Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt: Tăng M1 Abrams liên tục bị "nướng chín"- Mỹ đứng ngồi không yên

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Xe tăng M1 Abrams của Saudi Arabia bị lực lượng Houthi liên tục "nướng chín" bằng các vũ khí chống tăng cổ lỗ như RPG-7, RPG-29 hay 9K111 Fagot, khi Riyadh tấn công vào Yemen.

M1 Abrams là loại xe tăng chủ lực do hãng General Dynamics của Hoa Kỳ sản xuất năm 1980, theo thiết kế của Chrysler Defense. Tên hiệu xe được đặt theo tên của Creigton Williams Abrams Jr, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ kể từ tháng 12 năm 1972 đến trước khi ông qua đời vào năm 1974.

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt: Tăng M1 Abrams liên tục bị nướng chín- Mỹ đứng ngồi không yên - Ảnh 1.

Xe tăng M1 Abrams do Mỹ chế tạo bị phá hủy.

Hiện tại, đây là loại xe tăng chiến đấu chủ lực thông dụng nhất trong quân đội Hoa Kỳ với nhiều phiên bản khác nhau.

Với trọng lượng lên tới gần 70 tấn, trang bị vũ khí chính pháo nòng trơn 120mm kiểu M256 và hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến, với động cơ tua- bin khí AGT-1500 đa nhiên liệu công suất lên tới 1500 mã lực... xe tăng M1 Abrams đã được xếp vào top 10 xe tăng chủ lực mạnh nhất thế giới từ cuối thế kỷ XX.

Thời hoàng kim của M1 Abram

Những chiếc M1 Abrams được đưa vào trang bị chính thức từ năm 1980, nhưng cuộc chiến tranh đầu tiên nó được tham gia là vào năm 1991, trong khuôn khổ chiến dịch Bão táp sa mạc ở Iraq (Chiến tranh Vùng vịnh lần 1). Đối thủ chính của M1 là xe tăng T-72 của Liên Xô.

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt: Tăng M1 Abrams liên tục bị nướng chín- Mỹ đứng ngồi không yên - Ảnh 2.

Trong cuộc chiến này, sau đòn đánh hủy diệt đầu tiên bằng hỏa lực trên không, nhờ tăng Abram và xe chiến đấu bộ binh Bradley mà quân đội Mĩ chiến thắng ngoạn mục.

Ngày 24.2.1991, Liên minh do Hoa Kỳ đứng đầu mở cuộc tiến công trên bộ vào quân đội Iraq tại Kuwait. Chỉ trong 100 tiếng đồng hồ, lực lượng trên bộ của Liên quân đứng đầu là Mĩ đã quét sạch quân Iraq ra khỏi đất Kuwait.

Vào buổi sáng ngày 27 tháng 2, lực lượng Iraq đã bị quét sạch. Trong khi không quân mất 43 ngày không kích với cường độ cao và tiêu diệt 50% lực lượng xe tăng Iraq, các đơn vị thiết giáp Mỹ mất trên 4 ngày để tiêu diệt thêm 25%.

Quân đoàn VII của Mỹ tuyên bố đã tiêu diệt tổng cộng 1.350 xe tăng Iraq, 1.224 xe thiết giáp. Thiệt hại của Mỹ chỉ là 18 chiếc Abrams bị loại khỏi vòng chiến nhưng không có chiếc M1 nào bị bắn hạ bởi xe tăng Iraq mà chủ yếu do bị bắn nhầm và bị các loại vũ khí khác tiêu diệt.

Có nhiều nguyên nhân đưa tới chiến thắng vang dội đó của quân đội Mỹ nói chung và lực lượng xe tăng Mỹ nói riêng. Nhưng dù sao, nhờ ánh hào quang của chiến thắng này mà xe tăng M1- Abrams được đánh giá rất cao và được quân đội nhiều nước tin dùng.

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt: Tăng M1 Abrams liên tục bị nướng chín- Mỹ đứng ngồi không yên - Ảnh 3.

Xe tăng M1 Abrams do Mỹ chế tạo bị phá hủy.

Sự xuống dốc của M1 Abram cùng những hệ lụy

Tuy nhiên, cùng với thời gian xe tăng M1 Abrams ngày càng bộc lộ nhiều nhược điểm và liên tục mất giá.

