"Đấu" với F-22 Mỹ, chưa cần tới Su-57
Các Lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga (VKS) sẽ sớm tiếp nhận những chiếc tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Su-57 đầu tiên với cấu hình hoạt động đầy đủ.
Là một phương tiện bay hiện đại được phát triển từ hơn một thập kỷ nay, Su-57 Nga vẫn được ca ngợi như một đối thủ xứng tầm, thậm chí "trên cơ" so với J-20 Trung Quốc và F-22 Raptor Mỹ. Tuy nhiên, trên thực tế, không nhiều người nhận thức được mục đích thực sự của chương trình Su-57: nó không chỉ dừng lại ở vai trò cạnh tranh này.
Bởi vậy, đã có rất nhiều câu hỏi được đặt ra khi VKS chỉ có kế hoạch mua 12 chiếc Su-57 trong đơn hàng đầu tiên, một con số khá khiêm tốn và có phần đối nghịch với số lượng vài chục chiếc J-20 mà Không quân Trung Quốc tiếp nhận chỉ trong 2-3 tháng hay như việc Không quân Mỹ đặt mua tới 183 chiếc F-22 Raptor ngay trong đơn hàng thứ nhất.
Lý do Nga đưa ra một đơn hàng ở mức chừng mực như vậy xuất phát từ mục đích thực sự khi chế tạo Su-57, nó hoàn toàn khác so với hai đối thủ kia. Ngay từ những dự tính ban đầu, chương trình Su-57 của Nga đã đặt ra những mục tiêu khác biệt so với chương trình F-22 Raptor của Mỹ.
Thế nhưng, mục đích thực sự của Chương trình Su-57 và vai trò của dòng máy bay chiến đấu này trong việc hiện thực hóa các nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Nga thường bị hiểu sai.
Trước hết, cần phải thấy rằng, ở thời điểm hiện tại Nga không hề có nhu cầu cấp thiết về Su-57. Các mạng lưới phòng không tân tiến của nước này và các phi đội máy bay chiến đấu thế hệ 4++ nâng cấp, cùng với sự hỗ trợ của các công nghệ tác chiến điện tử tiên tiến đã là quá đủ để đạt được sức mạnh ngang tầm với phương Tây.
Thực tế đã chứng minh, các phương tiện chiến đấu hiện đại của phương Tây đã phải rất cẩn trọng hoặc không dám trực diện thách thức các máy bay Nga một cách công khai ở Syria, Đông Âu, Thái Bình Dường hay rất nhiều nơi khác nữa.
F-22 Raptor của Không quân Mỹ. Ảnh: Business Insider
Trọng tâm đặt vào thế hệ 6
Việc Su-57 vẫn còn đang trong tiến trình phát triển là bởi các mục tiêu cuối cùng mà chương trình này đặt ra cực kỳ tham vọng, xa hơn nhiều dự án Raptor của Mỹ.
Hiện tại, mặc dù đã có thể sẵn sàng chiến đấu và nếu được triển khai ra chiến trường, Su-57 cũng sẽ vượt qua tất cả các dòng máy bay khác của Nga về khả năng giành ưu thế trên không nhưng trong những năm tới đây, mẫu tiêm kích tàng hình này sẽ còn tiếp tục được hoàn thiện, nâng cấp.
Ngay ở giai đoạn chế tạo ban đầu, Su-57 cũng đã hội tụ đủ khả năng của một máy bay chiến đấu thế hệ 5 tân tiến, có thể sáng ngang với Raptor của Mỹ, như trường hợp 12 chiếc trong đơn hàng đầu tiên.
Tuy nhiên, Quân đội Nga bắt đầu chương trình Su-57 với một tham vọng lớn hơn nhiều. Mục tiêu cuối cùng của Su-57 là phải đủ sức làm đối trọng với chương trình máy bay tiêm kích thế hệ 6 mà Mỹ đang phát triển với tên gọi F/A-XX để thay thế cho Raptor, và như thế Su-57 sẽ phải mất ít nhất một thập kỷ hoặc lâu hơn nữa để phát triển.
Ở giai đoạn giao thời, Su-57 sẽ được đưa vào biên chế với số lượng nhỏ và thậm chí là xuất khẩu nhưng sẽ phải mất nhiều năm nữa trước khi dòng máy bay này đạt tới tầm công nghệ đủ độ phức tạp để Nga bắt tay vào chế tạo số lượng lớn hơn.
Các tổ hợp tác chiến điện tử, khả năng tàng hình, động cơ thế hệ kế tiếp, vũ khí năng lượng và siêu vượt âm, laser làm mù tên lửa phòng không đối phương là những hệ thống mà một biến thể thế hệ 6 hoàn thiện của Su-57 chắc chắn sẽ được triển khai.
Đồ họa mẫu máy bay tiêm kích thế hệ 6 mà Mỹ đang phát triển với tên gọi F/A-XX
Ở thời điểm hiện tại Nga chưa cần phải có một số lượng quá lớn các máy bay Su-57 để tự bảo vệ mình hay duy trì cán cân sức mạnh với phương Tây. Các công nghệ của Su-57 như radar AESA và tên lửa không đối không K-77 có thể được tích hợp vào các loại máy bay khác như MiG-35 để thu hẹp khoảng cách giữa dòng 4++ của Nga và máy bay thế hệ 5 của Mỹ.
Tuy nhiên, trong tương lai không xa, Moscow sẽ phải cần tới một dòng máy bay thế hệ 6 chiếm ưu thế trên không đủ khả năng đối trọng với mẫu cùng loại mà hiện Không quân Mỹ đang đặt ra rất nhiều kỳ vọng.
Bằng cách đặt ra mục tiêu cao và tập trung nguồn lực phát triển Su-57 thành một tiêm kích thế hệ 6 càng nhanh càng tốt, Nga có thể từ chỗ ở vị thế gần tương đương Mỹ hiện nay chuyển sang vị trí sánh ngang hàng với Mỹ một khi máy bay thế hệ 6 đi vào hoạt động. Đây mới chính là yếu tố làm thay đổi cuộc chơi.
Su-57 được thiết kế không phải chỉ để tạo ra cuộc cách mạng về tác chiến trên không cho quân đội Nga ở thời điểm hiện tại, nó còn phải đảm đương những vai trò quan trọng hơn nhiều trong tương lai.
Vậy nên, việc các Lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga đặt mua 12 chiếc trong đơn hàng đầu tiên, có lẽ cũng đã đủ dùng cho các nhiệm vụ hiện nay.
Video giới thiệu tiêm kích tàng hình thế hệ 5 - Su-57 của Nga