Sau những căng thẳng tranh chấp biên giới liên tiếp trong hai tuần gần đây, quân đội Trung Quốc đã cho điều động thêm nhân lực và vũ khí gồm máy bay ném bom, lính phòng không, pháo binh, xe bọc thép, lính dù, lính đặc nhiệm và các đơn vị bộ binh từ nhiều lực lượng trên cả nước tới sát vùng biên giới đang xảy ra tranh chấp với Ấn Độ.
Theo nhận định được giới phân tích Trung Quốc đưa ra hôm 9/9, động thái trên cho thấy Trung Quốc muốn chứng minh năng lực quân sự và quyết tâm trong vấn đề tranh chấp chủ quyền.
Cụ thể, hôm 8/9, Chiến khu Trung Bộ của quân đội Trung Quốc tuyên bố các máy bay ném bom chiến lược Xian H-6H và máy bay vận tải Xian Y-20 đã được triển khai tới một căn cứ không quân ở Tây Tạng để tham gia sứ mệnh huấn luyện.
Máy bay vận tải Xian Y-20 của Trung Quốc
Trong đó, máy bay ném bom H-6H có tầm hoạt động 2.500 km và có khả năng mang theo vũ khí không đối đất hạng nặng hoặc tên lửa hành trình diệt hạm.
Hoạt động điều động H-6H và Y-20 diễn ra chỉ sau một ngày Trung Quốc lên tiếng cáo buộc binh sĩ Ấn Độ tiếp tục trái phép vượt qua Đường Kiểm soát thực tế (LAC) vào ngày 7/9.
Cụ thể, các binh sĩ Ấn Độ được cho đã vượt qua khu vực phía tây biên giới Trung - Ấn trên LAC để tiến vào vùng núi Shenpao nằm gần bờ phía nam của sông Pangong Tso.
Thậm chí, binh sĩ Ấn Độ còn nổ vài phát súng cảnh cáo về phía binh lính tuần tra biên giới của Trung Quốc đã có mặt từ trước ở khu vực này.
Song Ấn Độ đã lên tiếng phủ nhận lời cáo buộc từ phía Trung Quốc. Theo Ấn Độ, Trung Quốc mới là lực lượng trái phép vượt qua LAC và nổ súng chỉ thiên về phía binh sĩ Ấn Độ ở khu vực đang xảy ra tranh chấp. New Delhi cho biết thêm, các binh sĩ Trung Quốc còn cố tình bao vây một chốt kiểm soát biên giới của quân đội Ấn Độ.
Theo truyền thông Trung Quốc, các cuộc tập trận tấn công tầm xa, triển khai quân và bắn đạn thật liên tiếp được tiến hành ở các vùng sa mạc phía tây bắc Trung Quốc và vùng tự trị Tây Tạng ở tây nam Trung Quốc trong những tuần qua, sau khi binh sĩ Ấn Độ bị cáo buộc vượt qua LAC ở khu vực gần bờ phía nam hồ Pangong Tso và gần con đèo Reqin vào ngày 31/8.
Hồi tuần trước, đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin, các hệ thống tên lửa chống tăng HJ-10 thuộc Cụm Tập đoàn quân số 71 đã di chuyển quãng đường dài hàng ngàn kilomet từ tỉnh Giang Tô tới sa mạc Gobi ở phía tây bắc Trung Quốc.
Trong khi đó, Quân khu Tây Tạng của quân đội Trung Quốc cũng đã cho triển khai cuộc tập trận tấn công lữ đoàn kết hợp cả ngày lẫn đêm trên độ cao hơn 4.500 m.
Ngoài ra, hôm 4/9, CCTV cho hay, một lữ đoàn phòng không thuộc Cụm Tập đoàn quân số 72 gần đây đã được điều động tới sa mạc Gobi và tổ chức tập trận phản công bằng súng phòng không và tên lửa.
Cũng theo bản tin được CCTV công bố, lực lượng lính dù và thiết bị quân sự hạng năng trên một chiếc máy bay vận tải của không quân Trung Quốc đã thực hành diễn tập kiểm soát và bắt giữ đa chiều trên sa mạc Gobi.
Máy bay ném bom chiến lược Xian H-6H của Không quân Trung Quốc
Thời gian gần đây, các đơn vị của quân đội Trung Quốc cũng tự đăng tải những đoạn video trên tài khoản mạng xã hội chính thức về hoạt động triển khai quân, điều động pháo binh, xe bọc thép cùng các đơn vị bộ binh tới vùng tranh chấp với Ấn Độ.
Gần nhất, tờ Thời báo Hoàn Cầu công bố hôm 9/9, một lữ đoàn thuộc Quân khu Tây Tạng đã tổ chức cuộc tập trận bắn đạn thật ở độ cao trên 4.900 m. Nội dung tập trận gồm tấn công chính xác với các hệ thống vũ khí tích hợp súng phóng tên lửa, hệ thống tấn công kết hợp và tấn công đa chiều.
Một chuyên gia quân sự giấu tên tại Bắc Kinh chia sẻ với Thời báo Hoàn Cầu rằng, hoạt động chuẩn bị cả về binh sĩ và vũ khí của Trung Quốc là để sẵn sàng đối phó trước hoàn cảnh xấu nhất, nếu như không may bùng nổ một cuộc xung đột quy mô lớn ở biên giới tranh chấp giữa Trung - Ấn.
Giới phân tích quân sự cũng nhận định, quân đội Trung Quốc đang tạo dựng lợi thế trên mọi mặt trận so với Ấn Độ từ số lượng binh sĩ cho tới thiết bị quân sự, chiến thuật và chiến lược quân sự.
Thậm chí, trong cuộc họp bàn với Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh tại Moscow vào tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã nhấn mạnh rằng, Ấn Độ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước những căng thẳng tranh chấp biên giới giữa hai nước trong thời gian gần đây.
Theo ông Ngụy, Trung Quốc không thể để mất bất cứ phân đất nào trên lãnh thổ và các lực lượng vũ trang hoàn toàn quyết tâm, đủ năng lực và tự tin để bảo vệ chủ quyền và hợp nhất lãnh thổ quốc gia.
Về phần mình, các đoàn xe quân sự của quân đội Ấn Độ được nhìn thấy di chuyển qua thị trấn Leh thuộc bang Ladakh vào ngày 8/9. Sự kiện diễn ra sau một ngày cả Trung - Ấn lên tiếng đổ lỗi cho nhau là thủ phạm bắn súng chỉ thiên ở khu vực gần bờ phía nam của sông Pangong Tso, nơi đang xảy ra tranh chấp giữa hai nước.
Thời gian qua, Trung - Ấn nhiều lần cáo buộc binh sĩ hai bên trái phép vượt qua LAC khiến tình hình căng thẳng leo thang. LAC nằm giữa khu vực Ladakh do Ấn Độ quản lý và Aksai Chin do Trung Quốc kiểm soát. LAC có chiều dài 4.057 km là khu vực xảy ra tranh chấp giữa Trung - Ấn trong hàng thập niên qua.
Trung - Ấn từng ký kết một thỏa thuận vào năm 1996 về việc binh sĩ hai nước hoạt động ở khu vực biên giới tranh chấp không được sử dụng súng.
Do đó, sự kiện bắn chỉ thiên vào ngày 7/9 đánh dấu lần đầu tiên xảy ra nổ súng ở vùng tranh chấp biên giới giữa Trung - Ấn, kể từ sau vụ việc xảy ra vào năm 1975 khiến 4 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.
Căng thẳng tranh chấp biên giới giữa Trung - Ấn bùng phát trở lại từ tháng Năm.
Kể từ đó, hàng loạt cuộc đàm phán ngoại giao và quân sự giữa hai bên đã được tiến hành để hạ nhiệt căng thẳng nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để vấn đề.
Đáng nói, một vụ đụng độ đẫm máu ở thung lũng Galwan đã khiến ít nhất 20 quân nhân Ấn Độ tử vong vào ngày 15/6. Đây được xem là cuộc xung đột biên giới nghiêm trọng nhất kể từ sau vụ tranh chấp kéo dài 70 ngày tại cao nguyên Doklam hồi năm 2017.