Ngay trong Chiến tranh Vùng vịnh lần 2 ở Iraq năm 2003, M1 Abrams cũng thể hiện rõ những điểm yếu của mình và bị thiệt hại nặng nề trong tác chiến đô thị.

Tính tới tháng 3 năm 2006, tức là sau 3 năm, đã có trên 100 xe M1 bị phá huỷ hoàn toàn, hơn 530 chiếc khác bị hư hại nặng và phải đưa trở về nhà máy ở Mỹ để sửa chữa (trung bình cứ 2 ngày lại có 1 chiếc M1 Abrams bị hỏng nặng).

Những năm sau đó, mặc dù mức độ chiến sự thấp hơn nhưng M1 Abrams Mỹ vẫn liên tục bị bắn hạ. Sau đó, với sự xuất hiện của những loại các vũ khí chống tăng cá nhân hiện đại hơn như RPG-29, tên lửa chống tăng Metis-M, Kornet, số phận của M1 Abrams ngày càng mong manh.

Năm 2014, lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng Iraq và Levant (ISIL) đã mở chiến dịch tấn công tại Iraq và chỉ sau 3 tháng đã chiếm một nửa Iraq. Khi đó, Quân đội Iraq có trong tay 146 chiếc M1A1M Abrams (phiên bản cải tiến từ M1A1) trang bị cho 6 tiểu đoàn xe tăng của sư đoàn 9,

Tuy nhiên, các xe tăng này không thể hiện được sức mạnh trong điều kiện đô thị và bị phá hủy hàng loạt. Sau nửa năm chiến đấu, đến cuối năm 2014, quân đội Iraq chỉ còn lại 40 chiếc M1 Abrams có thể sử dụng.

Ngoài ra, các xe tăng M1 Abrams trong quân đội Saudi Arabia cũng bị lực lượng Houthi ở Yemen liên tục "nướng chín", khi Riyadh tung quân tấn công vào Yemen năm 2015, mặc dù phiến quân chỉ có các vũ khí chống tăng cổ lỗ như RPG-7, RPG-29 hay 9K111 Fagot.

Tóm lại, qua thực tế kiểm nghiệm tại chiến trường, xe tăng M1 Abrams ngày càng bộc lộ thêm nhiều điểm yếu. Trong khi đó, xe tăng T-90 của Nga lại chứng tỏ khả năng sống sót diệu kỳ trước các loại vũ khí chống tăng hiện đại.

Trước thực trạng trên, nhiều nước mặc dù đã có trong tay một số lượng lớn M1 Abrams nhưng đã quyết định quay sang mua xe tăng T-90 của Nga.

Cụ thể, quân đội Ai- cập hiện đang có trong tay hơn 1000 M1 Abrams song vẫn quyết định mua giấy phép của Nga để sản xuất 400 T-90S và T-90SK. Quân đội các nước Iraq và Kuwait cũng quyết định chuyển hướng sang mua T-90 thay vì M1 Abrams.

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt: Tăng M1 Abrams liên tục bị nướng chín- Mỹ đứng ngồi không yên - Ảnh 4.

Xe tăng M1 Abrams do Mỹ chế tạo bị phá hủy.

Nguyên nhân và giải pháp

Theo nhận định của một số chuyên gia, việc xe tăng M1 Abrams dễ dàng bị bắn hạ hàng loạt ở Iraq và Yemen có nhiều nguyên nhân- cả về kỹ thuật và về chiến thuật.

Về mặt kỹ thuật, nhìn chung xe tăng M1 Abrams bị bắn cháy nhiều chủ yếu là do khả năng phòng vệ kém. M1 Abrams không có các thiết bị phòng thủ chủ động như xe tăng T-90 của Nga hoặc Merkava của Israel, cũng không có giáp phản ứng nổ để bảo vệ sườn xe.

Ngoài ra, theo một số nguồn tin thì giáp của dòng M1 Abrams mà Mỹ chuyển giao cho nước ngoài đã bị rút đi lớp giáp làm bằng uranium nghèo so với nguyên bản. Vì vậy, khả năng phòng hộ giảm đi nhiều.

Bên cạnh đó, tháp pháo lớn và dài do khoang chứa đạn ở sau tháp pháo đã trở thành điểm yếu chết người của M1 Abrams. Nhiều trường hợp M1 Abrams bị bắn trúng sườn tháp pháo, khiến cơ số đạn trong xe tăng bị kích nổ phá tan chiếc xe, cơ hội sống sót của kíp xe trong tình huống này là bằng 0.

Về mặt chiến thuật, sở dĩ M1 Abrams đạt được thành công vang dội trong Chiến tranh vùng Vịnh lần 1 là bởi thời điểm đó các đơn vị xe tăng Mỹ chiến đấu trong không gian tác chiến liên hợp, được hỗ trợ đắc lực từ trên không cũng như lực lượng bộ binh cơ giới.

Còn thời gian sau này, các cuộc chiến đấu mà M1 Abrams tham chiến thường là các cuộc chiến tranh phi đối xứng, thiếu sự hỗ trợ cần thiết. Đối thủ của M1 Abrams không phải là các đơn vị chính quy mà là những toán du kích nhỏ lẻ, len lỏi trong các ngõ ngách của thành phố và "xuất kỳ, bất ý" tiến công vào sườn, vào nóc xe.

Tuy nhiên, điểm yếu chí tử của M1 Abrams vẫn là khả năng phòng hộ kém và thực sự là không thể so sánh với xe tăng Nga và Israel, với các hệ thống phòng thủ thụ động và chủ động hết sức chắc chắn.

Trước thực tế M1 Abrams liên tục bị "nướng chín" trên chiến trường và sự "quay lưng" của một số đồng minh, Bộ Quốc phòng Mỹ đã có kế hoạch nâng cấp đối với loại xe tăng này mà chủ yếu là nâng cao khả năng phòng hộ.

Theo Sputnik, Lục quân Mỹ đã bắt đầu quá trình lắp đặt hệ thống phòng vệ chủ động Rafael Trophy (APS) do Israel thiết kế lên dòng xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams của nước này. Hiện đã có 4 lữ đoàn M1 Abrams được đưa tới Israel để thực hiện việc nâng cấp.

Hệ thống phòng vệ chủ động Rafael Trophy do Israel thiết kế được quảng cáo là có khả năng bảo vệ những chiếc Abrams của Mỹ một cách toàn diện 360 độ xung quanh thân xe, giúp chiếc xe tăng này sống sót trước các đòn tấn công bằng tên lửa chống tăng, RPG, pháo không giật hay đầu đạn nổ mạnh.

Hệ thống này còn có khả năng thông báo cho kíp lái trong xe biết một cách tương đối về quỹ đạo đường bay của viên đạn chống tăng, qua đó giúp kíp lái có khả năng phát hiện được vị trí đối phương vừa khai hỏa và tấn công phản đòn chính xác.

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt: Tăng M1 Abrams liên tục bị nướng chín- Mỹ đứng ngồi không yên - Ảnh 6.

Xe tăng M1A2 v4 Abrams

Thế mạnh của hệ thống này đó là nó có thể hoạt động tốt ngay cả khi xe tăng bị tấn công liên tục ở nhiều góc độ khác nhau bởi nhiều loại hỏa lực khác nhau.

Bên cạnh việc lắp đặt hệ thống phòng vệ chủ động Trophy, các xe tăng M1 Abrams còn được lắp thêm giáp phản ứng nổ để bảo vệ các vị trí trọng yếu.

Được biết, trong cuộc tập trận Saber Strike 2018 đang diễn ra tại Đông Âu, Quân đội Mỹ đã lần đầu tiên xuất hiện với những chiếc xe tăng Abrams trang bị Rafael Trophy.

Theo đó những chiếc Abrams được Mỹ nâng cấp Rafael Trophy lần này là M1A2, nó không chỉ được trang bị giáp APS mà còn có cả hệ thống giáp tích hợp mới SEPV2.

Tuy nhiên, là một cường quốc quân sự, việc Mỹ học hỏi công nghệ của hệ thống phòng thủ chủ động Trophy trên xe tăng Merkava Mk4 của Israel cũng chỉ là giải pháp tạm thời, trước khi phát triển được một thế hệ xe tăng mới hiện đại hơn. Chúng ta hãy cùng chờ xem!

Tăng M1 Abrams của Mỹ khai hỏa tại một trường bắn ở Ba Lan

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại