Người dân có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn -giải trí thụ động, hay chính xác hơn là sự phụ thuộc và các trang thiết bị tiêu khiển mà không có vận động thể lực. Hệ lụy là kéo theo những gánh nặng về chăm sóc y tế do tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm và giảm tuổi thọ…
Lợi ích từ việc vận động thể lực thường xuyên
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc hoạt động thể lực thường xuyên đưa tới những lợi ích: Tăng sự phát triển của cơ tim và hiệu suất làm việc của quả tim; giảm cholesterol máu và tăng thải trừ các chất chuyển hóa trung gian gây nhiễm độc cơ thể; giảm cân; giảm nguy cơ hình thành huyết khối, nguyên nhân hàng đầu gây tắc mạch; tăng phát triển cơ vân giúp các hệ thống mạch máu phát triển và lưu thông tuần hoàn thuận lợi, tạo sự sảng khoái về tinh thần tăng cường sự sản xuất các nội tiết tố có lợi cho sức khỏe…
Một số lưu ý khi tập luyện
Khi tham gia hoạt động thể lực thường xuyên (tập luyện thể dục thể thao) cần nắm được những phương pháp khoa học cơ bản để đảm bảo hiệu quả và an toàn khi tập luyện.
Biết tình trạng sức khỏe của bản thân
Điều đầu tiên là phải nắm được tình trạng sức khỏe của mình trước khi tham gia tập luyện. Một số những dấu hiệu sau cho thấy cơ thể đã có vấn đề: Đôi khi có cơn đau ngực, dù là mơ hồ, tình trạng thở dốc mệt mỏi khi đi bộ nhanh, chạy nhẹ hoặc lên xuống cầu thang, thỉnh thoảng thấy chóng mặt, hoa mắt hoặc tối sầm không nhìn thấy gì, đau mỏi khớp, sưng nề khớp khi vận động… Đây là những dấu hiện cho thấy cần kiểm tra sức khỏe và có lời khuyên của bác sĩ trước khi tập luyện và chính nhờ việc tập luyện mà tình trạng này sẽ được cải thiện.
Khi tham gia các hoạt động thể lực thường xuyên, cần nắm được những phương pháp khoa học cơ bản để đảm bảo hiệu quả và an toàn khi tập luyện.
Chọn loại hình luyện tập
Dựa vào các đánh giá về tình trạng sức khỏe hiện tại hãy chọn (hoặc qua tư vấn bác sĩ) một loại hình, môn thể thao, phương thức tập luyện phù hợp. Nguyên tắc chung là cần duy trì một khoảng thời gian tập luyện đủ tạo ra sự thích nghi và cải thiện tình trạng sức khỏe của cơ thể. Khoảng thời gian vận động này được chia đều ra các ngày trong tuần tùy theo cường độ vận động. Theo WHO, tổng thời gian trong 01 tuần trung bình là 150 phút với cường độ vận động trung bình, hoặc 75 phút với các bài tập gắng sức cường độ lớn.
Có chế độ tập luyện phù hợp
Khi tham gia tập luyện, tự bản thân mỗi người phải thiết lập một chế độ tập riêng phù hợp với bản thân mình, không phụ thuộc vào việc người bên cạnh mình tập nhiều hay ít, khó hay dễ mà phải là chính bản thân mình có khả năng tập luyện như thế nào và cố gắng tới đâu, đâu là giới hạn của bản thân.
Thời gian tập luyện còn bao hàm giờ bắt đầu và kết thúc buổi tập. Theo thói quen mỗi người có thể tự chọn cho mình một khung giờ thích hợp, điều này có ý nghĩa đối với cá nhân và các nghiên cứu đã chứng minh rằng việc tập có thể vào buổi sáng, buổi chiều hoặc cũng có thể vào một khung giờ khác đều có hiệu quả tích cực miễn là thời gian đó phù hợp với thói quen sinh hoạt cá nhân và bản thân mình có thể duy trì được thường xuyên.
Các dấu hiệu cần ngừng việc luyện tập
Cần dừng ngay việc tập luyện và thăm khám chuyên khoa nếu thấy có các dấu hiệu sau: Đau vùng trước ngực; hoa mắt chóng mặt thường xuyên hoặc kéo dài bất thường; đau đầu dữ dội, rối loạn thị giác; khó thở, phải gắng sức để thở, nghỉ ngơi không đỡ; hạ thân nhiệt, vã mồ hôi bất thường, lạnh, run tay chân; dấu hiệu khởi phát một số bệnh mạn tính đã có từ trước, ví dụ hen phế quản…
Ngay khi mọi việc tập luyện diễn ra thuật lợi, chúng ta cũng cần định kỳ kiểm tra sức khỏe, đánh giá lại toàn bộ sự thich nghi của bản thân và tình trạng sức khỏe trong mỗi giai đoạn để điều chỉnh thói quen sinh hoạt, tập luyện và phát hiện những yếu tố nguy cơ gây bệnh khác.