Đồng Nai: Người đàn ông "nuôi" 1000 con sán lá gan chỉ vì một thói quen giống nhiều người

Ngọc Anh |

Bệnh nhân T. được chẩn đoán nhiễm trùng đường mật và tắc mật do sán lá gan. Theo lời kể, trước đây ở quê anh hay có thói quen ăn gỏi cá sống, tiết canh heo, vịt và rau sống.

Hút gần 1.000 con sán lá gan trong ống mật của bệnh nhân

Mới đây, bác sĩ Trần Quốc Vĩ, Trưởng khoa Ngoại tổng quát - Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết, các bác sĩ của khoa vừa gắp, hút được khoảng gần 1.000 con sán lá gan trong ống mật của bệnh nhân.

Bệnh nhân là T.N.T., 36 tuổi, quê Hải Dương, tạm trú ở Đồng Nai, nhập viện với triệu chứng đau bụng vùng hạ sườn phải, sốt và vàng da do tắc mật. Sau khi được siêu âm, chụp CT, xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân T. bị viêm mủ đường mật, chỉ định phải mổ cấp cứu.

Sau mổ, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng đường mật và tắc mật do sán lá gan. Các bác sĩ đã gắp, hút được khoảng 1.000 con sán lá gan trong ống mật của bệnh nhân.

Mỗi con sán có chiều dài khoảng 3cm, chiều ngang từ 1-1,5cm. Các bác sĩ khoa ngoại đã mời chuyên khoa Truyền nhiêm của bệnh viện lên điều trị đặc hiệu cho bệnh nhân.

Theo lời kể của bệnh nhân T, trước đây ở quê anh hay có thói quen ăn gỏi cá sống, tiết canh heo, vịt và rau sống.

Vài năm gần đây, mỗi khi ăn các thức ăn nóng như ớt, riềng sống, rượu bia thì anh cảm thấy đau bụng, ngứa từ vùng bụng xuống chân, người mệt mỏi, khó chịu. Do chủ quan, mỗi lần đau anh T. lại đi mua thuốc tây điều trị dạ dày để uống nhưng không thấy thuyên giảm.

Đồng Nai: Người đàn ông nuôi 1000 con sán lá gan  chỉ vì một thói quen giống nhiều người - Ảnh 1.

Hình ảnh sán ken trong cơ thể

Nói về trường hợp sán lá gan, GS Nguyễn Văn Đề - Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng, trường Đại học Y Hà Nội cho biết ông cũng từng gặp nhiều bệnh nhân như trên, thậm chí tưởng ung thư gan nhưng cuối cùng thủ phạm lại chính là những con sán gây ra.

Còn có một ca bệnh nữa là trường hợp của anh Nguyễn Văn Thịnh, quê Bắc Giang. Anh Thịnh là lao động chính trong gia đình.

Cách đây 1 năm anh cảm giác ăn uống không tiêu, rối loạn tiêu hoá, người mệt mỏi và khi lao động hay bị đau vùng hạ sườn, da vàng, mắt vàng hơn. Anh đã được người thân động viên đi kiểm tra sức khoẻ.

Sau khi thăm khám, bác sĩ cho biết anh bị viêm gan, tắc mật có mủ nhưng không biết là bệnh gì. Có những ổ xơ ố trên siêu âm và phim CT chụp gan. Bác sĩ đã chẩn đoán theo dõi K gan.

Cả gia đình anh Thịnh ôm nhau khóc vì anh mới 33 tuổi, vợ cũng hay ốm yếu, hai con gái còn nhỏ. Nghĩ đến tiền chữa ung thư có thể lên tới vài trăm triệu, lại là ung thư gan anh Thịnh đành nghĩ quẩn về quê sống với vợ con ngày nào hay ngày đó không chữa bệnh nữa vì sợ trở thành gánh nặng cho gia đình.

