Nghiện món khoái khẩu và cái kết không ngờ tới
Ông Nguyễn Văn H. 51 tuổi quê ở Tiên Lãng, Hải Phòng cho biết, từ năm 2011, ông bị đau đầu nên phải đi viện khám. Bác sĩ chẩn đoán ban đầu ông bị rối loạn tiền đình. Nhưng càng ngày, ông càng bị đau đầu dữ dội.
Đến năm 2012, chân phải ông không đi được kèm theo triệu chứng buồn nôn, ăn gì nôn đấy. Thậm chí, uống nước cũng nôn, người gầy sút cân. Khi đi khám, bác sĩ chụp CT não thấy có các u nhỏ trên não. Bác sỹ nghi nghờ ông bị u não.
Sau đó, ông đến khám tại Viện sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng TW khám, bác sĩ phát hiện ông bị nhiễm sán lợn, sán đã "chu du" lên não gây đau đầu một thời gian dài.
Thịt sống, nem, chạo là các món có nguy cơ nhiễm sán cao
Ông H cho biết, ông rất thích ăn nem và vẫn ăn món này thường xuyên. Ông không biết lý do mắc bệnh có phải do thói quen này không. Sau khi bác sĩ tư vấn, nghe tình trạng ông H, các bác sĩ nghi ngờ nem thính chính là thủ phạm gây bệnh sán lợn.
Hay như trường hợp của bà Nguyễn Thị Mỹ, quê Phú Thọ hiện đang sống ở Hà Nội kể, bà có sở thích ăn thịt chua và nem chua, nên lần nào về quê cũng phải mua vài lọ thịt chua, ít nem chua. Bà Mỹ nghĩ đơn giản rằng, các loại thịt làm nem nhất là lợn quê nuôi an toàn, không chất hóa học nên yên tâm ăn.
Cho đến khi bà thấy đau bụng, người mệt mỏi, ăn uống khó tiêu hóa, giảm cân, bà Mỹ mới đi kiểm tra nhưng bác sĩ không phát hiện bệnh gì. Bà cho biết đã nội soi cả dạ dày, đại trực tràng nhưng cũng không ra bệnh.
Sau đó, bác sĩ giới thiệu bà Mỹ đi làm xét nghiệm ký sinh trùng. Bà Mỹ được sinh thiết nang dưới da tìm ký sinh trùng và phát hiện ra ký sinh trùng sán lợn, nguyên nhân chủ yếu đến từ món khoái khẩu của bà và gia đình. Hiện tại, bà Mỹ đã điều trị xong. Kể từ đó gia đình bà đã nói không với các loại nem, thịt sống….
Ấu trùng sán lợn ký sinh có thể gây động kinh, tử vong
Theo GS Nguyễn Văn Đề - Nguyên trưởng Bộ môn Ký sinh trùng – Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, bệnh sán dây lợn là một trong những bệnh ký sinh trùng phổ biến ở Việt Nam.
GS Nguyễn Văn Đề
Bệnh sán lợn khó chẩn đoán, bệnh nhân dễ bị chẩn đoán nhầm tới các bệnh lý khác, thậm chí có người điều trị lâu không khỏi sinh ra chán và đến khi xác định được sán thì cơ thể chỉ còn da với xương.
Tại Việt Nam, bệnh sán dây bò và sán dây lợn phân bổ rải rác ở nhiều nơi liên quan đến tập quán ăn thịt trâu bò hoặc thịt lợn, gan lợn chưa nấu chín.
Ở đồng bằng, tỷ lệ nhiễm sán dây từ 0,5 – 2 %, ở trung du và miền núi, tỷ lệ nhiễm sán dây từ 2 – 6 %, nhưng cũng có nơi 9 % (Yên Bái) và 12 % (Bắc Ninh).
Đặc biệt tại Bắc Ninh tập quán ăn thịt lợn sống như nem thính rất phổ biến, ở đây đã xác định có sán dây Châu Á T. saginata và T. solium ký sinh trên người.
Ngoài ra, các đốt sán thu thập trên người từ 30 tỉnh thành trong cả nước bao gồm cả miền Bắc và Đồng bằng Bắc Bộ, miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam được xác định là T. saginata bằng sinh học phân tử.
Riêng sán dây lợn, tại Việt Nam, kết quả điều tra cho thấy, lợn ở miền núi phía Bắc nhiễm C.cllulosae rừ 0,03 – 0,31 %, ở vùng trung du là 0,02%, ở miền nam là 0,9 %. Thống kê hơn 2 triệu con lợn tại lò mổ Hà Nội từ năm 1989 – 1993 có 799 con nhiễm Cysticercus cellulosae và 959 con nhiễm ấu trùng C. tenuicollis.
GS Đề cho biết, khi nhiễm bệnh, sán dây trưởng thành chiếm thức ăn, gây kém hấp thu, rối loạn tiêu hóa và nhiễm độc thần kinh. Các sản phẩm chuyển hóa của sán dây gây độc cho hầu hết các cơ quan trong cơ thể như tim mạch, cơ quan tạo máu, hệ thống thần kinh, tuyến nội/ngoại tiết. Tại chỗ, sán dây gây đau bụng, có thể bán tắc ruột.
Ấu trùng sán lợn ký sinh ở cơ chỉ gây ra những u nhỏ dưới da, không gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nhưng ấu trùng sán lợn ký sinh ở não gây động kinh, co giật, liệt, nói ngọng, nhức đầu… Tùy thuộc vị trí ký sinh của ấu trùng, làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh, đôi khi còn gây tử vong.
Triệu chứng khi nhiễm sán rất ít, một số người đau bụng, rối loạn tiêu hóa, suy nhược thần kinh hoặc cáu gắt. Dấu hiệu chính là thấy các đốt sán theo phân ra ngoài hoặc tự bò ra từ hậu môn.
Xuất hiện các đốt sán theo phân là những đoạn nhỏ, bẹt, trắng như sơ mít, đầu bằng và một số trường hợp xuất hiện trứng sán trong phân.
Để phòng sán lợn, theo GS Đề tốt nhất không ăn thịt lợn, gan lợn, thịt trâu, bò chưa nấu chín như nem thính, nem chua, thịt lợn tái, gan tái, thịt trâu bò tái… Người dân nên quản lý phân thật tốt, không cho lợn ăn phân người, không ăn rau sống, uống nước lã...
Ký sinh trùng bơi lội trong mắt bệnh nhân