Căng thẳng bao trùm Trung Đông sau cái chết của nhà khoa học hạt nhân Iran

Hồng Nhung |

Iran đã chỉ đích danh Israel là thủ phạm gây ra cái chết của nhà khoa học hạt nhân trong khi Israel một mực chối bỏ. Cộng đồng quốc tế kêu gọi các bên liên quan kiềm chế.

Hiện trường vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Iran. Ảnh: NBC News

Hiện trường vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Iran. Ảnh: NBC News

Không còn ám chỉ, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã trực tiếp quy kết trách nhiệm về cái chết của nhà khoa học hạt nhân hàng đầu nước này cho Israel, đồng thời tuyên bố sẽ có phản ứng phù hợp và kịp thời. Tuy nhiên, ông Hassan Rouhani nhấn mạnh, Iran sẽ không vội vã đưa ra các quyết định mà sẽ có sự cân nhắc và tính toán.

Tổng thống Iran cũng khẳng định, việc nhà khoa học hạt nhân Iran bị ám sát sẽ không làm chậm lại chương trình hạt nhân của nước này.

Trước đó, trong một dòng trạng thái đăng tải trên trang Twitter cá nhân, Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei đã kêu gọi trừng phạt những kẻ gây ra cái chết của nhà khoa học này. Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cùng ngày kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án vụ việc.

Vụ nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran bị sát hại cũng đã làm dấy lên các cuộc biểu tình tại Iran. Nhiều người biểu tình hôm qua đã tụ tập bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Tehran để lên án vụ việc và yêu cầu nhà chức trách nhanh chóng có hành động.

Trước cáo buộc của phía Iran, các cơ sở ngoại giao của Israel trên khắp thế giới đã ngay lập tức được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ. Giới chức Israel cũng đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc.

Bộ trưởng Nội các Israel Tzachi Hanegbi – một trong những nhân vật thân cận với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nhấn mạnh rằng, không có bằng chứng nào cho thấy, Israel đứng đằng sau vụ việc này.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres và Văn phòng ngoại vụ Đức hôm qua kêu gọi các bên kiềm chế, tránh làm leo thang căng thẳng, ảnh hưởng tới đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran. Theo Văn phòng ngoại vụ Đức điều quan trọng lúc này là bảo vệ khuôn khổ đàm phán để có thể giải quyết chương trình hạt nhân Iran thông qua thương lượng.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Syria gọi vụ sát hại nhà khoa học hạt nhân Iran là một “hành động khủng bố”, đồng thời cảnh báo vụ việc có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Bộ Ngoại giao Qatar, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng lên án vụ sát hại nhà khoa học Iran và kêu gọi các bên kiềm chế.

Giới phân tích nhận định, vụ việc sẽ khiến khu vực Trung Đông, vốn tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn càng thêm căng thẳng, đồng thời tác động không nhỏ đến tương lai của thỏa thuận hạt nhân Iran.

Ông Abbas Aslani – một nhà chính trị Iran nói: “Vụ việc không chỉ gây căng thẳng khu vực mà còn ảnh hưởng tương lai thỏa thuận hạt nhân Iran, khiến các bên tham gia thỏa thuận khó khăn trong việc thực hiện cam kết cũng như khôi phục giải pháp ngoại giao, cứu vãn thỏa thuận”.

Nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát trong một vụ tấn công bằng bom xe và xả súng ở thành phố Absard thuộc khu vực Damavand, miền Đông Iran ngày 27/11.

Theo nguồn tin an ninh phương Tây, ông Fakhrizadeh được xem là người có vai trò cực kỳ quan trọng trong chương trình hạt nhân Iran. Một tài liệu mật của Israel năm 2018 đã nói rằng ông Fakhrizadeh chính là người dẫn dắt chương trình xây dựng vũ khí hạt nhân của Iran.

Trong khi tờ New York Times năm 2015 từng ví nhà khoa học Fakhrizadeh với nhà vật lý học Robert Oppenheimer – công trình sư của dự án Manhattan về vũ khí nguyên tử trong chiến tranh thế giới thứ 2./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại