Hơn 1/3 thời gian trong đời chúng ta dành cho việc ngủ. Ngủ đủ giấc và ngủ ngon không chỉ giúp các cơ quan trong cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ mà còn tạo nền tảng tốt cho sức khỏe để hoàn thành công việc ngày hôm sau. Do đó, có thể khẳng định rằng chất lượng giấc ngủ có mối liên hệ mật thiết đến sức khỏe. Chất lượng giấc ngủ kém và thời gian ngủ bị rối loạn trong thời gian dài có thể khiến khả năng miễn dịch của cơ thể suy giảm, đẩy nhanh quá trình lão hóa, rối loạn nội tiết và nảy sinh nhiều bệnh tật.
Không chỉ thế, trong những năm gần đây, nhiều nghiên cứu và khảo sát đã chỉ ra rằng thời gian dành cho việc ngủ cũng ảnh hưởng trực tiếp tới tuổi thọ của chúng ta. Lúc này, câu hỏi đặt ra sẽ là: Vậy thời gian nào là tốt nhất để đi vào giấc ngủ? Và ngủ bao nhiêu tiếng/ ngày sẽ sống thọ hơn?
Theo đó, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này và đưa ra lời khuyên rằng ngủ 7-8 giờ là tốt cho sức khỏe và tuổi thọ của chúng ta. Con số này dường như trở thành quy luật cho giấc ngủ của tất cả mọi người.
Tuy nhiên, con số này chưa thực sự chuẩn xác vì mỗi người có thể trạng và lối sống khác nhau, nên không phải ai cũng cần được ngủ cùng lượng thời gian nhất định. Thực tế theo một cuộc điều tra, người ta phát hiện trẻ em từ 1 – 3 tuổi cần tới 14 – 16 giờ ngủ một ngày, từ 14 – 20 tuổi cần ngủ 8 -9 tiếng/ ngày và 20 tuổi trở lên chỉ cần 7 – 8 tiếng mà thôi.
Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia (Mỹ) cũng cho biết rằng thời lượng ngủ của chúng ta sẽ phụ thuộc vào từng giai đoạn trong 9 giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Đó là trẻ mới sinh (0 - 3 tháng tuổi), trẻ sơ sinh (4 - 11 tháng), trẻ mới biết đi (1 - 2 tuổi), mầm non (3 - 4 tuổi), tuổi đi học (5 - 12 tuổi), thiếu niên (13 - 17 tuổi), thanh niên (18 - 25 tuổi), người trưởng thành (25 - 65 tuổi) và người cao tuổi (trên 65 tuổi).
Cụ thể, các tổ chức nghiên cứu về giấc ngủ uy tín đã đưa ra các khuyến cáo thời gian ngủ hợp lý theo lứa tuổi như sau:
Trẻ mới sinh cần 20h/ngày, càng lớn thời gian ngủ của trẻ càng giảm, đến 6 tuổi trẻ cần 10h - 12h/ ngày để ngủ. Với thanh thiếu niên (14-17 tuổi) cần ngủ 8 - 10h/ngày. Thanh niên và người trưởng thành (18-64 tuổi) cần ngủ 7 - 9h/ngày. Người già (trên 65 tuổi) cần ngủ 7 - 8h/ngày.
Bàn về vấn đề này, bác sỹ y học về giấc ngủ Tracey L. Stierer, MD cũng cho biết trẻ mới sinh và trẻ nhỏ cần ngủ nhiều hơn người lớn do các quá trình hỗ trợ sự phát triển và tăng trưởng thần kinh. Khi chúng ta trưởng thành, nhu cầu về giấc ngủ không thay đổi đáng kể.
Từ những con số này, mọi người nên có thói quen sinh hoạt điều độ, đi ngủ và thức dậy đúng giờ để đồng hồ sinh học của cơ thể quen dần với khung thời gian này. Nếu nhịp công việc và sinh hoạt bắt đầu lúc 5-7h , bạn nên đi ngủ trong khoảng 22-23h. Thanh thiếu niên cố gắng lên giường lúc 21-22h. Nếu trẻ nhỏ thức dậy vào 7-8h, ba mẹ có thể cho con đi ngủ trong khoảng 19-20h. Trẻ mới biết đi và trẻ mầm non đi ngủ lúc 19-21h.
Bạn cũng có thể ngủ dễ hơn và ngủ đúng giờ khi thực hành những mẹo sau đây:
1. Điều chỉnh nhiệt độ phòng
Nhiệt độ phòng quá cao có thể khiến bạn bị khó ngủ. Do đó, hãy điều chỉnh nhiệt độ phòng ở mức mát mẻ trong khoảng 60 – 67 ° F (15,6 – 19,4 ° C). Do mỗi người sẽ thích một nền nhiệt khác nhau, vì vậy, bạn nên chọn một nhiệt độ phòng phù hợp với cơ thể mình.
2. Không dùng thiết bị điện tử trước khi ngủ
Bóng tối hoàn toàn rất cần thiết vì ánh sáng gây ức chế các hormon ngủ cũng như tăng nhiệt độ cơ thể bằng cách sản xuất hoóc- môn cortisol làm bạn có cảm giác tỉnh táo. Nhiều người có thói quen kiểm tra mạng xã hội hoặc để giải trí trước khi đi ngủ. Tuy nhiên, những thiết bị này sẽ kích thích não của chúng ta trở trên hưng phấn, khó vào giấc ngủ hơn. Vì vậy, để ngủ ngon hơn, bạn không nên sử dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ.
3. Tập yoga hoặc thiền
Tình trạng căng thẳng có thể khiến bạn khó đi vào giấc ngủ. Do đó, việc ngồi thiền, tập yoga là những công cụ giúp xoa dịu tâm trí, thư giãn cơ thể và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
(Tổng hợp)