Một số người ngất trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 khuyến cáo

Hải Yến - Ảnh: Duy Phú - Quỳnh Trâm |

Hàng ngàn người đã chen chúc ở khu vực Phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP HCM) chờ đón chương trình đếm ngược (Countdown) và bắn pháo hoa chào năm mới 2023. Một vài người bị ngất do thiếu oxy.

Tối 31-12, bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 (TP HCM), cho biết có một vài người bị ngất do thiếu oxy thoáng qua. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn nghỉ ngơi, họ đã tỉnh táo và ra về. Hiện chưa ghi nhận ca nào cần phải nhập viện điều trị.

Một số người ngất trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 khuyến cáo - Ảnh 1.

Hàng ngàn người tại khu vực đếm ngược chào năm mới 2023

Theo bác sĩ Long, hiện trung tâm đang bố trí 7 xe cứu thương. Trong đó, 2 xe tại điểm bắn pháo hoa và 5 xe được bố trí rải rác tại khu vực đếm ngược.

"Mỗi ekip được bố trí 4 người. Riêng khu vực đếm ngược có 6 nhân viên y tế. Bên cạnh đó, các bệnh viện cũng trong tình huống sẵn sàng" – bác sĩ Long chia sẻ.

Theo kế hoạch, lễ hội đếm ngược 2023 quy tụ nhiều nghệ sĩ trong nước và quốc tế nổi tiếng sẽ diễn ra tại đây. Bên cạnh đó là các chương trình countdown tại công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường Lê Duẩn (đoạn từ Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến Pasteur).

Một số người ngất trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 khuyến cáo - Ảnh 2.

Lễ hội đếm ngược chào đón năm mới luôn là sự kiện được mong đợi nhất vào thời khắc giao thừa. Đây là sự kiện có quy mô hoành tráng và loạt hoạt động hấp dẫn đi kèm. Tuy nhiên, việc tụ hội đông người cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Nhằm tránh những sự cố đáng tiếc khi vui chơi tại các sự kiện đông người, trước đó, bác sĩ Long cũng đã khuyến cáo người dân cần hiểu rõ các nguy cơ có thể gặp trong đám đông và cách xử trí để đảm bảo an toàn. Cụ thể:

- Khi tham gia đám đông, cần phải có ý thức phòng ngừa để nhận biết mối nguy hiểm. Trong sự kiện đông người có nhiều rủi ro như mất tài sản, thất lạc người thân và nguy hiểm nhất là tử vong do đám đông mất kiểm soát, chen lấn, xô đẩy.

Quan trọng nhất là cần có ý thức để phòng ngừa. Ví dụ, nếu tham gia vào những nơi đông người không mang đồ đạc nhiều, không mang túi đeo có dây quá nhiều khiến đám đông kéo, siết; nên mang giày thể thao để dễ di chuyển; quan sát khu vực đó chỗ nào an toàn, lối ra ở đâu, chỗ nào thoát hiểm.

Đặc biệt, nếu cảm thấy xung quanh bắt đầu đông lên, có sự đụng chạm 2-3 người trở lên thì cần tìm cách thoát khỏi đó.

- Nếu rơi vào tình huống bị chen lấn thì tư thế cần co 2 tay trước ngực để di chuyển giống như vận động viên quyền anh phòng thủ. Điều này giúp có khoảng trống ở lồng ngực giúp dễ thở. Nếu đám đông di chuyển thì cần nương theo và đi xéo để rời ra vòng ngoài bằng cách tìm những vị trí định sẵn như tòa nhà, gốc cây lớn... Không cố gắng đi ngược lại đám đông để tìm đồ hay tìm người thân nếu lỡ thất lạc vì lúc này càng nguy hiểm.

- Nếu tình huống bị ngã xuống đất thì cố gắng đứng lên nhanh nhất có thể. Nếu không thể đứng dậy thì hãy cuộn tròn người như quả bóng, tay ôm đầu để bảo vệ bụng và phổi để thở. Rơi vào tình huống này thì đừng cố gắng la hét mà cần phải bình tĩnh.

- Đáng chú ý, những người mắc bệnh tim mạch hay trẻ em còn bé thì không nên vào đám đông có nhiều tiếng ồn hoặc đông quá thiếu oxy sẽ khiến bệnh trầm trọng. Bên cạnh đó, đối với người nữ khi xảy ra các tình huống họ dễ mất bình tĩnh hơn nam. Do đó, không la hét, cố gắng giữ bình tĩnh, nó giúp ta có sự phán đoán chính xác và hành động phù hợp nhất để cứu mạng mình và những người thân bên cạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại