Ca bệnh hiếm gặp: Bé trai 2 tuổi nhập viện nguy kịch vì bị giấy ăn bít đường thở

Phương Linh |

Do chơi với hộp giấy ăn, cháu Đ. đã hít phải những mảnh vụn của lại giấy này và gây nên tình trạng khó thở, với biểu hiện ho nhiều, khó thở, người tím tái…

Trong những ngày qua, thông tin về một bé trai gần 2 tuổi phải nhập viện trong tình trạng sức khỏe nguy kịch, vì bị tắc nghẽn phổi khiến không ít bậc phụ huynh lo lắng. Đáng nói là, nguyên nhân dẫn đến việc cháu bé bị tắc nghẽn phồi, là do cháu bé thường xuyên chơi đùa với hộp giấy ăn, nên mảnh vụn giấy đi vào phổi qua đường thở.

BS Trịnh Thanh Hưng – khoa Tai Mũi Họng (Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An) nhận định, đây là ca bệnh đặc biệt, hiếm gặp và rất khó chẩn đoán. Theo BS Hưng, bệnh nhi là cháu Nguyễn D.T.Đ. (21 tháng) nhập viện vào ra ngày ¼, trong tình trạng ho nhiều, khò khè, quấy khóc, khó thở, tím môi, giảm thông khí phổi trái.

Sau khi được thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán cháu Đ. bị viêm phổi nặng. Tuy nhiên các triệu chứng lại không đặc trưng và ngày càng xuất hiện triệu chứng khó thở, không chỉ có vậy, cháu Đ. còn xuất hiện cơn tím tái ngày càng nhiều.

Sau khi tiến hành hội chẩn liên khoa, các bác sĩ nghi ngờ có dị vật gây bít tắc đường thở, cháu Đ. được chuyển sang khoa Tai Mũi Họng, ê kíp phẫu thuật đã nhanh chóng quyết định tiến hành nội soi phế quản bằng ống mềm kết hợp với ống cứng, gắp dị vật cho trẻ.

Ca bệnh hiếm gặp: Bé trai 2 tuổi nhập viện nguy kịch vì bị giấy ăn bít đường thở - Ảnh 1.

"Kết quả mẫu bệnh phẩm được gắp ra từ phế quản trẻ gồm nhiều mảnh giấy ăn. Kết quả này khiến ê kíp mổ cũng như người nhà bệnh nhân hết sức bất ngờ, vì dị vật đường thở do nuốt giấy là một trong những trường hợp rất hiếm gặp trên lâm sàng", BS Hưng chia sẻ.

BS Hưng cho biết, trong quá trình soi, do dị vật mềm và mủn, nằm sâu bít tắc hoàn toàn lòng phế quản phổi trái, lại ở lâu trong đường thở, nên việc gắp dị vật ra rất khó khăn, đòi hỏi sự chuẩn xác, cẩn thận.

Hiện sau phẫu thuật gắp dị vật, trẻ tỉnh, sức khỏe ổn định, đang được tiếp tục theo dõi và điều trị tại khoa Tai Mũi Họng, bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.

Qua trường hợp trên, BS Trịnh Thanh Hưng khuyến cáo tới các bậc phụ huynh cần hết sức chú ý vì trẻ em thường có thói quen đưa các vật cầm ở tay vào miệng.

Dị vật bị rơi vào đường thở khi hít vào mạnh hoặc sau một khi cười, khóc, ngạc nhiên, sợ hãi... Bởi vậy, phụ huynh nên thận trọng với những thức ăn, đồ chơi nhỏ lọt miệng... có thể làm cho trẻ mắc dị vật để hạn chế những tai biến đáng tiếc xảy ra.

Các bác sĩ khuyến cáo khi phát hiện trẻ bị hóc dị vật, có thể thực hiện các biện pháp sơ cứu ban đầu để cứu sống trẻ. Khi phát hiện hay nghi ngờ trẻ bị dị vật đường thở, tùy từng trường hợp mà có cách xử trí hợp lý.

Nếu trẻ vẫn tỉnh táo, hồng hào, không khó thở, vẫn khóc được nói được thì giữ nguyên tư thế ngồi, nhanh chóng mang đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra, nếu đúng dị vật đường thở sẽ lấy ra.

Nếu trẻ có biểu hiện tím tái, khó thở nặng, ngưng thở, không khóc được, không nói được thì sau khi gọi xe cấp cứu, cần phải tiến hành thủ thuật can thiệp kịp thời trong thời gian đợi xe tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại