Ảnh minh họa.
Vào mùa hè hoặc mùa đông, trẻ em trong độ tuổi từ 1 tháng tới 3 tuổi thường mắc các căn bệnh như viêm da cơ địa, viêm họng, viêm amidan,... Nhiều phụ huynh chủ quan nghĩ con chỉ bị bệnh theo mùa. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các bác sĩ, có thể có 1 căn bệnh nguy hiểm hơn ẩn sau những biểu hiện này, đó là viêm cầu thận cấp tính.
Viêm cầu thận cấp tính là căn bệnh tự miễn. Ở nước ta, bệnh viêm cầu thận cấp thường xảy ra vào mùa hè (do tình trạng nhiễm khuẩn ngoài da) và mùa đông (do viêm họng). Căn bệnh này có liên quan trực tiếp tới vệ sinh môi trường và điều kiện sống.
TTƯT.BSCKII Tạ Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Tiết niệu thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết viêm cầu thận là tình trạng các cầu thận bị tổn thương. Khi cầu thận bị viêm, thận sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc loại bỏ chất thải và chất lỏng ra khỏi cơ thể. Nếu người bệnh không được điều trị sớm có thể dẫn tới suy thận.
"Viêm cầu thận ở trẻ em thường xảy ra với những trẻ đã bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn trước đó. Nguyên nhân là do cơ địa dị ứng, sức đề kháng kém hay vệ sinh kém. Thông thường trẻ dưới 3 tuổi bị viêm cầu thận sau khi mắc những bệnh nhiễm khuẩn ngoài da. Các trường hợp viêm cầu thận trên 3 tuổi thường là sau khi mắc viêm họng, viêm amidan. Triệu chứng rõ nhất ở người bệnh viêm cầu thận cấp là phù. Bệnh gây phù mặt, mí mắt sưng nề, hai chân phù. Bệnh nhi thường bị phù nhiều vào buổi sáng, giảm đáng kể vào chiều tối", BS Dung cho biết thêm.
Cầu thận là đơn vị lọc được tạo thành từ các mao mạch trong thận. Chức năng của bộ phận này là lọc máu, loại bỏ chất thải và chất lỏng ra khỏi máu. Đây là bước đầu tiên khi cơ thể tạo ra nước tiểu. Ảnh: BVCC.
Hậu quả khi trẻ mắc viêm cầu thận cấp
BS Dung phân tích, viêm cầu thận cấp gây ra nhiều vấn đề về tiểu tiện ở trẻ như protein niệu, tiểu máu, tiểu ít (thiểu niệu, vô niệu).
Trẻ tiểu máu khoảng 1 - 2 lần/ngày, không thường xuyên. Tình trạng này thường xuất hiện trong tuần đầu khi mắc viêm cầu thận, có khả năng quay lại sau 2 - 3 tuần.
Triệu chứng tiểu ít thường xuất hiện trong tuần đầu mắc bệnh, kéo dài khoảng 3 - 4 ngày. Khối lượng nước tiểu mỗi ngày của trẻ dưới 500ml. Thiểu niệu có thể tái phát trong 2 - 3 tuần mắc bệnh.
Khi mắc bệnh, huyết áp của trẻ có thể tăng cao khoảng 140/90 mmHg. Một số trường hợp huyết áp có thể tăng khoảng 180/100mmHg. Người bệnh có cảm giác đau dữ dội, choáng váng, hôn mê, co giật (do phù não), thậm chí có thể dẫn tới tử vong.
Ngoài ra, suy tim cũng thường đi kèm với triệu chứng tăng huyết áp kịch phát do đột ngột tăng khối lượng tuần hoàn. Đây cũng có thể là tình trạng viêm cầu thận cấp tính ở trẻ gây ra bệnh lý cơ tim. Trẻ suy tim cấp tính có biểu hiện khó thở, không nằm được, dễ dẫn tới phù phổi, ho, khạc ra bọt màu hồng...
Cần chẩn đoán sớm viêm cầu thận cấp ở trẻ
Để chẩn đoán bệnh viêm cầu thận cấp ở trẻ, bác sĩ sẽ thăm khám, hỏi về các triệu chứng của bệnh nhi và tiền sử sức khỏe của gia đình. Ngoài ra, bệnh nhi có thể được chỉ định thực hiện một số phương pháp chẩn đoán như cấy trùng cuống họng, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, điện tâm đồ (phát hiện các bất thường ở tim), siêu âm thận, chụp X-quang phổi và sinh thiết thận.
Nguyên tắc điều trị viêm cầu thận cấp ở trẻ là giảm gánh nặng cho thận, tăng cường chức năng tạo nước tiểu của thận, phát hiện sớm và điều trị kịp thời những biến chứng nặng, tiêu diệt liên cầu khuẩn và phòng ngừa nguy cơ tái phát, theo dõi định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị các trường hợp có diễn biến xấu.
Bác sĩ sẽ xác định phương án điều trị cho trẻ dựa trên độ tuổi, sức khỏe tổng thể, tiền sử bệnh, mức độ viêm cầu thận cấp, đáp ứng của trẻ đối với các loại thuốc hoặc kỹ thuật điều trị, nguyện vọng của bệnh nhi và người nhà.
Đối với trường hợp viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu, phương án điều trị sẽ tập trung vào việc điều trị khỏi nhiễm trùng và cải thiện những triệu chứng liên quan tới nhiễm trùng. Điều trị chủ yếu làm chậm tiến triển bệnh, ngăn ngừa các biến chứng.
Khi trẻ có những dấu hiệu của viêm cầu thận cấp, người nhà nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế uy tín để có biện pháp xử lý kịp thời, ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng. Ảnh minh họa.
Khi viêm cầu thận cấp liên quan tới các vấn đề về hệ thống miễn dịch, trẻ có thể được chỉ định dùng steroid và những loại thuốc giúp ức chế miễn dịch. Một số trường hợp sẽ cần tới lọc máu nhân tạo (chạy thận) khi thận bị tổn thương nhiều, không thể phục hồi.
Nếu huyết áp của bệnh nhi quá cao hoặc xảy ra tổn thương cơ quan đích do biến chứng tăng huyết áp trên tim, não, phổi và làm trầm trọng thêm tình trạng suy thận, cần có biện pháp hạ áp tích cực. Ngoài trị liệu hạ áp, bác sĩ có thể phối hợp thuốc với nhiều cơ chế tác dụng. Việc chọn thuốc và liều dùng sẽ dựa theo từng điều kiện cá thể và chuyển biến lâm sàng. Bệnh nhi khi không đáp ứng thuốc có thể cần can thiệp bằng lọc máu.
Bệnh viêm cầu thận cấp ở trẻ nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ có khả năng phục hồi hoàn toàn. Do đó, ngay khi xuất hiện triệu chứng, người nhà nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế uy tín để có biện pháp xử lý kịp thời, ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng.