Đô đốc Mỹ: Hoạt động phi pháp của TQ ở Biển Đông trái ngược với mục đích tập trận RIMPAC

Trung Phạm |

Theo Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ - Đô đốc John Aquilino, các hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông là hoàn toàn trái ngược với mục đích của cuộc tập trận RIMPAC.

Sự vắng mặt của Hải quân Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng gì đến cuộc tập trận đa quốc gia Vành đai Thái Bình Dương năm nay (RIMPAC 2018).

Đó là tuyên bố của Đô đốc John Aquilino, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương - Hải quân Mỹ trong bài phát biểu phát động cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới kéo dài trong 1 tháng này.

Tháng trước, Mỹ đã rút lại lời mời Trung Quốc tham gia RIMPAC 2018 trước những hành động phi pháp của nước này ở Biển Đông trong thời gian vừa qua.

"Mục đích của toàn bộ cuộc tập trận là để cho các quốc gia cùng hợp tác vì hòa bình, ổn định, an ninh và vì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", Đô đốc John Aquilino phát biểu với các phóng viên tại Trân Châu Cảng ngày 29/6.

Tháng 5/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis từng nói rằng, "Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các cấu trúc trên Biển Đông bằng cách triển khai tới đây các vũ khí mà mới chỉ vài năm trước chính họ đã tuyên bố sẽ không hành động như vậy".

Theo Đô đốc Aquilino, các hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông "hoàn toàn trái ngược với mục đích" của cuộc tập trận RIMPAC.

"Tôi có thể nói rằng sẽ có rất ít thay đổi", ông Aquilino phát biểu khi bình luận về sự vắng mặt của Trung Quốc tại RIMPAC 2018. "Lợi ích từ các sự kiện mà trước đây họ dự kiến sẽ tham gia, nhưng họ sẽ không được tham gia, sẽ vẫn còn nguyên vẹn với các quốc gia chia sẻ mục tiêu chung đang tham dự cuộc tập trận này".

Đô đốc Mỹ: Hoạt động phi pháp của TQ ở Biển Đông trái ngược với mục đích tập trận RIMPAC - Ảnh 1.

Lính thủy quân lục chiến hộ tống tàu đổ bộ trong trong cuộc tập trận RIMPAC 2016. Ảnh: Stars & Stripes

Các nước tham gia tập trận RIMPAC 2018 gồm có: Australia, Brunei, Canada, Chile, Colombia, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Israel, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Hà Lan, New Zealand, Peru, Hàn Quốc, Philippines, Sri Lanka, Singapore, Thái Lan, Tonga, Việt Nam, Anh và Mỹ.

25 quốc gia sẽ mang tới cuộc tập trận RIMPAC năm nay tổng cộng 46 tàu chiến, 5 tàu ngầm cùng binh lính của 18 lực lượng bộ binh, hơn 200 máy bay và 25.000 nhân viên.

Điểm mới trong RIMPAC 2018 là sẽ có các cuộc thao diễn bắn đạn thật với sự tham gia của Lực lượng Đặc nhiệm Đa chiến trường (Multi-Domain Task Force) của Lục quân Mỹ bắn tên lửa hải quân đánh chìm một tàu trên biển còn Không quân Mỹ thì phóng tên lửa chống hạm tầm xa.

"Đây là lần đầu tiên chúng tôi tổ chức các hoạt động như vậy tại RIMPAC", Phó Đô đốc John Alexander, Tư lệnh Hạm đội 3 kiêm chỉ huy lực lượng chuyên trách hỗn hợp của RIMPAC giải thích. "Đây là cuộc tập trận hải quân nhưng chúng tôi vẫn có các lực lượng bộ binh tham gia hỗ trợ cho các nhiệm vụ trên biển".

Đặc nhiệm Lục quân Mỹ huấn luyện tác chiến

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại