Hành trình kỳ tích chăm những em bé sinh non chỉ từ 400-500gram

Thiên Bình/VOV.VN |

Trong 10 năm qua (từ 2011-2021), tỷ lệ trẻ sinh non dưới 1.000 gram được cứu sống đã tăng từ 18 lên 40%.

Những kỳ tích

Từ năm 2010, Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản T.Ư, đã đón 8 trẻ sinh non chỉ từ 400-600 gram, ở tuổi thai từ 25-28 tuần. Đặc biệt, là kỳ tích nuôi sống bé gái sinh non, quê ở Nghệ An, nặng 400gr năm 2021; và tháng 10/2022, điều trị thành công cặp song sinh, sinh non ở tuần 25 và nặng chỉ 500g/bé.

Để đạt được các thành công này, Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh phải thực hiện nghiêm ngặt về công tác phòng, chống nhiễm khuẩn, vô khuẩn, ứng dụng thành công các kỹ thuật như thở máy, bơm sunfantan, chống tắc nghẽn đường thở, lồng ấp cách ly môi trường, cân bằng nước điện giải, chiếu đèn điều trị vàng da…

Hành trình kỳ tích chăm những em bé sinh non chỉ từ 400-500gram - Ảnh 1.

Đã gắn bó với trẻ sơ sinh được hơn 25 năm, với chị Lê Thị Vân - điều dưỡng trưởng Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh, việc nuôi thành công những bé sinh non là niềm tự hào cá nhân, là sự tận tụy với nghề, tình yêu với trẻ.

Bản thân điều dưỡng Vân từng là sản phụ sinh non và được chăm sóc ngay tại Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh. Đến nay, con trai chị Vân đã 15 tuổi và phát triển tốt. Do vậy, chị càng mong mỏi hơn việc giúp được những bà mẹ khác để có được niềm hạnh phúc như vậy.

Kể lại về trường hợp kỳ tích của em bé 400gram (ở Nghệ An), sinh đúng vào thời điểm dịch COVID-19, do chính tay mình chăm sóc tỉ mỉ từ những ngày đầu đến khi xuất viện, điều dưỡng Vân vẫn vô cùng xúc động. Đây là em bé thấp cân nhất tại Việt Nam được cứu sống. Đồng thời, không chỉ là thành tựu của lĩnh vực sơ sinh sớm, của bệnh viện Phụ sản T.Ư mà còn của ngành y cả nước nói chung. Từ những gram đầu tiên phát triển của bé, các bác sĩ và các điều dưỡng viên đã có thêm động lực để chăm sóc trường hợp này và các em bé khác.

Em bé sinh non 400gram có đặc điểm bệnh lý bụng chướng và chị Vân được chỉ định thực hiện massage, sau đó là đặc cách chăm sóc riêng cho em bé này.

“Bé được massage ngày 2 lần để hỗ trợ về tiêu hóa và phát triển tổng thể. Dần dần, bé cũng lớn, tăng cần cùng với sự chăm sóc của các bác sĩ và các điều dưỡng. Bé bị chướng bụng, khó tiêu lại là ca sinh non nên càng phải được theo dõi kỹ để tránh mọi nguy cơ nhiễm trùng. Và rất may mắn, trong suốt một thời gian dài, bé đã không cần phải sử dụng đến kháng sinh”, điều dưỡng Vân vẫn nhớ như in những ngày đầu chăm sóc em bé sinh non.

Hành trình kỳ tích chăm những em bé sinh non chỉ từ 400-500gram - Ảnh 2.

Điều dưỡng Lê Thị Vân thực hiện massage cho các em bé.

Thời điểm này, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, mẹ và gia đình bé không thể từ Nghệ An ra Hà Nội. Do vậy, các bác sĩ, điều dưỡng đã thường xuyên gọi điện cập nhật tình hình của bé, tư vấn các loại sữa, chuyển khoản… đóng hộ viện phí cho gia đình.

“Có thời điểm gọi điện gia đình không nghe máy, rồi mẹ em bé cũng mắc COVID-19… nên Khoa đã hỗ trợ và xin ý kiến gia đình việc xin sữa từ mẹ khác. Vượt qua mọi nỗ lực, khó khăn,em bé đã tăng cân, phát triển tốt. Đến khi bé lên được 1.300gram, mẹ bé được gọi vào bệnh viện thực hiện ấp con, nhưng mẹ lại mắc COVID-19 và các cô đã chăm đến khi bé được 1.800gram và trao về với gia đình”, chị Vân nhớ lại.

Điều dưỡng Vân cho biết, mẹ của bé thường xuyên liên hệ, gửi ảnh con lớn từng ngày cho các “cô điều dưỡng”. Nếu không được các y bác sĩ chăm sóc toàn diện bằng các chiến lược rất khắt khe, cẩn trọng, tỉ mỉ, an toàn… bé phải đối mặt với nguy cơ suy hô hấp, xuất huyết đặc biệt nguy hiểm, dễ viêm ruột gây hoại tử, bị nhiễm trùng sơ sinh, rối loạn chuyển hóa, vàng da, tan máu, thiếu máu… Thậm chí, em bé có thể gặp phải 1 trong 8 nguy cơ muộn hơn như: Bại não hoặc tàn tật giảm vận động, tăng động giảm chú ý, xơ phổi, bệnh lý võng mạc do sinh non, nguy cơ đột tử, rối loạn tăng trưởng, đái đường, cao huyết áp…

Và thành quả là hiện tại, bé đã biết nói, biết leo trèo nghịch ngợm…

“Năm nay, chúng tôi chưa tổ chức được Ngày hội của trẻ sinh non, nên nhiều gia đình cũng tiếc nuối vì không thể cho con tham dự. Các bác sĩ, các cô điều dưỡng cũng rất mong được gặp lại những em bé mới ngày nào còn lọt thỏm thì nay đã lớn biết nói, biết đi…”, điều dưỡng Vân nói.

“Tôi mong sau này sẽ không phải nói dối bà mẹ nào nữa”

Nuôi sống các em bé sinh non mới là bước đầu, điều trăn trở với không chỉ điều dưỡng Vân mà còn là các y bác sĩ toàn ngành là làm sao để chăm sóc, điều trị cho em bé phát triển bình thường, lớn lên khỏe mạnh.

25 năm gắn bó với nghề, điều dưỡng Vân đã chứng kiến nhiều gia đình hiếm muộn, phải chạy chữa để có con, do vậy, việc mang thai và giữ thai rất khó nên trẻ thường sinh non. Chị nhớ lại “lời nói dối dầy day dứt” của mình khi chứng kiến hình ảnh người mẹ gào khóc vì mất con: “Người mẹ này đã 10 lần làm thụ tinh nhân tạo và sinh 2 bé 400gram nhưng lần lượt 2 bé đã ra đi. Do mẹ quá căng thẳng nên gia đình đã nhờ các y bác sĩ giấu mẹ bé rằng các con đã được chuyển sang viện nhi. Tôi không thể quên hình ảnh người mẹ gào khóc nói rằng “em biết mọi người đang nói dối”. Đây là sự day đứt và thúc đẩy chúng tôi làm sao giúp được những trường hợp như vậy, để người mẹ có thể được ôm con vào lòng”.

Hành trình kỳ tích chăm những em bé sinh non chỉ từ 400-500gram - Ảnh 3.

Lê Thị Vân - điều dưỡng trưởng Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh, BV Phụ sản T.Ư.

“Nói dối” bệnh nhân là vậy, nhưng cũng có lúc chị Vân lại nghe “lời nói dối” của gia đình để yên tâm làm việc. Chị Vân cho biết, điều dưỡng đa số là chị em phụ nữ, ai cũng có con cái gia đình. Nhưng với các chị, nếu đang trong ca trực thì con ở nhà có ốm thì cũng không bao giờ bỏ trực. Thay vào đó là chăm sóc con từ xa.

“Chúng tôi đều có hậu thuẫn lớn từ gia đình. Một người chồng xác định lấy vợ làm ngành y, lại làm sơ sinh thì luôn phải chuẩn bị sẵn sàng tình huống con ốm mà vợ phải đi trực. Lúc đó, mẹ chỉ có thể hướng dẫn bố từ bệnh viện để làm sao chăm con được tốt nhất. Chính trường hợp của tôi, vẫn phải đi làm khi con sốt. Mẹ chỉ kịp cho con uống hạ sốt rồi tới viện. Đến giữa ca trực tôi có gọi điện về hỏi thăm chồng, thì anh nói con hết sốt rồi, ngủ ngoan, ăn tốt… Nhưng thực ra khi về đến nhà, con vẫn sốt và bố chỉ biết phải nói dối vậy để mẹ yên tâm đi làm và tập trung làm việc”, điều dưỡng Vân chia sẻ.

Tại khu hồi sức, một cô điều dưỡng sẽ chăm khoảng 20-25 cháu. Tại khu hồi sức tích cực, một cô chăm 9-10 trẻ. Các chuyên gia nước ngoài khi đến bệnh viện trao đổi, tập huấn cũng chia sẻ rằng, tại khu hồi sức trẻ sơ sinh ở nước ngoài phải có 1-2 điều dưỡng chăm 1 em bé. Đồng thời, ở nước ngoài họ cũng có người đặt nội khí quản riêng, làm ven riêng, phục hồi chức năng riêng… nhưng tại Việt Nam các điều dưỡng gần như phải đảm đương hết các công việc này.

Hành trình kỳ tích chăm những em bé sinh non chỉ từ 400-500gram - Ảnh 4.

Trẻ sinh non được chăm sóc trong lồng ấp tại Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản T.Ư.

Sau mọi tâm huyết và lòng yêu nghề, yêu trẻ, các y bác sĩ cùng các điều dưỡng đã mang những thiên thần nhỏ đến với các gia đình. Có trường hợp sản phụ 8 lần mang thai ở nước ngoài nhưng không giữ được. Khi biết đến Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản T.Ư), thai phụ đã về nước sinh con ở tuần 25, em bé chỉ có 500gram đã được nuôi thành công lên 1.300gram. Đây là niềm hạnh phúc vô cùng của những điều dưỡng viên như chị Vân./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại