Tại buổi chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn (NN-PTNT) diễn ra chiều 19/11, đại biểu Đặng Thị Kim Chi, đoàn Phú Yên đưa ra câu hỏi về việc chủ trương nhập khẩu đường và kiến nghị nhập 30.000 tấn đường của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) trong bối cảnh lượng tồn kho vẫn còn lớn.
Trả lời vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết, “Việc có cho nhập khẩu 30 ngàn tấn của công ty Hoàng Anh Gia Lai vào Việt Nam hay không, tôi xin phép đại biểu và Quốc hội sẽ phối hợp với Bộ Công thương xem xét kỹ đề xuất của công ty và những điều kiện tạm nhập, tái xuất, sơ chế ở trong nước như thế nào”.
Tuy nhiên, ngay khi thông tin này được đăng tải, đã có rất nhiều ý kiến nghị hồi, thể hiện sự bất bình, không đồng ý với kiến nghị nhập khẩu đường của công ty do ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) sản xuất tại Lào cho Công ty cổ phần đường Biên Hòa tinh luyện rồi tái xuất sang Trung Quốc. Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho rằng hợp tác này đi ngược lại lợi ích của ngành, quay lưng với người dân trồng mía ở Việt Nam.
Trả lời trong bài viết: “Bầu Đức bị phản đối nhập đường từ Lào vào Việt Nam” được đăng tải trên Vnexpress, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VSSA cho biết, nếu chấp nhận hỗ trợ cho HAGL, vô hình trung sẽ để đường nước ngoài có cơ hội lấn chiếm xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Và việc nhập khẩu đường từ Lào để tái chế rồi xuất qua cửa khẩu phụ Bản Vược vi phạm chính sách biên mậu thỏa thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Chia sẻ trên tờ Thanh niên, Ông Đỗ Thanh Liêm, Phó chủ tịch VSSA (Tổng giám đốc Công ty mía đường Khánh Hòa) nói: “Nếu Chính phủ đồng ý cho Đường Biên Hòa nhập đường nguyên liệu của HAGL để tinh chế rồi xuất khẩu thì cũng phải cho các nhà máy khác làm điều này. Lúc đó chúng tôi chỉ cần mua đường thô từ Thái Lan về chế biến, không cần quan tâm đến nông dân trồng mía nữa.
Chúng tôi không phải cố bảo vệ cho lợi ích mỗi nhà máy mà là bảo vệ quyền lợi của hàng triệu nông dân. Hơn nữa theo thỏa thuận của VN và Trung Quốc, chính sách biên mậu khu kinh tế cửa khẩu chỉ cho phép mua bán trao đổi hàng hóa do nhân dân hai nước sản xuất ra. Nếu cho nhập khẩu đường của Lào rồi tinh chế xuất khẩu qua cửa khẩu mậu biên là vi phạm nguồn gốc hàng hóa, phía Trung Quốc có đủ cơ sở để phạt hoặc đóng biên đối với mặt hàng đường”.
Ông Lê Văn Thanh, TGĐ công ty Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa), trong một bài viết đăng trên tờ Motthegioi đã bức xúc: “Chính phủ đã có chủ trương chống buôn lậu rồi thì tại sao không làm triệt để, vẫn để đường lậu tràn vào không kiểm soát được. Gần đây lại ‘đẻ’ ra hình thức tạm nhập tái xuất mặt hàng đường, họ nhập về tiêu thụ luôn chứ có xuất đi đâu”.
Trước đó, trong tiêu đề “Không thể để Hoàng Anh Gia Lai bán đường vào Việt Nam”, đăng trên website BizLIVE thuộc bản quyền của Diễn đàn đầu tư cho rằng: giá đường mía của HAGL chỉ bằng 1/3 giá đường của các công ty Việt sản xuất tại nội địa. Như vậy, với lợi thế về giá cả chắc chắn HAGL sẽ chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, đánh sập đường nội nên việc “phản pháo” của các bên liên quan là điều không thể tránh khỏi. Và hơn nữa, việc nhập khẩu đường này chắc chắn sẽ không khỏi gây tổn hại đến nền kinh tế nước nhà.
Phản hồi kiến nghị của VSSA, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT HAGL, cho rằng không thể nói HAGL đưa đường về cho Công ty CP Đường Biên Hòa thì công ty này không mua đường trong nước, ảnh hưởng đến DN ngành mía đường. Theo ông Đức, đường trong nước không được phép xuất khẩu, Công ty CP Đường Biên Hòa muốn mua đường để tinh luyện nhằm xuất khẩu thì phải chọn mua hàng nào xuất khẩu được, ít nhất là phải đủ tiêu chí cần thiết.
“Tôi có thảo luận về việc bán 30.000 tấn đường cho công ty đường Biên Hòa nhưng tôi bán đường thô để công ty đường Biên Hòa sản xuất thành đường tinh chế rồi xuất đi nước ngoài. Tôi khẳng định HAGL không bán bất kỳ hạt đường nào trong nước.
Vì vậy, việc Hiệp hội Mía đường phản đối chúng tôi là hiểu nhầm chúng tôi. Chúng tôi cũng là một doanh nghiệp Việt Nam và chúng tôi không làm ảnh hưởng đến quyền lợi doanh nghiệp khác. Không nên sát phạt chúng tôi”, ông Đức cho hay.