Mua toa tàu cũ của TQ: Đã quyết định người thay tướng bị "trảm"

Hoàng Đan |

Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vừa có quyết định bổ nhiệm cán bộ thay ông Nguyễn Viết Hiệp - người bị "trảm" vì đề xuất mua toa tàu cũ của Trung Quốc.

Liên quan đến vụ nghiên cứu mua 160 toa xe chở hàng cũ của Trung Quốc, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã miễn nhiệm người đại diện vốn của Tổng Công ty tại Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội đối với ông Nguyễn Viết Hiệp.

Trong một thông tin mới nhất, Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã vừa có quyết định bổ nhiệm ông Trần Thế Hùng, Trưởng ban Kế hoạch Kinh doanh thay ông Nguyễn Viết Hiệp giữ chức vụ Tổng giám đốc công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội.

Theo tìm hiểu của PV thì chính ông Hùng đã trình lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phương án mua lô tàu cũ của Trung Quốc.

Đồng thời, một người khác cũng liên quan đến việc từng trình lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về phương án mua tàu cũ của Trung Quốc là bà Đỗ Thanh Hà, Trưởng ban Kế hoạch Kinh doanh trước ông Hùng.

Hiện tại bà Hà đã được bổ nhiệm làm Thành viên Hội đồng Thành viên ĐSVN và là 1 trong 5 người có thẩm quyền quyết định miễn nhiệm ông Hiệp.

Trước đó, sau khi bị cho thôi giữ chức Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội, ông Hiệp đã đươc điều động, bố trí làm Phó Ban Vận tải Tổng Công ty.

Tại một diễn biến khác, trong văn bản cấp dưới gửi lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về việc mua toa xe đã qua sử dụng của Trung Quốc có bút phê "nhất trí thực hiện nhanh chủ trương đầu tư toa xe hàng đã qua sử dụng của Trung Quốc".

Trong khi đó, lãnh đạo của Tổng Công ty khẳng định không hề biết đến chủ trương này.

Trao đổi với chúng tôi vào chiều 16/2, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty đường sắt Việt Nam xác nhận bút phê bên lề văn bản là của ông.

"Bút phê của tôi chứ chẳng phải của ai cả. Bút phê của tôi vào văn bản xin ý kiến chủ trương để thành lập đoàn đi khảo sát, nắm bắt tình hình để đánh giá về kinh tế, kỹ thuật, giá cả về tổng hợp để báo cáo xin chủ trương của Tổng Công ty.

Tôi làm doanh nghiệp, khi có thông tin có lợi cho doanh nghiệp thì tôi phải cho đi khảo sát là chuyện bình thường, còn đi khảo sát rồi chưa báo cáo thì làm gì tôi đã duyệt được chủ trương mà lại nói là duyệt chủ trương", ông Thành nói.

Ông Thành thông tin thêm, đi khảo sát là một chuyện còn khi về quyết định đầu tư hay không lại là chuyện khác.

"Nếu thực sự có hiệu quả kinh tế thì đầu tư cũng không trái luật, nhưng phía dưới họ đã có báo cáo gì đâu mà phê duyệt chủ trương", ông Thành nêu rõ.

Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông vận tải (xin giấu tên) cho rằng, việc ông Hiệp mất chức là do chủ trương, đề xuất mua tàu cũ của Trung Quốc nhưng chủ trương đó ở đâu, do đâu thì cần phải làm rõ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại