Bút phê "lạ" vụ mua tàu cũ TQ: Cần xem trách nhiệm Chủ tịch ĐSVN

Hoàng Đan |

TS Thủy cho rằng, trách nhiệm đầu tiên trong vụ mua tàu của TQ là của ông Hiệp, nhưng với bút phê của Chủ tịch ĐSVN trong văn bản thì cũng cần xem xét trách nhiệm.

Không nắm được bài học đau đớn khi mua thiết bị cũ

Liên quan đến vụ việc nghiên cứu mua 160 toa tàu cũ của Trung Quốc, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã miễn nhiệm người đại diện vốn của Tổng Công ty tại CTCP Vận tải Đường sắt Hà Nội đối với ông Nguyễn Viết Hiệp.

Ông Hiệp cũng đã bị cho thôi giữ chức Tổng Giám đốc CTCP Vận tải Đường sắt Hà Nội để điều động, bố trí làm Phó ban Vận tải Tổng Công ty.

Tuy nhiên, tại văn bản cấp dưới gửi lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt VN về việc mua tàu đã qua sử dụng của Trung Quốc có bút phê "nhất trí thực hiện nhanh chủ trương" này của ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt VN.

Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải, người có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực đường sắt cho hay, việc đề xuất mua tàu cũ của Trung Quốc là chủ trương rất sai.

Khởi thảo của đề xuất mua tàu cũ này là từ Công ty Vận tải Đường sắt Hà Nội, đơn vị kinh doanh đường sắt nhưng đang thiếu các loại toa tàu tốt nên cố mua toa tàu Trung Quốc.

"Do đó, trách nhiệm đầu tiên thuộc về đơn vị cơ sở của ngành ĐSVN là Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội, khi đã đề xuất ý kiến rất sai với chủ trương, nghị quyết của Chính phủ và không nắm được bài học đau đớn khi mua thiết bị cũ của nước ngoài.

Ông Hiệp là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, bị xử lý, miễn nhiệm, cho thôi giữ chức Tổng Giám đốc", TS Thủy nói.

Cũng theo ông Thủy, khi sự việc xảy ra, ông cũng đã đặt ra một ái ngại là tại sao một người chỉ là Tổng Giám đốc Cty đường sắt thành viên của ĐSVN mà lại dám thỏa thuận với Trung Quốc mua lượng toa tàu lớn, với kinh phí có thể tới nhiều triệu USD.

Văn bản với bút phê của ông Thành. Ảnh: Tiền Phong.
Văn bản với bút phê của ông Thành. Ảnh: Tiền Phong.

"Quả nhiên sau đó, có xuất hiện bút phê đồng ý chủ trương của ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty đường sắt Việt Nam. Do đó, ở đây còn có trách nhiệm rất quan trọng của ông Thành.

Bởi khi đọc đề nghị mua toa xe cũ của đường sắt Hà Nội, người lãnh đạo của Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đã không nhận thấy sai lầm.

Đáng lý ra, ông phải phủ quyết, không đồng ý thì ở đây lại đồng ý và phê "nhất trí thực hiện nhanh chủ trương đầu tư toa xe hàng đã qua sử dụng của Trung Quốc".

Nhưng cụ thể ai sẽ phải chịu trách nhiệm cao thì cơ quan chức năng sẽ phải vào điều tra, xem xét làm rõ", TS Thủy nêu.

Vị này cũng bày tỏ ý kiến về việc bổ nhiệm 2 người liên quan đến vụ việc này.

Cụ thể, ông Trần Thế Hùng, Trưởng ban Kế hoạch Kinh doanh thay ông Nguyễn Viết Hiệp giữ chức vụ TGĐ Cty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội và chính ông này đã trình lãnh đạo Tổng Cty phương án mua lô tàu cũ của Trung Quốc.

Đồng thời, một người khác cũng liên quan đến việc từng trình lãnh đạo Tổng Công ty về phương án mua tàu cũ của Trung Quốc là bà Đỗ Thanh Hà, Trưởng ban Kế hoạch Kinh doanh.

Hiện tại, bà Hà đã được bổ nhiệm làm Thành viên Hội đồng Thành viên ĐSVN và là 1 trong 5 người có thẩm quyền quyết định miễn nhiệm ông Hiệp.

TS Thủy nhấn mạnh: "Nếu đúng các cán bộ này là người đã trình Tổng Công ty phương án mua tàu cũ của Trung Quốc thì không nên đề bạt như vậy và cần xem xét thật kỹ để tránh những vấn đề không hay".

Hầu hết toa tàu đang sử dụng ở Việt Nam là của Trung Quốc

Một thực tế cũng được TS Thủy nêu ra, đó là hiện nay, hầu hết các toa tàu đang sử dụng ở Việt Nam đều có nguồn gốc nhập từ Trung Quốc (!?).

"Kể cả toa tàu hàng, toa khách đều hầu hết là của Trung Quốc, còn nếu là toa tàu của Việt Nam thì chỉ đóng được phần trên còn phần giá chuyển, hệ thống lò xò, ổ bi, đầu đấm.. và nhiều thiết bị trọng yếu phải nhập ở các nước.

Thực tế, các toa tàu có thể là mua mới của Trung Quốc hoặc mua cũ của họ về hoán cải, gia trường lại.

Bởi một toa tàu trông như vậy nhưng rất phức tạp về cả kết cấu, chịu lực, công nghệ đúc, hàn, dập, kể cả thiết bị đảm bảo cho tàu chạy êm, đảm bảo trọng tải, an toàn.

Ở nước ta, để đóng một toa tàu toàn bộ là không làm được", ông thông tin.

Để làm rõ thêm, TS Thủy cho hay, chỉ cần qua nhà máy xe lửa Gia Lâm sẽ thấy rõ, hiện nay, khi Việt Nam chế tạo thì chủ yếu làm thân xe còn phần dưới chủ yếu nhập từ Trung Quốc.

"Cho nên ở đây cũng lý giải, tại sao ông Hiệp lại đề xuất mua của Trung Quốc thì đó là do truyền thống từ trước.

Nhưng ông Hiệp đã quên rằng, Chính phủ đã có nghị định về việc không cho phép nhập khẩu các linh kiện, phương tiện cũ, niên hạn sử dụng cao và khi vi phạm thì rõ ràng sẽ bị xử lý", ông nói.

Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết:

“Trên cơ sở báo cáo của Tổng Công ty Đường sắt VN theo chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng, Bộ GTVT đã lập đoàn kiểm tra và kiểm tra cụ thể về chủ trương nghiên cứu mua toa xe cũ từ Trung Quốc.

Chúng tôi sẽ có kết luận về vụ việc này trong vài ngày tới”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Trường., Thứ trưởng Bộ GTVT cũng xác nhận, Bộ GTVT đã thành lập đoàn kiểm tra, xác minh làm rõ vấn đề trong vụ nghiên cứu mua toa tàu cũ của Tổng Cty Đường sắt.

Đối với việc ông Nguyễn Viết Hiệp – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội bị cách chức, Thứ trưởng Trường khẳng định:

Sau khi tiến hành kiểm tra, nếu xác minh thấy ông Hiệp thực sự trong sáng thì Bộ sẽ có xem xét lại hình thức xử lý.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại