Tôm là một thực phẩm bổ dưỡng, với hàm lượng chất dinh dưỡng không thua bất kỳ loài động vật nào khác.
Vỏ tôm không chứa canxi như mọi người vẫn nghĩ. Ảnh: Internet
Theo các chuyên gia dinh dưỡng từ Viện Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), trong thịt tôm có hàm lượng protein cao, ngoài ra còn rất giàu canxi, photpho, acid béo và nhiều khoáng chất khác nữa.
Theo Hướng dẫn chế độ ăn uống 2010 của USDA cho người Mỹ, khuyến cáo nên tăng lượng hải sản ăn vào bằng cách thay thế thịt hoặc gia cầm bằng thủy sản, trong đó có tôm.
Bởi vậy chất dinh dưỡng cao nên tôm góp mặt trong nhiều bữa ăn của các gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Các bà nội trợ vẫn luôn tin rằng vỏ tôm chứa rất nhiều canxi vì sự cứng cáp của lớp vỏ tôm. Để giải đáp điều này, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Bách Khoa) cho biết:
“Tôm là loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và giàu canxi, tuy nhiên vỏ của tôm không hề giàu canxi như những lời đồn thổi. Thực chất trong xương động vật mới có canxi và nguồn canxi chính của tôm chủ yếu ở thịt, chân và càng.
Còn vỏ tôm chỉ là chất kittin (một dạng polymer) tạo nên vỏ của các loại giáp xác chứ không chứa nhiều canxi, thậm chí chất này khi ăn vào còn khó tiêu hóa”, PGS Thịnh nói.
PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh khuyên chúng ta nên ăn nhiều hải sản hơn thay vì ăn thịt, cá. Bởi hải sản đóng góp một loạt các chất dinh dưỡng, đặc biệt là acid béo omega-3, acid eicosapentaenoic (EPA) và docosahexaenoic acid (DHA).
Chúng ta cũng không nên bắt ép trẻ em ăn tôm cả vỏ bởi nó không cần thiết, vì vỏ tôm cứng nên trẻ không nhai hết được khiến trẻ biếng ăn, thêm vào đó dễ đem đến nguy cơ hóc vỏ tôm.