Cả mấy tháng sống chung với ung thư gan, hàng ngày chỉ uống chút thuốc nam, anh thấy bệnh khá hơn, đỡ mệt hơn nhưng cảm giác luôn đầy bụng, đau dạy dày, nước tiểu vàng sậm và thi thoảng mới xuất hiện cơn đau hạ sườn.

Anh Thịnh lấy hết can đảm lên Bệnh viện Việt Đức kiểm tra. Sau khi làm các xét nghiệm lâm sàng và cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán viêm túi mật, viêm xơ gan nhưng không thấy có chất chỉ điểm ung thư gan nên giới thiệu anh Thịnh làm xét nghiêm ký sinh trùng.

Thấy bạch cầu ái toan tăng cao, các bác sĩ cho làm thêm xét nghiệm phân thì phát hiện có trứng sán lá gan nhỏ và chẩn đoán không phải ung thư gan mà là sán lá gan nhỏ. Bác sĩ cũng "thu" được cả ổ sán trong gan và túi mật giải phóng "nỗi ám ảnh ung thư" cho anh Thịnh.

Tuyệt đối không nên ăn gỏi

Giáo sư Nguyễn Văn Đề cho biết tập quán ăn gỏi cá, đặc biệt là ở miền Bắc nước ta chính là nguyên nhân làm cho bản đồ "sán lá gan nhỏ" ở Việt Nam đậm màu hơn.

Qua nghiên cứu dịch tễ của ông cùng cộng sự ở các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hoá, Hà Nam, GS Đề đã phát hiện có tới 60 – 80 % người có thói quen ăn gỏi cá và mắc sán lá gan.

Khu vực miền Nam có tỷ lệ này thấp hơn, khoảng 40 – 60 %, tập trung ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên. Tỷ lệ mắc sán ở nam giới cao hơn nữ giới.

Đồng Nai: Người đàn ông nuôi 1000 con sán lá gan  chỉ vì một thói quen giống nhiều người - Ảnh 3.

Gỏi cá món khoái khẩu dễ mang sán vào cơ thể.

Bác sĩ Đề đưa ra con số cá nước ngọt ở Hà Nội nhiễm ký sinh trùng sán lá gan nhỏ chiếm từ 1 – 21 %, ở một số tỉnh, tỷ lệ cá bị nhiễm ấu trùng sán lá gan lên tới 44 – 90 %.

Nếu người ăn gỏi cá thì ấu trùng sẽ xâm nhập vào cơ thể ký sinh ở túi mật, ống mật của gan. Thời gian ấu trùng phát triển thành con sán trong cơ thể mất khoảng 24 – 26 ngày, sau đó sán đẻ trứng và trứng thải qua phân ra môi trường.

Giáo sư Đề đề biết dấu hiệu sán lá gan ở giai đoạn sớm đều không có triệu chứng điển hình. Chỉ đến khi người bệnh thấy đau bụng, khó tiêu, đầy hơi, rối loạn tiêu hoá người mệt mỏi thì mới đi kiểm tra sức khoẻ nhưng đa số lại không nghĩ đến bệnh ký sinh trùng.

Trường hợp như anh Thịnh ở trên không phải hiếm. GS Đề kể có bệnh nhân tưởng ung thư gan, mổ gan ra để bệnh phẩm lên bàn thì sán bắt đầu chui ra. Lúc ấy thủ phạm đã được xác định là sán lá gan chứ không phải tế bào ác tính sinh u.

Nhưng không nên coi thường sán lá gan vì chúng có thể gây viêm đượng mật, xơ gan cổ trướng, viêm tuỵ. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh vẫn có thể tử vong.

Giáo sư Đề cho biết, cách phòng bệnh là tuyệt đối không ăn gỏi cá, các loại rau sống thủy sinh vì nguy cơ mắc sán lá gan lớn cũng rất cao, gia đình có người mắc sán lá gan có thể làm xét nghiệm sàng lọc.

Cách phòng bệnh gan nhiễm mỡ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại