuối nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump.
Iran đã lên tiếng chỉ trích Israel đứng đằng sau cái chết của nhà khoa học Fakhrizadeh. Ngoài ra, Iran cũng cho rằng, cái chết của ông Fakhrizadeh là điều mà Tổng thống Trump mong muốn trước khi rời khỏi Nhà Trắng.
Trước đó, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz đã rời khỏi vịnh Péc-xích hồi đầu tháng 11 để lên đường đi huấn luyện trên Ấn Độ Dương với hải quân Australia, Ấn Độ và Nhật Bản.
Sau khi đợt tập trận chung kết thúc, các chiến hạm Mỹ sẽ trở về “sân sau” của Iran, nơi Washington đã cho tăng cường sự hiện diện quân sự trong suốt nhiệm kỳ của Tổng thống Trump.
Dù vị quan chức Lầu Năm Góc giấu tên nhấn mạnh, sự trở lại của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz không liên quan tới vụ ám sát nhà khoa học Fakhrizadeh, nhưng đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc đã đưa ra cảnh báo về việc Tehran sẽ có phản ứng trước mọi hành động phiêu lưu từ phía Washington hoặc Tel Aviv.
Ngoài ra, Iran thề sẽ “thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ người dân và đảm bảo lợi ích quốc gia”.