Chuyên gia dinh dưỡng 'mách' 4 tiêu chí khi chọn rau

Ngọc Minh |

Tiến sĩ Từ Ngữ, Tổng Thư ký Hội Dinh Dưỡng Việt Nam, thẳng thắn chia sẻ rằng khó có thể phân biệt rau sạch hay rau bẩn bằng mắt thường. Nhưng bạn có thể chọn rau theo 4 tiêu chí dưới đây để đảm bảo an toàn.

Ảnh: Minh Tuấn

Ảnh: Minh Tuấn

Tiến sĩ Từ Ngữ, Tổng Thư ký Hội Dinh Dưỡng Việt Nam, thẳng thắn chia sẻ rằng khó có thể phân biệt rau sạch hay rau bẩn bằng mắt thường. Nhưng bạn có thể chọn rau theo 4 tiêu chí dưới đây để đảm bảo an toàn.

4 tiêu chí khi chọn rau

Thời gian gần đây, câu chuyện rau chợ đầu mối đội lốt rau VietGAP tuồn vào siêu thị nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng. Chuyện phân biệt rau bẩn, rau sạch được nhắc tới nhiều hơn bao giờ hết. Vậy làm thế nào để chọn được rau sạch khi đi chợ?

TS Từ Ngữ: Thẳng thắn mà nói, khó có thể phân biệt được rau sạch hay bẩn bằng mắt thường khi mua rau ngoài chợ. Chắc muốn biết rau có sạch không, không còn cách nào khác là phải mang đi phân tích, xét nghiệm.

Tôi con nhớ ngày xưa, các bác nông dân có nói với tôi: "Đi chợ thấy rau nào có sâu ăn thì rau đó là rau sạch". Nhưng giờ thì cũng khó nói lắm, vì tôi biết vẫn có câu chuyện bắt sâu thả vào rau để đi bán. Và khi đi chợ, tôi cũng không hiểm gặp những lời quảng cáo "rau nhà em không phun thuốc nên vẫn có sâu ăn đây"…

Với tôi, để có rau sạch đúng nghĩa thì rau đó khi trồng sẽ không dùng bất cứ chất hoá học nào. Ngay cả phân bón cho rau cũng phải dùng phân hữu cơ. Một tiêu chí cực kỳ quan trọng nữa đó là rau phải được trồng đúng theo thời vụ hay nói dễ hiểu hơn là đúng mùa vụ…

Như ông chia sẻ thì tôi thấy phân biệt rau sạch – rau bẩn khi đi chợ quả thật khó khăn. Vậy khi đi chợ ông sẽ chọn rau như thế nào để an toàn cho sức khoẻ?

TS. Từ Ngữ: Đúng vậy, chuyện để phân biệt rau sạch rau bẩn khi đi chợ là cực kỳ khó. Cá nhân tôi cũng là một người tiêu dùng. Hằng ngày, tôi vẫn phải ăn uống và bữa ăn nào cũng phải có rau. Để an toàn cho bản thân và gia đình, tôi chọn rau theo 4 tiêu chí:

- Thứ nhất, tôi luôn ưu tiên chọn rau chính vụ. Rau chính vụ ít nhất sẽ hạn chế được việc dùng thuốc bảo vệ thực vật.

- Thứ hai, khi đã chọn rau chính vụ rồi, tôi sẽ ưu tiên chọn nhưng loại rau theo tôi nghĩ sẽ dùng ít thuốc trừ sâu hơn như rau muống, rau ngót...

- Thứ 3, rau có rất nhiều loại: rau ăn lá như rau cải, rau muống, rau xà lách, rau cần...; rau củ như cà rốt, củ cải, su hào, củ đậu...; rau quả như cà chua, cà bát, cà pháo, dưa chuột...; rau gia vị gồm các loại hành, tỏi, rau răm, rau mùi… Tôi thường ưu tiên ăn rau củ, rau quả vì tôi cảm thấy nó an toàn hơn rau ăn lá. Ít nhất với củ, quả, tôi có thể gọt được vỏ.

- Thứ 4, khi ăn rau lá, tôi sẽ làm theo nguyên tắc ăn hỗn hợp. Mỗi bữa ăn của tôi có ít nhất 5 loại rau. Với những loại rau tôi nghĩ thường sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật như rau cải, tôi sẽ ăn ít.

Đó là cách ăn rau của ông khi ở nhà. Còn đối với các con, các cháu của ông khi đi làm hoặc ăn ngoài hàng thì không có nhiều lựa chọn. Ông có dạy cho con cháu mình cách ăn rau không?

TS. Từ Ngữ: Đương nhiên là có rồi. Tôi thường dặn các con, cháu khi ăn ở ngoài thì hạn chế ăn rau ăn lá và ưu tiên ăn rau củ. Buổi tối về nhà, các con, các cháu sẽ ăn bù rau lá.

