Những ngày gần đây, dư luận "dậy sóng" trước thông tin Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) do ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị có ý định bán 30.000 tấn đường do doanh nghiệp này sản xuất tại Lào cho Công ty cổ phần đường Biên Hòa tinh luyện rồi tái xuất sang Trung Quốc.
Theo tính toán của giới thạo tin thì giá mía của HAGL tại Lào rất thấp chỉ 296.000 đồng/tấn mía; từ đó giá thành đường do HAGL sản xuất tại Lào đặc biệt thấp, chỉ 4.320.000 đồng/tấn đường. Trong khi các nhà máy đường trong nước mua mía cho nông dân từ 950.000 – 1.150.000 đồng/tấn mía, chiếm 9.000.000 – 11.000.000 đồng vào giá thành của 1 tấn đường. Như vậy, nếu so sánh về giá cả, giá đường của HAGL chỉ bằng 1/3 so với giá đường trong nước.
Chính vì vậy, khi kiến nghị này được đưa ra trong phiên chất vấn Quốc hội hôm 19/11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết, “Việc có cho nhập khẩu 30 ngàn tấn của công ty Hoàng Anh Gia Lai vào Việt Nam hay không, tôi xin phép đại biểu và Quốc hội sẽ phối hợp với Bộ Công thương xem xét kỹ đề xuất của công ty và những điều kiện tạm nhập, tái xuất, sơ chế ở trong nước như thế nào”.
Tuy nhiên, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) lại cho rằng nếu hoạt động hợp tác này được thông qua thì nó sẽ đi ngược lại lợi ích của ngành, quay lưng với người dân trồng mía ở Việt Nam. Bởi lẽ, theo phân tích của Hiệp hội thì đây sẽ làm hành động khiến cho không chỉ ngành mía đường trong nước mà còn cả một bộ phận lớn những người dân chịu ảnh hưởng nặng nề.
Phản pháo lại những lời cáo buộc đó, bầu Đức cho hay, việc bán đường cho Công ty cổ phần đường Biên Hòa sau đó xuất sang Trung Quốc không động chạm đến thị trường Việt Nam. Khi xuất và nhập đường thì cả HAGL và đường Biên Hòa đều phải đóng thuế, mang lợi ích cho nhà nước.
Ngay lập tức, cộng đồng mạng đồng loạt lên tiếng, thể hiện sự đồng tình với kiến nghị của ông chủ HAGL. "Cạnh tranh bình đẳng. Tôi ủng hộ bầu Đức", bạn độc giả có nickname Phuongphanvan cho hay.
Comment của độc giả ủng hộ ông bầu Đoàn Nguyên Đức
"Tại sao chính sách quản lý, đầu tư công nghệ...v..v...không tốt để giá sản xuất trong nước quá cao rồi lại đi đổ trách nhiệm lên đầu doanh nhân??? Hãy mở cửa để thị trường làm công việc của nó", bạn Thừa chia sẻ.
"Rẻ mà đảm bảo chất lượng thì ủng hộ. Việt Nam mình cái gì cũng mắc nên mở cửa đón hàng rẻ vào. Trồng mía mà mắc hơn người ta thì trồng cái khác", bạn Hùng bày tỏ quan điểm cá nhân.
"Tôi ủng hộ bầu Đức, cạnh tranh lành mạnh, người tiêu dùng được lợi là lợi toàn dân và ngay cả người dân trồng cũng được lợi nếu như các ông chủ trong nước ý thức được năng suất và đầu tư công nghệ quy trình tốt hơn như vậy giá thành thu mua thấp thay vào đấy là năng suất. Nên nhớ người lao động ở Lào rất đông người Việt Nam trong các lĩnh vực từ nông nghiệp đến xây dựng vv... Vậy tại sao họ sống được và có thu nhập gửi về? Đến lúc nên thay đổi tư duy, không o bế mà cạnh tranh lành mạnh nỗ lực hơn nữa để mang lại hiệu suất cao nhất cho ông chủ và người dân", Võ Dũng cho hay.
"Tôi ủng hộ chú Đức và quyết định đặt tên con trai là Trần Nguyên Đức luôn. Rõ ràng người Việt Nam sẽ hưởng được lợi từ sự cạnh tranh", nickname Su Tran cho hay.
"99,9% mọi người ủng hộ ông Đức, vậy sao không mau tiến hành cho rồi", saosanga4 bình luận.
"Mía bên Lào do HAGL tự trồng có năng suất cao hơn hẳn ở Việt Nam. Đã đến lúc cần phải thay đổi chứ không phải né tránh" .
Như vậy có thể thấy rằng, đa số những ý kiến được đưa ra đều thể hiện sự đồng tình, ủng hộ dành cho bầu Đức. Bởi lẽ, một khi kiến nghị này của ông chủ HAGL được chấp thuận thì đồng nghĩa với việc người dân trong nước được sử dụng sản phẩm với giá rẻ hơn, sản phẩm mang tính cạnh tranh hơn.
Hơn nữa, nếu được thông qua, đây sẽ là một đòn nặng đánh vào đầu ngành sản xuất mía đường trong nước, buộc ngành có những biện pháp, chính sách thay đổi sao cho phù hợp với tình hình hiện tại, cũng như sẽ có những cải tiến mới, thay đổi công nghệ nhằm thúc đẩy nền kinh tế trong nước, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, giảm sức lao động cho người nông dân.
Luật cạnh tranh: Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10:
Điều 4. Quyền cạnh tranh trong kinh doanh
1. Doanh nghiệp được tự do cạnh tranh trong khuôn khổ pháp luật. Nhà nước bảo hộ quyền cạnh tranh hợp pháp trong kinh doanh.
2. Việc cạnh tranh phải được thực hiện theo nguyên tắc trung thực, không xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, của người tiêu dùng và phải tuân theo các quy định của Luật này.