Khi ăn cá người ta kỵ nhất là cá bị nhiễm E.coli vì vệ sinh không đảm bảo. Chia sẻ trên KH&ĐS, Bs. Bùi Thị Mai Hương - Viện Dinh dưỡng QG cho biết, E.coli (Escherichia coli) là một loài vi khuẩn thường sống trong ruột của người và động vật.
Hầu hết các loại E.coli chỉ gây tiêu chảy tạm thời và thoáng qua, tuy nhiên có một vài loại đặc biệt, chẳng hạn như E.coli O157:H7 có thể gây tử vong.
Trong quá trình đánh bắt nếu bảo quản không tốt, cá không còn tươi, chế biến kém vệ sinh, E.coli rất dễ xâm nhập vào cá. Khi ăn phải thực phẩm nhiễm E.Coli rất dễ bị tiêu chảy. Nếu cơ thể khỏe mạnh, sức đề kháng tốt có thể tự hồi phục trong một vài ngày nhưng với những người có hệ miễn dịch suy yếu rất dễ nguy hiểm tính mạng.
Ngoài ra, để hấp thụ tốt nhất dưỡng chất từ cá, chuyên gia dinh dưỡng Từ Ngữ - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội dinh dưỡng Việt Nam cho rằng, nếu ăn cá nên chọn cá nhỏ để ăn toàn phần, cả xương và đầu.
Xét về dinh dưỡng trong một con cá, phần đầu có nhiều lipid, phần thân có nhiều protein, phần xương có nhiều canxi. Cá sống ở dưới nước thì có rất nhiều vi chất, đặc biệt là kim loại như đồng, kẽm, sắt. Khi ăn cá, nên ăn cá tươi, đã nấu chín. Cá sống luôn tiềm ẩn vi khuẩn và ký sinh trùng, một trong số đó là sán dây, tốt nhất không nên ăn.
Theo các chuyên gia, để tránh những tác dụng phụ không mong muốn, những người có dấu hiệu sau đây không nên ăn cá:
Người mắc bệnh gout
Cá và các loại hải sản khác có chứa nhiều purin. Trong khi đó, bệnh gút là do sự chuyển hoá purin trong cơ thể rối loạn gây ra. Vì vậy, người mắc gút nên tránh ăn các loại các khi bệnh đang thời kỳ phát tác. Khi bệnh giảm, nên ăn thịt cá theo định lượng, không được hấp thụ quá nhiều một lần.
Người bị ho dị ứng
Người bị ho lâu ngày và phải dùng thuốc để điều trị không nên ăn cá, đặc biệt là cá biển để tránh bị dị ứng với biểu hiện nổi mẩn đỏ trên da, sung huyết giác mạc, chóng mặt, tim đập nhanh…
Ngoài thuốc ho, một số thuốc kháng sinh, thuốc hạ huyết áp, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống viêm…cũng chứa chất ức chế monoamine. Nếu đang trong quá trình dùng các loại thuốc này để điều trị bệnh, bạn nên tránh ăn cá để mau chóng lành bệnh.
Người bị bệnh nhân xơ gan
Người bị bệnh xơ gan nếu ăn quá nhiều các loại cá biển sâu như: trích, cá ngừ, cá mòi….sẽ khiến tình trạng bệnh xấu đi và có chiều hướng trầm trọng hơn.
Ăn cá bao nhiêu là đủ
Chuyên gia đưa ra những khuyến nghị dành riêng cho từng loại cá:
Cá béo
Cá béo bao gồm cá hồi, cá ngừ, cá sardine, cá trích, cá thu... Cá béo rất giàu omega-3 giúp phòng chống bệnh tim mạch và là nguồn dồi dào cung cấp vitamin D. Cá sardine và cá hồi đóng hộp tăng canxi và phốt pho bởi bạn có thể ăn cả xương cá.
Mỗi người nên ăn ít nhất 140 g cá béo một tuần. Phụ nữ sắp hoặc đang có thai, cho con bú không nên ăn quá 280 g. Đàn ông và phụ nữ không mang thai có thể ăn tối đa 560 g cá béo mỗi tuần.
Cá thịt trắng
Cá thịt trắng là những loại như cá tuyết, cá bơn, cá chim, cá rô phi... Cá thịt trắng ít béo và cung cấp omega-3 song hàm lượng ít hơn cá béo.
Thường thì bạn có thể ăn bao nhiêu cá thịt trắng tùy thích, nhưng với cá nhám và cá cờ thì lưu ý không ăn quá 140 g. Trẻ em, phụ nữ có thai hoặc muốn có thai nên tránh hai loại cá này vì chúng chứa nhiều thủy ngân hơn các loại khác.
Ngoài ra tôm, cua, sò, trai, hàu... chứa nhiều selen, kẽm, i ốt và ít béo. Vì thế bạn có thể tiêu thụ các loài thủy sản này thoải mái.