Tôi cũng luôn nhắc nhở các con cháu không nên ăn các thực phẩm biến đổi gen. Tôi biết rằng hiện nay, rất nhiều người Việt Nam đang dùng thực phẩm biến đổi gen mà không hề hay biết.

Để có thể ăn rau sạch mua tại chợ là rất khó vì quy chuẩn trồng rau sạch rất ngặt nghèo, chi phí cao. Bản thân người mua cũng khó bỏ tiền ra mua một bó rau với chi phí cao. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

TS. Từ Ngữ: Đây là một câu hỏi lớn. Để có rau sạch cần phải có sự phối hợp của các nhà khoa học, người nông dân, người tiêu dùng. Trong đó, ý thức trồng trọt của người nông dân cần phải thay đổi theo tư duy trồng trọt an toàn. Đối với cấp quản lý cần phải thường xuyên giám sát, xử phạt nghiêm. Còn đối với người tiêu dùng phải luôn thông thái.

Tại nước ngoài, nông dân họ tuân thủ rất nghiêm khắc quy trình về trồng trọt an toàn. Còn tại Việt Nam, người nông dân của chúng ta chưa làm được.

Chuyên gia dinh dưỡng mách 4 tiêu chí khi chọn rau - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Hệ lụy khi ăn không đủ rau

Tạm gác lại câu chuyện về rau bẩn – rau sạch, tôi rất muốn biết vì sao rau là món không thể thiếu trong mỗi bữa ăn.

TS. Từ Ngữ: Rau không cung cấp nhiều năng lượng nhưng lại không thể thiếu trong khẩu phần ăn do rau cung cấp nhiều chất hoạt tính sinh học, đặc biệt là các muối khoáng có tính kiềm, các vitamin, các chất pectin và axit hữu cơ mà các thực phẩm khác không có.

Ngoài ra, rau còn cung cấp nhiều xenluloza (chất xơ hoà tan). Một số loại rau ăn lá làm gia vị như mùi, rau thơm, hành, tỏi... có chứa tinh dầu và nhiều hoạt chất sinh hoạt tốt cho sức khoẻ.

Các loại rau màu xanh có chứa nhiều vitamin C, vitamin K, folate; các loại rau quả màu sắc giàu vitamin C, beta-carotene và các flavonoids - được chứng minh là có vai trò mạnh mẽ trong việc chống oxy hóa, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, ngăn ngừa bệnh tật. Rau quả còn rất giàu chất xơ, có tác dụng bảo vệ hệ tiêu hóa, tăng sức bền thành mạch và giảm cholesterol.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiêu thụ không đủ rau quả có liên quan đến 14% trường hợp tử vong do ung thư đường tiêu hóa và 9% tử vong do đột quỵ. Vậy làm thế nào để biết mình có đang ăn đủ rau hay không?

TS. Từ Ngữ: Để biết bữa ăn của chúng ta có đủ chất xơ không thì dựa vào phân là có thể biết. Ví dụ, đi đại tiện có đều hay không, phân có khuôn không, màu sắc thế nào… đều liên quan tới chất xơ. Nếu đi đại tiện khó khăn, có lẽ chúng ta đang ăn thiếu chất xơ.

Còn theo WHO khuyến nghị, mức tiêu thụ rau quả tối thiểu là 400g/người/ngày (rau quả ở đây không bao gồm khoai tây và các loại củ giàu tinh bột khác) để ngăn ngừa các bệnh mạn tính như bệnh tim, ung thư, đái tháo đường và béo phì, cũng như ngăn ngừa và giảm thiếu hụt một số vi chất dinh dưỡng.

WHO cũng nhấn mạnh rằng 400g rau quả/ngày là mức khuyến nghị tối thiểu, các quốc gia, vùng lãnh thổ có thể tùy thuộc vào đặc điểm tự nhiên, tập quán ăn uống của người dân để xây dựng các mức khuyến nghị riêng, tuy nhiên không nên dưới mức 400g/người/ngày.

Nếu chúng ta không ăn đủ chất xơ thì điều gì xảy ra?

TS. Từ Ngữ: Không đủ chất xơ khiến cho phân bị giữ lại trong đại tràng, tăng nguy cơ tái hấp thu chất độc không có lợi cho cơ thể. Chất xơ có vai trò giúp đào thải các chất cặn bã, chất độc ra ngoài cơ thể.

Ngoài ra, không ăn đủ rau sẽ kéo theo hàng loạt các vấn đề sức khoẻ khác, ví dụ như gia tăng nguy cơ thừa cân béo phì, tăng nguy cơ rối loạn chuyển hoá, tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Chuyên gia dinh dưỡng mách 4 tiêu chí khi chọn rau - Ảnh 2.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại