Khi phát hiện một người có một trong những dấu hiệu đột quỵ (méo miệng, đột ngột yếu liệt chân tay một bên, ngôn ngữ bất thường), cần gọi ngay cấp cứu 115 - Ảnh: XUÂN MAI
Trong chương trình tọa đàm trực tuyến “Đừng chờ đợi - Gọi ngay 115” do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM tổ chức, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng - phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, trưởng khoa bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) - cho biết bệnh đột quỵ hoàn toàn có thể điều trị hiệu quả nếu bệnh nhân đến đủ sớm, trước khi tế bào não hủy hoại quá nhiều.
Hiện Bệnh viện Nhân dân 115 đang triển khai những phương pháp điều trị đột quỵ mới nhưng cho đến nay số lượt bệnh nhân đến bệnh viện trong thời gian vàng còn rất ít, với tỉ lệ chỉ chiếm hơn 14%. Điều này đã làm giảm khả năng điều trị rất nhiều.
"Cách đây 5-7 năm, tỉ lệ này 10% thì bây giờ nhích lên được 14%. Đây là tỉ lệ quá thấp. Nếu so sánh với các nước phương Tây như Mỹ thì tỉ lệ người bệnh đến bệnh viện trong thời gian vàng luôn vượt 70-80%, chỉ có 20-30% ngoài giờ vàng", bác sĩ Thắng so sánh và lấy ví dụ.
Ông Thắng cho biết thêm, so với những năm trước đây, mạng lưới điều trị đột quỵ ở TP.HCM đã được cải thiện nhiều nhưng theo ông vẫn chưa đủ, bởi có nhiều bệnh viện đưa ra kỹ thuật mới nhưng không đảm bảo cho bệnh nhân trong 24/7.
"Chúng ta không thể nói rằng hôm nay là thứ bảy nên bác sĩ nghỉ, không đủ ê kíp. Điều này không thể chấp nhận được bởi đột quỵ "không có ngày nghỉ". Trong khi đó, số lượng cơ sở y tế có đủ đội ngũ bác sĩ điều trị bệnh nhân đột quỵ cấp trong 24/7 hiện nay ở TP còn rất ít", bác sĩ Thắng nói.
Bác sĩ Nguyễn Duy Long - giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 (TP.HCM) - cho hay hiện mạng lưới cấp cứu ngoại viện tại TP.HCM có 39 trạm cấp cứu vệ tinh. Nhưng tính theo mật độ dân số và diện tích vẫn chưa đảm bảo 100% những trường hợp đột quỵ được trung tâm điều phối xe cứu thương đến.
Để khắc phục điều này, ông Long mong muốn phương tiện được đa dạng và đề xuất cơ chế bổ sung nguồn nhân lực, có đãi ngộ cho lực lượng cấp cứu ngoại viện tốt hơn, từ đó giúp nâng cao số lượng và năng lực cấp cứu ngoại viện.
Trước số lượng bệnh nhân đột quỵ ngày càng tăng và tỉ lệ đến bệnh viện trễ chiếm 85%, bác sĩ Thắng khuyến cáo bệnh đột quỵ phòng ngừa được, nên cần tầm soát nguyên nhân đột quỵ và kiểm soát chặt chẽ. Lưu ý, việc phòng ngừa này lâu dài, nếu không tuân thủ thì không còn ý nghĩa.
Còn theo bác sĩ Long, bệnh đột quỵ ngày càng trẻ hóa, do đó người dân không nên chủ quan, cố gắng rèn luyện các thói quen tốt như tập thể dục đều đặn, ăn uống lành mạnh, khám sức khỏe định kỳ...
Bác sĩ Thắng nêu các dấu hiệu đặc trưng của đột quỵ gồm: méo miệng, đột ngột yếu liệt chân tay một bên, ngôn ngữ bất thường (nói không rõ lời, nói từ vô nghĩa)… Khi phát hiện người có xuất hiện một trong những triệu chứng này, cần gọi ngay cấp cứu 115, hay đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất.
Người nhà tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn uống, không tự ý uống thuốc, cạo gió, chích đầu ngón tay. Và một thực tế tồn tại trong thời gian gần đây là còn nhiều người tin tưởng và dùng các bài thuốc không rõ nguồn gốc, mạng xã hội quảng cáo để điều trị đột quỵ.