Bức ảnh được Hãng thông tấn Tasnim công bố cho thấy tàu chở dầu mang cờ Hàn Quốc được các tàu của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran hộ tống trên Vịnh Ba Tư. Ảnh:CNN
Cả hai động thái đều diễn ra một ngày sau lễ kỷ niệm một năm ngày Mỹ giết tướng Qasem Soleimani của Iran và chưa đầy ba tuần trước khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump.
Khi căng thẳng tiếp tục gia tăng, Tổng thống Trump đã chỉ đạo Lầu Năm Góc duy trì một tàu sân bay Mỹ ở Trung Đông, dù đã quyết định đưa tàu này ra khỏi khu vực vào tuần trước.
Một phát ngôn viên của chính phủ Iran cho biết hôm thứ Hai rằng các chuyên gia của họ bắt đầu trở lại công việc làm giàu uranium tại cơ sở hạt nhân Fordow dưới lòng đất, theo hãng tin Mehr và hãng thông tấn nhà nước IRNA.
Theo CNN, Iran hiện đang làm giàu kho dự trữ uranium lên mức 4,5%, cao hơn mức giới hạn 3,67% mà hiệp ước Iran ký với các cường quốc hồi năm 2015 áp đặt, nhưng còn xa so với mức 90% được coi là cấp vũ khí. Iran liên tục phủ nhận ý định chế tạo vũ khí hạt nhân.
Nước này đã thông báo cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về ý định làm giàu uranium ở mức 20%, phát ngôn viên IAEA Fredrik Dahl nói với CNN hôm thứ Sáu tuần trước. Sáng thứ Hai, phát ngôn viên chính phủ Ali Rabiei nói họ đã bắt đầu quá trình làm giàu “vài giờ trước”.
Bộ Ngoại giao Mỹ lên án cả vụ bắt giữ tàu hàng và việc Iran nối lại hoạt động làm giàu uranium. “Chương trình làm giàu của Iran ban đầu được phát triển trong bí mật, bao gồm cả ở Fordow, và Iran đã lưu giữ hồ sơ từ chương trình vũ khí hạt nhân trước đây của họ, cùng với nhiều nhân sự chủ chốt đã dẫn dắt chương trình đó”, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố.
Diễn biến này đặt ra thách thức đối với tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden, người đã cam kết khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi ông nhậm chức vào ngày 20/1. Tổng thống Trump đã từ bỏ thỏa thuận này vào năm 2018, thay vào đó áp dụng lại các lệnh trừng phạt đối với Iran.
Diễn biến xuất hiện sau khi quốc hội Iran thông qua luật vào tháng trước nhằm tăng cường làm giàu uranium lên mức trước năm 2015 và ngăn chặn các cuộc thanh tra hạt nhân nếu các lệnh trừng phạt không được dỡ bỏ. Dự luật đã được thông qua sau vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh của Iran vào tháng 11.
Hãng thông tấn Mehr của Iran đưa tin: “Đạo luật yêu cầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran sản xuất ít nhất 120 kg uranium làm giàu 20% hàng năm và lưu trữ trong nước”.
Hồi đầu năm 2020, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói Iran đang làm giàu uranium nhiều hơn so với trước khi thỏa thuận được ký kết và vào tháng 3, Liên Hợp Quốc nhận thấy rằng nước này đã tăng gần gấp ba lượng dự trữ chỉ trong vài tháng.
Cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden, Jake Sullivan nói với CNN hôm Chủ nhật rằng chính quyền sắp tới của Mỹ sẽ tái ký hiệp ước nếu Iran quay trở lại tuân thủ.
Ông Sullivan cũng nói chính quyền Biden sau đó sẽ tìm kiếm một “cuộc đàm phán tiếp theo” về khả năng tên lửa đạn đạo của Iran.
“Quan điểm của chúng tôi là chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, phải là một phần của cuộc đàm phán tiếp theo đó”, ông Sullivan nói và cho biết thêm rằng chính quyền Biden sẽ tìm cách đưa một số đối tác khu vực của Iran vào bàn đàm phán.
Ông Rouhani tháng trước nói rằng chương trình tên lửa của Iran là không thể thương lượng, theo Reuters.
Hãng tin bán chính thức Tasnim cho biết, Iran cho biết tàu bị bắt giữ vì “gây ô nhiễm môi trường ở Vịnh Ba Tư”. Theo hãng tin Mehr, con tàu đã bị hải quân của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran bắt giữ.