Nhập đường về VN: Vì lợi nhuận?
Gần đây, việc Công ty CP đường Biên Hòa định nhập khẩu 30.000 - 40.000 tấn đường của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) sản xuất ở Lào để về Việt Nam tinh luyện và xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc đang gây nhiều tranh cãi. Dư luận cũng đặt ra nhiều dấu hỏi quanh vụ hợp tác này.
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong thắc mắc: Tại sao HAGL không liên kết với Biên Hòa để lập bộ phận chế biến ngay trên đất nước Lào rồi xuất thẳng sang Trung Quốc, thay vì đưa đường thô về VN tinh chế rồi mới xuất khẩu sang nước bạn?
Trong khi trước đó, Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) đã khẳng định: đường sản xuất ở Lào có khả năng tiêu thụ được ở khắp nơi trên thế giới.
Tháng 8/2012, trả lời Thời báo kinh tế Sài Gòn, Bầu Đức đã chỉ rõ: “Xét về tiềm năng, Việt Nam chỉ có 80 triệu dân, nhưng thế giới có đến 6 tỉ người. Trong khi đó, từ Lào bán đi các nước khác dễ dàng hơn ở Việt Nam rất nhiều. Từ Việt Nam nếu xuất khẩu thì phải xin phép nhưng Lào thì không cần làm vậy vì họ thuộc diện nước nghèo nên được hưởng nhiều chính sách ưu đãi miễn giảm thuế, muốn xuất khẩu bao nhiêu thì xuất. Đường từ Lào bán vào EU cũng rất thoải mái, không thuế, không quota”.
Như vậy, “điểm bất cập lớn nhất ở đây là về vấn đề cạnh tranh với Việt Nam trong khi tại sao không mở phân xưởng chế biến sâu ở bên Lào để từ đó xuất trực tiếp sang Trung Quốc luôn, như vậy sẽ tốt hơn, mà đỡ phải cạnh tranh?” – chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đặt dấu chấm hỏi với vụ thương thảo này.
Ngoài ra, một câu hỏi khác được đặt ra là tại sao HAGL không tiêu thụ đường tại Lào và bán sang các nước khác (như bầu Đức nói là khá dễ dàng) mà lại bán về Việt Nam?
Bàn luận về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Thao, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía Đường Sơn La giải thích: Dân số ở Lào thấp, lượng tiêu thụ ở nước sở tại không đáng là bao so với sản lượng mà nhà máy của HAGL sản xuất ra. Chưa kể, ở Lào, lượng đường giá rẻ từ Thái Lan chuyển qua Lào cũng rất lớn so với nhu cầu tiêu thụ trong nước.Do đó, HAGL phải tìm một lối thoát khác để kinh doanh, kiếm lời.
“Còn tại sao HAGL không bán đường sang cộng đồng Châu Âu hay các nước khác mà lại chuyển về Việt Nam? Tôi nghĩ, bản chất là vì lợi nhuận riêng, HAGL bắt tay với Biên Hòa làm ảnh hưởng tới toàn ngành mía đường Việt Nam” – ông Thao nhấn mạnh.
Một điều đáng chú ý nữa chính là sự khác nhau về số lượng đường của HAGL sản xuất ở Lào được đề nghị nhập khẩu về VN. Trong công văn gửi Bộ Công thương ngày 30/9/2013, HAGL cho biết công ty này đã chấp thuận bán đường thô sản xuất ở Lào cho Công ty CP Đường Biên Hòa với khối lượng 30.000 tấn.
Trong khi đó, tại công văn mà Phó Thủ tướng Lào gửi cho Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 23/9/2013, Phó Thủ tướng Lào đề nghị Chính phủ VN chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết hạn ngạch nhập khẩu 40.000 tấn đường do HAGL sản xuất tại Lào, về tiêu thụ tại VN trong năm 2013 – 2014.
Công văn mà Bộ Công thương gửi các bộ, ngành liên quan cũng nói là xem xét giải quyết cho nhập khẩu 40.000 tấn đường.
Sự bất nhất về con số này khiến nhiều người trong giới kinh doanh mía đường hoài nghi. Họ cho rằng: Có thể 30.000 hay 40.000 chỉ là con số trên giấy tờ hoặc trên lý thuyết, còn thực tế, số lượng đường của HAGL chuyển sang Việt Nam có thể nhiều hơn.
“Sản lượng đường do HAGL sản xuất ở Lào trong niên vụ 2013-2014 sẽ là 100 ngàn tấn, trong khi, lượng tiêu thụ ở Lào với dân số mấy triệu dân không đáng bao nhiêu, HAGL bắt tay với Đường Biên Hòa đưa đường Lào về VN sẽ gây lũng loạn thị trường, khó khăn cho hàng triệu nông dân trồng mía VN” – Chủ tịch HĐQT của một công ty mía đường nội địa đưa ra quan điểm.
Tại sao lại XK qua tiểu ngạch mà không phải chính ngạch?
Thêm một câu hỏi nữa mà dư luận đang đặt ra là: Tại sao công ty Cổ phần Đường Biên Hòa nhập khẩu đường nguyên liệu để sản xuất không theo con đường tạm nhập chính ngạch và tái xuất cũng chính ngạch qua các cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế có sự giám sát chặt chẽ của Hải quan, mà lại xuất qua đường tiểu ngạch?
Theo quy định tại thông tư 04/2013/TT-BCT ngày 8/2/2013 quy định về nguyên điều hành hạn ngạch thuế quan nhập khẩu năm 2013 đối với mặt hàng đường, muối, trứng, gia cầm, Bộ Công thương cho biết: “Công ty cổ phần HAGL không thuộc đối tượng được phân giao hạn ngạch thuế quan đường”.
Mía đường mang về cho tập đoàn HAGL một khoản doanh thu lớn.
Theo quy định hiện hành, trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu đường để sản xuất gia công xuất khẩu qua cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế được làm thủ tục tại cơ quan Hải quan, không cần xin phép Bộ Công thương. Trường hợp xuất khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở cần có sự đồng ý của Bộ Công thương.
Ngày 30/10/2013 trong công văn gửi các bộ, ngành liên quan, Bộ Công thương đã đề xuất phương án cho phép công ty CP Đường Biên Hòa được xuất khẩu qua cửa khẩu Bản Vược, Bát Xát, Lào Cai (tương tự như hiện nay vẫn cho phép đường sản xuất trong nước được xuất khẩu qua cửa khẩu này).
Bộ Công thương nhấn mạnh yêu cầu: “Công ty CP Đường Biên Hòa đảm bảo tận dụng công suất dư thừa, nhập khẩu đường thô sản xuất, gia công sau đó xuất khẩu toàn bộ lượng đường này, không để thẩm lậu đường vào thị trường nội địa, ảnh hưởng đến thị trường, giá cả mặt hàng đường trong nước và đời sống nông dân trồng mía”.
Tuy nhiên, khi giao thương qua tiểu ngạch, không có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan Hải quan, việc kiểm soát, quản lý nguồn hàng thế nào lại là một vấn đề cần được đặt ra.
Khi trao đổi với báo chí, Bầu Đức đã thẳng thắn khẳng định: “Tôi bán đường thô để công ty đường Biên Hòa sản xuất thành đường tinh chế rồi xuất đi nước ngoài. Tôi khẳng định HAGL không bán bất kỳ hạt đường nào trong nước”
Tuy nhiên, ông Phạm Ngọc Thao, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía Đường Sơn La lại tỏ ra lo lắng: “Công ty đường Biên Hòa tạm nhập đường thô sản xuất tại Lào của HAGL về Việt Nam để tinh chế, lý do tạm nhập để tái xuất thì không phải nộp thuế, nhưng liệu Biên Hòa có xuất sang Trung Quốc không, hay nhập về để tiêu thụ trong nước, điều đó khó kiểm soát được!”.
Trong khi, đường từ mía do nông dân Việt Nam trồng trong nước đã cung cấp thừa so với nhu cầu tiêu dùng trong nước.
“Trên lý thuyết, nhập đường thô về Việt Nam rồi xuất ra nước ngoài thì không ảnh hưởng tới thị trường nội địa nhưng trên thực tế, vấn đề tạm nhập tái xuất luôn là bài toán khó giải. Bởi khi thực hiện sẽ khó khăn vô cùng do lượng đường tiêu thụ trong nước không thể quản lý được.
Bầu Đức chỉ bán đường thô cho Biên Hòa, việc tinh chế và xuất khẩu sau đó là việc của Biên Hòa, lúc này, HAGL cũng không kiểm soát được. Hơn nữa, ai dám chắc đường thô nhập vào là đường từ Lào của Bầu Đức, nhỡ nhập về từ bên khác giá rẻ hơn như Thái Lan thì sao? Điều này không ai đảm bảo được!... Khi lợi nhuận cao, người ta sẽ có cách” - ông Nguyễn Thanh Sơn, TGĐ Công ty CP Mía đường Bến Tre bức xúc.