HAGL bán đường Lào sang Việt Nam: "Sẽ đánh chết đường trong nước"
Được biết, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đang có ý định bán khoảng 30.000 - 40.000 tấn đường được sản xuất tại nhà máy ở Attapeu (Lào) cho Công ty CP đường Biên Hòa để tinh luyện và xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Tuy nhiên, Hiệp hội mía đường Việt Nam kịch liệt phản đối vấn đề này.
“Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức nói rằng: "Việc đưa đường từ Lào về Việt Nam tinh chế rồi xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ không làm ảnh hưởng thị trường nội địa. Đây là việc làm có lợi rất lớn, mang tầm quốc gia". Nhưng thực chất là không có lợi, thậm chí, Đoàn Nguyên Đức làm vậy là có hại cho ngành đường Việt Nam” – ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam lên tiếng.
Ông Hải giải thích: Thứ nhất, đường do HAGL đầu tư sản xuất tại Lào có giá thành rất thấp, sức cạnh tranh rất cao so với thế giới. Bởi chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ Lào có nhiều ưu đãi đặc biệt đối với dự án mía đường của HAGL, nhờ đó giá mía của HAGL tại Lào rất thấp chỉ 296.000 đồng/tấn mía.
Từ đó, giá thành đường do HAGL sản xuất tại Lào đặc biệt thấp, chỉ 4.320.000 đồng/tấn đường. Trong khi, để nông dân trồng mía tại Việt Nam đảm bảo cuộc sống, những năm qua các nhà máy đường trong nước đã thanh toán tiền mua mía cho nông dân từ 950.000 – 1.150.000 đồng/tấn mía, chiếm 9.000.000 – 11.000.000 đồng vào giá thành của 1 tấn đường.
Sự khác biệt về chính sách cộng với sự đầu tư đúng mức của HAGL tại Attapeu đã cho kết quả là đường sản xuất tại Việt Nam không thể cạnh tranh lại, ngay cả đường sản xuất tại Thái Lan hay Brazin – các cường quốc sản xuất và xuất khẩu đường hiện nay trên thế giới, cũng không thể cạnh tranh với đường HAGL sản xuất tại Lào.
Như vậy, “cùng cạnh tranh xuất khẩu sang Trung Quốc, chiếc bánh thị phần Trung Quốc sẽ bị chia nhỏ đối với các công ty mía đường Việt Nam, hơn nữa, HAGL lại có ưu thế tốt về giá, hoàn toàn có thể hạ giá xuất khẩu để dành thị trường. Do đó, HAGL có thể sẽ đánh chết đường trong nước” – ông Hải nhấn mạnh.
Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, nếu tạo điều kiện cho HAGL bán đường sang Việt Nam để tái chế rồi xuất qua cửa khẩu phụ Bản Vược – Lào Cai là vô tình giúp doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào đang có nhiều lợi thế đánh vào nông dân trồng mía và các doanh nghiệp Việt Nam đang có sức cạnh tranh kém hơn trong xu thế hội nhập hiện nay. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để dẫn đến ngành đường Việt Nam phá sản.
Gần 40 công ty mía đường phản đối HAGL vì bất công
Được biết, gần 40 công ty mía đường thành viên của Hiệp hội mía đường Việt Nam đều đồng ý tán thành với quan điểm đứng lên đấu tranh phản đối việc cho phép nhập đường Hoàng Anh Gia Lai sản xuất tại Lào về tinh luyện xuất qua đường tiểu ngạch.
“Trừ một vài công ty liên hệ với Công ty CP đường Biên Hòa đồng ý, còn lại đều phản ứng rất gay gắt vì quyền lợi bị ảnh hưởng và họ ủng hộ cách làm của Hiệp hội, đồng thời quyết tâm đấu tranh đến cùng. Giả sử Chính phủ đồng ý, sự đấu tranh này sẽ tiếp tục diễn ra vì hầu hết các công ty mía đường tại Việt Nam đều bị đe dọa” – Tổng thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam nói.
Cũng theo Hiệp hội, sự đánh đổi này không cân xứng, bởi việc hỗ trợ cho HAGL theo đề nghị của Bộ Công thương chỉ mang lại lợi ích lớn cho Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa và Công ty HAGL, nhưng gây thiệt hại cho 40 nhà máy đường trong nước cùng với hàng triệu nông dân trồng mía và hàng vạn công nhân lao động tại các nhà máy.
“Sau Biên Hòa, sẽ có hàng loạt các công ty mía khác cũng sẵn sàng xin Bộ Công thương cho nhập đường thô từ Thái Lan về để chế biến (vì giá rẻ hơn) rồi xuất khẩu qua cửa khẩu phụ, thì điều gì sẽ xảy ra? Nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam sẽ phá sản và ngành đó là ngành đường” – ông Hải cho biết thêm.
Bởi vậy, nếu chấp thuận chủ trương theo hướng của Bộ Công thương đề nghị sẽ khuyến khích các nhà máy đường bỏ bảo hiểm giá mua mía tối thiểu hiện đang có lợi cho nông dân trồng mía, buông lỏng tiêu thụ mía và chuyển sang nhập khẩu đường thô nguyên liệu nước ngoài về gia công chế biến sau đó tái xuất, nông dân trồng mía Việt Nam sẽ phải lao đao với việc chuyển đổi cây trồng khác, một bộ phận lớn nông dân sẽ mất ổn định trong sản xuất và đời sống. Chính phủ sẽ phải tốn ngoại tệ để nhập khẩu đường do diện tích mía giảm, thiếu hụt đường.
Hơn nữa, còn làm thất thu ngân sách. Doanh nghiệp xuất khẩu được hoàn thuế. Trong các năm tới, khi Việt Nam nhập khẩu đường trong khối ASEAN với thuế suất nhập khẩu bằng không thì Nhà nước không thu được thuế nhập khẩu nhưng lại phải chi tiền ngân sách để hoàn thuế xuất khẩu.
Vì những lý do trên, Hiệp hội mía đường Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: Không chấp thuận đề xuất của Bộ Công thương theo đề nghị của Hoàng Anh Gia Lai và Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa về việc nhập khẩu đường Hoàng Anh Gia Lai sản xuất tại Lào để chế biến rồi xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu phụ, lối mở.
“Nếu cho Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa nhập khẩu đường nguyên liệu để sản xuất thì nên thực hiện tạm nhập chính ngạch và tái xuất cũng chính ngạch qua các cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế có sự giám sát chặt chẽ của Hải quan. Nếu tiêu thụ trong nước phải nằm trong hạn ngạch nhập khẩu hàng năm mà Việt Nam đã cam kết với WTO bằng hình thức đấu thầu nhập khẩu, qua đó thu chênh lệch giá về cho ngân sách” – ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam mong mỏi.